Liên kết nâng cao chất lượng giúp nông sản rộng đường xuất khẩu

Khu vực ĐBSCL có diện tích cây ăn trái khoảng 370.000 ha. Hiện nhiều loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao được các địa tập trung phát triển thành vùng chuyên canh, xây dựng mã số vùng trồng và khuyến khích tham gia liên kết giữa người dân với HTX và HTX với doanh nghiệp để xây dựng vùng nguyên liệu, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu. Điều này giúp các nông sản chủ lực rộng đường xuất khẩu vào các thị trường quốc tế.
lien-ket-xuat-khau-trai-cay-4-1722296686.jpg
Cây ăn trái được trồng tại huyện Phong Điền, TP Cần Thơ. (Ảnh minh họa)

Nỗ lực đưa ầu riêng, xoài, nhãn, thanh long, vú sữa lên máy bay xuất ngoại

Vùng ĐBSCL nơi đóng góp lớn về xuất khẩu trái cây của cả nước, nhiều loại trái cây như sầu riêng, xoài, nhãn, thanh long, vú sữa đã xâm nhập các thị trường quốc tế và được người tiêu dùng đón nhận. Tại Cần Thơ diện tích cây ăn trái trên 25.000 ha, những nông sản tại các vùng trồng chất lượng cao của Cần Thơ đã xuất khẩu vào các thị trường quốc tế.

Trong những tháng đầu năm Cần Thơ đã xuất khẩu lô xoài Tượng Da Xanh và trái thanh nhãn sang thị trường Hoa Kỳ và Australia. Những lô hàng này được xuất khẩu bằng đường hàng không, rút ngắn thời gian vận chuyển, sản phẩm đến tay người tiêu dùng trong thời gian ngắn nhất.

Anh Nguyễn Hoàng Anh, ngụ xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ cho biết, hiện gia đình đang trồng thanh nhãn để xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, Australia và một số quốc gia khác. Với diện tích gần 5 ha nhãn được canh tác theo tiêu chuẩn VietGap, áp dụng nghiêm ngặt quy trình canh tác về sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Để có được đơn hàng xuất khẩu sang các thị trường quốc tế nhãn sẽ được người dân thu hoạch từng trái, sau đó phân loại theo kích cỡ, đóng thùng vận chuyển về nhà máy để xử lý các khâu cuối trước khi xuất khẩu.

lien-ket-xuat-khau-trai-cay-1-1722296763.jpg
Để xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, Australia thì người dân phải liên kết để tạo ra vùng nguyên liệu ổn định, được cấp mã số vùng trồng và thời thực hiện đúng các hướng dẫn của Cục Bảo vệ thực vật về quản lý dịch hại. (Ảnh minh họa)

Theo anh Hoàng Anh, để xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, Australia thì người dân phải liên kết để tạo ra vùng nguyên liệu ổn định, được cấp mã số vùng trồng và thời thực hiện đúng các hướng dẫn của Cục Bảo vệ thực vật về quản lý dịch hại, ghi chép nhật ký sản xuất, nhật ký liên kết đầy đủ để phục vụ truy xuất nguồn gốc khi cần thiết.

"Để xuất khẩu mình phải theo quy trình của xuất khẩu, phải theo tiêu chuẩn. Mỗi một thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn khác nhau, muốn vào thị trường Mỹ thì nhãn phải đạt chất lượng, muốn xuất thị trường Châu Âu mình phải làm theo tiêu chuẩn VietGap. Phải theo quy trình mới xuất được chứ không phải nhãn mình trồng muốn bán thị trường nào thì bán. Phải vào HTX, làm theo quy trình của HTX", anh Hoàng Anh nói.

Huyện Cờ Đỏ có diện tích trồng thanh nhãn hơn 330 ha, đây là loại trái cây có chất lượng cao đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, hiện nay cây thanh nhãn được cấp 36 mã số vùng trồng để xuất khẩu sang các thị trường Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản, Thái Lan, EU và Trung Quốc, Hàn Quốc và nhiều thị trường khó tính khác. Ông Trần Phước Sơn, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất cây ăn trái Trạng Tí Garden cho biết, để nhãn xuất khẩu vào thị trường quốc tế thì tổ hợp tác đã chủ động liên kết với doanh nghiệp để ổn định đầu ra và đáp ứng được các yêu cầu của doanh nghiệp.

"Tổ hợp tác chúng tôi chủ yếu là nông dân trong đó có gần 50% có trình độ đại học và sau đại học cho nên tư duy, hàm lượng chất xám của tổ hợp tác cũng khá cao. Chúng tôi luôn quan tâm, xây dựng chất lượng. Nếu chất lượng tốt thì mình không lo gì sản phẩm của mình mà doanh nghiệp không tìm đến, chính vì đó chúng tôi tập trung xây dựng thương hiệu, xây dựng chất lượng. Hàng hóa mình muốn cạnh tranh được thì mình không còn cách nào khác là phải cải tiến kỹ thuật, phải làm theo hướng sạch đảm bảo an toàn", ông Sơn chia sẻ.

