Gỗ hợp pháp - điều kiện tiên quyết để ngành gỗ phát triển bền vững

Ngày 28/10, Diễn đàn “Chuỗi giá trị gỗ hợp pháp và bền vững tại Việt Nam” đã được tổ chức tại Bình Dương, nơi có chiếm tới hơn 40% tổng giá trị xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam.

Nhằm thúc đẩy đối thoại giữa các bên liên quan trong ngành lâm nghiệp, bao gồm các cơ quan Chính phủ, hiệp hội gỗ, tổ chức phi chính phủ và các đối tác phát triển về chuỗi cung ứng gỗ hợp pháp, Tổng cục Lâm nghiệp phối hợp cùng Nhóm nòng cốt đa bên thuộc khuôn khổ Hiệp định VPA /FLEGT và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ tổ chức Diễn đàn “Chuỗi giá trị gỗ hợp pháp và bền vững tại Việt Nam”.

Hiện, Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ hơn 108 quốc gia trên thế giới. Phát triển chuỗi giá trị gỗ hợp pháp và bền vững trong lâm nghiệp là một trong những điều kiện sống còn cho ngành gỗ trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay. Hiện nay, Việt Nam đã có một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật để kiểm soát gỗ hợp pháp nhằm mục tiêu xây dựng và phát triển ngành sản xuất chuỗi giá trị gỗ phát triển bền vững.

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Phạm Văn Điển cho biết, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2021 đạt gần 15 tỷ USD bất chấp đại dịch Covid-19, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gỗ lớn thứ 2 ở châu Á và thứ 5 trên thế giới. Việt Nam đang phấn đấu trở thành một trong những trung tâm chế biến gỗ xuất khẩu hàng đầu thế giới. Theo dự báo, vào năm 2030, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành chế biến gỗ Việt Nam ước đạt 25 tỷ đô la Mỹ.

che-bien-go-1667005070.jpg
Một xưởng sản xuất đồ gỗ tại Việt Nam. Ảnh minh họa (Ảnh: Internet).

Để đạt được mục tiêu này, ông Điển cho rằng, ngành gỗ cần làm nhiều việc, trong đó cần tạo ra các chuỗi giá trị từ khâu nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho tới khâu xuất khẩu. Do đó, việc phát triển chuỗi giá trị gỗ hợp pháp và bền vững trong lâm nghiệp là một trong những điều kiện sống còn cho ngành gỗ trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay. Hợp pháp và bền vững là hai từ khóa cho ngành gỗ trong bối cảnh mới, khi mà các quốc gia đều đưa ra các quy định mới về gỗ hợp pháp để góp phần chống lại nạn khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp ở các nước sản xuất.

Do đó, chúng ta cần xây dựng và vận hành hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp của Việt Nam phù hợp với các cam kết và thỏa thuận quốc tế, qua đó đảm bảo rằng 100% nguyên liệu gỗ sử dụng trong toàn bộ các chuỗi giá trị là hợp pháp”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp nói.

Đồng quan điểm, ông Oemar Idoe, Quản lý các dự án GIZ về môi trường, biến đổi khí hậu và nông nghiệp tại Việt Nam cho hay: Việt Nam cần phải nỗ lực tạo ra môi trường thúc đẩy quản trị rừng tốt để việc truy xuất nguồn gốc gỗ và thương mại bền vững trong quá trình triển khai hệ thống trách nhiệm giải trình và tuân thủ các quy định của Việt Nam và quốc tế được thuận lợi. Để đáp ứng được yêu cầu này, cần có đủ nguồn lực để phát triển và duy trì cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và tăng cường những năng lực cần thiết. Đưa được nhiệm vụ số hóa vào một trong những dòng ngân sách thường xuyên của quốc gia là hành động then chốt để có thể đảm bảo việc giám sát thương mại gỗ và thực thi pháp luật...

Bên cạnh đó, Hợp tác Phát triển Đức là đối tác trong nhiều năm của Việt Nam trong lĩnh vực phát triển rừng, lâm nghiệp cộng đồng, quản lý các khu bảo tồn và rừng bền vững. Hỗ trợ của Hợp tác Đức đặc biệt quan trọng trong suốt quá trình đàm phán và nay là thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT. Đảm báo các chuỗi cung ứng gỗ bền vững là một trong những ưu tiên về mặt chính sách của Chính phủ Đức: chủ trương này được thể hiện với việc Chính phủ Đức đã thông qua Đạo luật về Hệ thống trách nhiệm giải trình doanh nghiệp trong các chuỗi cung ứng. Đạo luật này quy định những biện pháp đảm bảo an toàn về mặt xã hội và môi trường quan trọng cần được thực hiện trong các chuỗi cung ứng gỗ tại Đức. Ở cấp Liên minh Châu Âu, Chính phủ Đức đang vận động thông qua các quy định pháp luật áp dụng cho các chuỗi giá trị toàn cầu. Dự kiến các quy định này sẽ được phê chuẩn trước thời điểm cuối năm nay.

Hương Lan (t/h)