Vĩnh Phúc: Linh hoạt, đa dạng các hình thức kết nối thu hút đầu tư

Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, song với những cơ chế, chính sách ưu đãi cùng sự linh hoạt đa dạng các hình thức kết nối nhà đầu tư, tỉnh Vĩnh Phúc vẫn là điểm đến an toàn thu hút vốn nội lẫn ngoại. Điều này góp thêm nguồn lực tạo sự phát triển của tỉnh.

Tính đến nay, Vĩnh Phúc đã thu hút được 429 dự án FDI, tổng vốn đầu tư 7,1 tỷ USD của 20 quốc gia, vùng lãnh thổ; 824 dự án DDI với tổng vốn đầu tư gần 110 nghìn tỷ đồng. Vốn đầu tư tập trung vào lĩnh vực sản xuất linh kiện, điện tử chiếm 49,7%; dệt may chiếm 7,8%; sản xuất ô tô, linh kiện ô tô chiếm 7,2%; sản xuất xe máy, linh kiện xe máy chiếm 6,1% và 28,6% lĩnh vực khác.

Riêng năm 2021, Vĩnh Phúc thu hút thêm 50 dự án mới; trong đó, có 35 dự án FDI đã và đang đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư 880 triệu USD với nhiều nhà đầu tư lớn, tiềm năng. Đó là, dự án Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc do liên danh Tập đoàn T&T (Việt Nam), Tập đoàn YCH và YCH Holdings (Singapore) làm chủ đầu tư có tổng vốn đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất gạch ốp, lát cao cấp, gạch COTTO (Công ty HERA), Nhà máy sản xuất thiết bị vệ sinh (Công ty TOTO) …

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cũng chịu nhiều tác động. Vượt lên khó khăn, các doanh nghiệp ở Vĩnh Phúc vừa thực hiện tốt việc phòng, chống dịch COVID-19, vừa bảo đảm an toàn sức khỏe của người lao động. Đồng thời, nỗ lực duy trì sản xuất, kinh doanh, không đứt gãy chuỗi sản xuất, hoàn thành đơn hàng đúng thời hạn.

dau-tu-nuoc-ngoai-1639990648.jpeg
Ảnh minh hoạ

Công ty cổ phần Công nghiệp Á Mỹ là một tổ hợp công nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và thương mại sản phẩm vật liệu xây dựng, được thành lập năm 2015 tại khu công nghiệp Thái Hòa, huyện Lập Thạch, tổng diện tích 30 ha. Hiện công ty có hơn 1.400 cán bộ công nhân, lao động đang làm việc.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc ngành Gốm - Công ty cổ phần Công nghiệp Á Mỹ, khu công nghiệp Thái Hòa cho biết, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng công ty luôn tìm đối sách để thích nghi, phát triển hoạt động sản xuất. Nhờ đó, mọi hoạt động sản xuất của công ty vẫn duy trì, tăng trưởng khoảng 40% so với năm 2020.

Bên cạnh đó, công ty đang tiếp tục nghiên cứu mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư thêm nhà máy tấm lát sàn SPC với công suất 12 triệu m2/năm; thu hút nhân lao động chất lượng cao, hướng mục tiêu xuất khẩu, giảm áp lực cạnh tranh thị trường trong nước.

Theo các nhà đầu tư, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch gây ra, nhưng tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều chính sách cởi mở, minh bạch, thông tin rõ ràng về tiềm năng, thị trường, nhu cầu dự án. Điều đó tiếp tục củng cố lòng tin của các nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư của tỉnh, tạo hiệu ứng lan tỏa và tác động tích cực tới nhà đầu tư mới.

Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Ngói cao cấp Amado, Khu công nghiệp Tam Dương II chia sẻ, trong quá trình triển khai xây dựng nhà máy sản xuất, công ty được sự quan tâm, lắng nghe từ phía của UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Đồng thời, được Ban Quản lý khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc hướng dẫn, hỗ trợ về thủ tục hồ sơ đầu tư, cấp đất, cấp giấy phép. Chính vì vậy, dự án của công ty dự kiến 10 tháng hoàn thành, nhưng sau 8 tháng triển khai xây dựng đã đi vào hoạt động.

Với phương châm “Tất cả các nhà đầu tư đến Vĩnh Phúc đều là công dân của Vĩnh Phúc”, tỉnh đã ban hành và thực hiện nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi cùng sự linh hoạt, năng động sáng tạo trong xúc tiến đầu tư. Tỉnh lựa chọn các nhà đầu tư đủ năng lực để đầu tư hạ tầng khu công nghiệp nhằm thu hút doanh nghiệp.

Cùng đó, tỉnh giảm giá thuê đất và gia hạn nộp thuế đất; đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng; hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách về thu hút đầu tư, tập trung vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào các khu công nghiệp.

Tỉnh cũng tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine và các biện pháp kiểm soát dịch bệnh ngày càng linh hoạt hơn. Điều này không chỉ giúp củng cố thêm lòng tin của cộng đồng doanh nghiệp mà còn sớm nắm bắt được cơ hội thu hút thêm dòng vốn FDI mới trong thời gian tới.

Để chủ động tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư tại chỗ, tỉnh Vĩnh Phúc thành lập Tổ giúp việc Chủ tịch UBND tỉnh nhằm thích ứng, linh hoạt trong xúc tiến đầu tư tại chỗ; rút ngắn khoảng 20% thời gian giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến.

Sau gần 3 tháng hoạt động, Tổ giúp việc Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp giải quyết, báo cáo Chủ tịch chỉ đạo giải quyết nhanh, bảo đảm không quá 24 giờ gần 1.000 cuộc điện thoại của các doanh nghiệp, chủ yếu đề nghị tỉnh tháo gỡ các khó khăn trong việc xuất nhập cảnh của chuyên gia, việc lưu thông hàng hóa, đưa đón lao động.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 Vĩnh Phúc trở thành tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước; thu hút thêm từ 2-2,5 tỷ USD vốn đầu tư FDI và từ 20-25 nghìn tỷ đồng vốn DDI.

Để thực hiện mục tiêu này, Vĩnh Phúc tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, trọng tâm phát triển công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao; chuyển mạnh mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế theo hướng tăng năng suất lao động trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, ưu tiên thu hút phát triển cụm ngành công nghiệp điện tử công nghệ cao. Vĩnh Phúc đã chuẩn bị hơn 500 ha đất sạch dành cho công nghiệp, có thể sẵn sàng giao ngay cho các nhà đầu tư khi có nhu cầu.

Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đầu tư kinh doanh, giảm tối đa chi phí khởi nghiệp, giảm chi phí đầu vào, khuyến khích đổi mới công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới để sẵn sàng đón dòng vốn mới./