Trước việc Trung Quốc ngày càng siết chặt các biện pháp kiểm soát về nhập khẩu thực phẩm, Việt Nam cần phải thích ứng với quy định của nước bạn để tránh tình trạng hàng bị trả về.
Qua đó, vào ngày 19/8, Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ và Kiểm dịch Động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận đã tổ chức hội nghị "Xuất khẩu trái cây tươi trong bối cảnh Trung Quốc thực thi Lệnh 248, 249 và tăng cường kiểm soát nhập khẩu thực phẩm chuỗi cung ứng lạnh".
Đây là hội nghị được các doanh nghiệp rất quan tâm, bởi kể từ khi Lệnh 248 về "Quy định Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu", Lệnh 249 về "Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu" và kiểm soát nghiêm ngặt về phòng chống SARS-COV-2 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, vẫn còn rất nhiều quy định cần được làm rõ để các doanh nghiệp nắm được.
Ông Lê Thanh Hòa - Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, Hội nghị nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh nắm rõ thông tin về việc xuất khẩu nông sản, thực phẩm thích ứng trong bối cảnh Trung Quốc triển khai Lệnh 248 về "Quy định Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu" và Lệnh 249 về "Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu" và kiểm soát nghiêm ngặt về phòng chống SARS-COV-2. Từ đó, các doanh nghiệp có định hướng cũng như giải pháp thích ứng nhanh chóng, hiệu quả để có thể tiếp tục khai thác thị trường lớn và nhiều tiềm năng này.
Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe báo cáo và tập trung thảo luận xoay quanh các quy định mới trong xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào thị trường Trung Quốc với một số nội dung như: quy định xuất khẩu trái cây tươi vào thị trường Trung Quốc và biện pháp quản lý an toàn thực phẩm trong nhập khẩu; hướng dẫn đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nông sản, nguồn gốc thực vật xuất khẩu; vùng trồng, cơ sở đóng gói và kiểm dịch thực vật khi xuất khẩu trái cây tươi vào Trung Quốc; biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp trong sản xuất xuất khẩu trái cây tươi…
Được biết, Cơ quan Hải quan Trung Quốc sẽ tăng cường các biện pháp kiểm tra, vì thế các doanh nghiệp muốn xuất khẩu sang thị trường đông dân nhất thế giới sẽ buộc phải thích nghi, tuân thủ mọi quy định của nước bạn, đây chính là thông điệp hội nghị muốn gửi đến các doanh nghiệp.
Ông Lương Văn Tài – Tùy viên thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, Trung Quốc, việc phòng chống lây nhiễm chéo Covid-19 trong nông sản, thực phẩm cũng vô cùng quan trọng. “Trong bối cảnh Trung Quốc vẫn áp dụng chính sách zero Covid, chúng tôi khuyến nghị doanh nghiệp nên tổ chức sản xuất theo hướng dẫn trong cuốn cẩm nang phòng chống lây nhiễm chéo Covid-19 trong nông sản, thực phẩm, đã được FAO cập nhật mới nhất”, ông Lương Văn Tài cho biết.