Liên kết xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng yêu cầu xuất khẩu

Theo Sở NN&PTNT Cần Thơ, hiện địa phương có 193 mã số vùng trồng gồm xoài, vú sữa, nhãn, lúa và sầu riêng với tổng diện tích hơn 2.600 ha để xuất sang các thị trường khó tính. Hiện địa phương đang hướng dẫn người dân xây dựng mã số vùng trồng đáp ứng yêu cầu xuất khẩu và tuân thủ đúng các quy định về quản lý, sử dụng mã số vùng trồng đã được cấp. Đồng thời khuyến khích phát triển sản xuất theo hướng tập trung, phát triển liên kết HTX tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp liên kết xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cần Thơ cho biết, hàng năm sản lượng cây ăn trái của thành phố hơn 200.000 tấn, ngành nông nghiệp Cần Thơ đang mở rộng quy mô vùng trồng, hình thành những vùng cây ăn trái tập trung để đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu về truy xuất nguồn gốc, chất lượng sản phẩm.

Ông Trần Thái Nghiêm cho biết, diện tích và sản lượng cây ăn trái của Cần Thơ lớn nhưng quy mô sản xuất vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, việc liên kết giữa người dân và doanh nghiệp chưa nhiều. Vì vậy, sản xuất theo hướng liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, liên kết để hình thành các vùng trồng chuyên canh tập trung đủ điều kiện được cấp mã quản lý, thực hiện quy trình kỹ thuật sản xuất đảm bảo chất lượng là hướng đi đúng đắn để xây dựng thương hiệu trái cây xuất khẩu của thành phố.

"Trong mấy năm gần đây vấn đề liên kết, tiêu thụ trong ngành hàng cây ăn trái ở thành phố Cần Thơ diễn ra hết sức sôi động, nhiều loại cây ăn trái có giá trị, đặc biệt như mấy năm vừa rồi là sầu riêng, vú sữa, nhãn… được rất nhiều doanh nghiệp quan tâm khi thiết lập mã vùng trồng, các doanh nghiệp đều đứng ra để mong muốn liên kết xây dựng vùng nguyên liệu để phát triển thị trường xuất khẩu"- ông Khiêm thông tin.

lien-ket-xuat-khau-trai-cay-3-1722296806.jpg
Lễ xuất khẩu thanh nhãn lô đầu tiên của tổ hợp tác Trạng Tí Garden (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) sang Hoa Kỳ và Úc. (Ảnh: Huỳnh Xây)

Theo Cục trồng trọt, Bộ NN&PTNT, xuất khẩu trái cây vùng ĐBSCL đóng góp lớn vào xuất khẩu chung của trái cây của Việt Nam. Tuy nhiên, sản xuất cây ăn trái ở khu vực vùng ĐBSCL đang bộc lộ rõ những hạn chế khi diện tích canh tác manh mún, nhỏ lẻ; liên kết giữa người dân với HTX và doanh nghiệp chưa nhiều nên khó khăn trong xây dựng vùng nguyên liệu để xuất khẩu.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ NN&PTNT cho biết, diện tích cây ăn trái ở khu vực ĐBSCL khoảng 370.000 ha. Hiện nhiều loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao được các địa tập trung phát triển thành vùng chuyên canh, xây dựng mã số vùng trồng và khuyến khích tham gia liên kết giữa người dân với HTX và HTX với doanh nghiệp để xây dựng vùng nguyên liệu, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu.

"Vấn đề liên kết là xu hướng đang được thực hiện mạnh mẽ gần đây. Ở đây chúng ta có nhiều nông hộ tham gia hợp tác xã, rồi hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp, có những hợp tác xã người ta xuất khẩu trực tiếp luôn cũng là cách mà phát triển cây ăn trái ở phía Nam. Việc liên kết phải giữ được chất lượng theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và thâm canh vừa phải là một xu hướng hiện đại và nó sẽ phát triển được sản phẩm ở trong nước cũng như là xuất khẩu", ông Tùng nói.

Diện tích cây ăn trái ở Việt Nam khoảng 1,2 triệu ha. Năm qua xuất khẩu rau quả đạt hơn 5,6 tỷ USD, điều này đã chứng minh, khẳng định giá trị nông sản Việt Nam tại các thị trường quốc tế. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu về xuất khẩu cần qua  tâm xây dựng mã số vùng trồng, tăng cường liên kết, phát triển vùng sản xuất cây ăn trái chuyên canh tập trung gắn với nhu cầu thị trường, khi đó mới thực sự phát triển bền vững ngành hàng trái cây để phục vụ xuất khẩu./.

Bình Nguyên