Liên kết làng nghề và doanh nghiệp gỗ để phát triển bền vững

Những biến động trong thị trường xuất khẩu đang khiến nhiều doanh nghiệp (DN) hướng về thị trường nội địa. Để giảm thiểu chi phí, tiếp cận công nghệ và đưa ra được những sản phẩm hợp thị hiếu, đã xuất hiện những liên kết giữa DN với các làng nghề gỗ.
z3853813060163678613d2e32709ed197ed6d05b27f594-16675375543861725206361-1667623673.jpg
Chợ đầu mối Thế giới nội thất gỗ Tây tại Đồng Nai - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Tại hội thảo "Liên kết công ty với các hộ tại làng nghề gỗ: Giảm rủi ro và thúc đẩy phát triển bền vững thị trường nội địa trong tương lai” do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) tổ chức ngày 4/11, ông Tô Xuân Phúc, đại diện Tổ chức Forest Trend cho biết, khảo sát của tổ chức này từ năm 2015 đến nay cho thấy, các làng nghề gỗ đang có nhiều thay đổi.

"Sự thay đổi có thể thấy rõ trong cơ cấu lao động khi lao động phổ thông giảm nhiều vì thanh niên muốn vào làm tại các khu công nghiệp hơn là ở nhà sản xuất cùng gia đình. Tỉ lệ cơ giới hóa của các làng nghề cũng tăng lên. Bên cạnh đó nguyên liệu dùng trong các làng nghề cũng thay đổi, hiện nay đa số là gỗ có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Thị trường của các làng gỗ cũng chuyển hẳn sang nội địa", ông Tô Xuân Phúc nhấn mạnh.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, Việt Nam có khoảng hơn 300 làng nghề với hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn hộ gia đình tham gia khâu sản xuất và thương mại. Nhiều hộ tại các làng nghề này vẫn hoạt động theo hình thức tự phát, chưa có các hoạt động chuyên nghiệp. 

Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đánh giá: "Gần đây đã xuất hiện một số mô hình liên kết giữa công ty trong ngành gỗ và hộ gia đình tại một số làng nghề nhằm mục tiêu chuyển đổi nguyên liệu đầu vào tại các làng nghề này".

Ông Lê Phi Chiến, đại diện cho làng nghề Liên Hà, huyện Đan Phượng (TP. Hà Nội) chia sẻ câu chuyện tại làng nghề của mình: Trước đây, một hộ gia đình có thể sản xuất ra cả một cái giường, cái tủ, còn bây giờ mỗi nhà làm một chi tiết. Liên kết này rất hiệu quả vì không phải dùng nhiều thợ tay nghề cao nữa mà vẫn ra được sản phẩm.

Ông Chiến cho biết thêm, hiện nay đất làng nghề đắt lên nhiều nên đầu tư nhà xưởng tốn kém, lãi suất vay cũng tăng nên các hộ trong làng nghề rất lo lắng. "Trước đây chúng tôi chỉ bán sỉ nhưng nay cũng phải bán lẻ để duy trì. Nếu liên kết được với những nhà bán lẻ chuyên nghiệp để đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng hy vọng sẽ là một hướng đi mới hiệu quả".

Bà Đặng Thị Én, đại diện làng nghề đồ gỗ Vạn Điểm, Thường Tín (Hà Nội) cho biết, những hộ phát triển nhất trong làng nghề lại là những hộ không mặn mà với câu chuyện liên kết do tâm lý muốn giữ ổn định và bảo toàn tài sản. Bản thân bà Én khi phát triển doanh nghiệp của mình theo hướng kết nối với các kiến trúc sư và các đơn vị thiết kế nội thất cũng nhiều lần bị người nhà khuyên can, cho rằng không cần thiết.

Ông Võ Quang Hà (Chủ tịch Công ty Cổ phẩn Tân Vĩnh Cửu - Tavico) xuất thân từ một đơn vị cung ứng gỗ nguyên liệu nhập khẩu, đã có sáng kiến thành lập chợ đầu mối Thế giới nội thất gỗ Tây - Tavico Hố Nai (Đồng Nai) nhằm kết nối trực tiếp các nhà sản xuất và phân phối đồ gỗ nội thất với tất cả các nhà bán lẻ trên toàn bộ khu vực miền Nam. 

ong-ha-1667623695.jpg
Ông Võ Quang Hà (Chủ tịch Công ty Cổ phẩn Tân Vĩnh Cửu - Tavico) - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Chợ này được chính thức khai trương vào ngày 1/12/2017 với sự quy tụ của rất nhiều nhà sản xuất, bao gồm cả làng nghề và những nhà máy sản xuất đồ gỗ xuất khẩu lớn của Việt Nam. Sự phong phú của hàng hóa cùng với mức giá bán sỉ "chợ đầu mối" đem lại một sức hấp dẫn lớn chưa từng có tới mọi đối tượng khách hàng.

Ông Hà nhìn nhận, một sản phẩm gỗ từ khi có được nguyên liệu đến tay người tiêu dùng không dưới 6 tháng. Để sản xuất sản phẩm gỗ và đưa ra thị trường thì việc quay vòng vốn là vấn đề lớn, nhất là trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay. 

Chính vì vậy nếu thực hiện được chuỗi liên kết từ cung cấp nguồn nguyên liệu cho đến đầu ra sản phẩm không chỉ cần 1-2 mắt xích mà còn nhiều liên kết khác về tài chính, công nghệ, logistics…

Tại hội thảo, ông Hà chia sẻ với đại diện các làng nghề phía bắc: "Quan trọng nhất của việc đảm bảo liên kết là cần kiên trì để phát triển chuỗi cung sản phẩm gỗ bền vững. Chỉ như vậy mới có thể cùng nhau phát triển ngành gỗ bền vững và có thương hiệu".