Lão nông bỏ túi tiền tỷ từ bí quyết 'nông nghiệp ký sinh' cây nào cũng 'ra tiền'

Trên diện tích 10ha, lão nông ở Bình Định trồng 7.000 trụ tiêu, 1.000 cây dừa ta, 1.000 gốc bưởi da xanh và nhiều cây ăn quả khác như sầu riêng, bơ, quýt đường… doanh thu bình quân mỗi năm từ vài trăm triệu đến trên 1 tỷ đồng.
nong-nghiep-ky-sinh-01-1713669469.jpg
Vườn tiêu của lão nông Đặng Văn Cấp với hơn 7.000 trụ có thể thu về khoảng 1,4 tỷ đồng mỗi vụ.

Ông Đặng Văn Cấp (75 tuổi, trú thôn Thạch Long 1, xã Ân Tường Đông, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định) canh tác trên khu vườn rộng 10ha. Điều đặc biệt từ cách làm nông của lão nông này là bí kíp "nông nghiệp ký sinh". Tận dụng mọi không gian trong vườn, ông trồng xen kẽ nhiều loài cây cùng cộng sinh. Bởi vậy, khu vườn có rất nhiều loại cây ăn quả như bưởi da xanh, sầu riêng, dâu, mận, dừa và những trụ tiêu đem lại hiệu quả kinh tế vượt trội.

Ông Đặng Văn Cấp cho biết,  ông bắt đầu khai hoang làm vườn ở đây từ năm 1989, ban đầu chỉ trồng cây dừa và keo. Sau thời gian chăm sóc, nhận thấy cây keo hút nước, ảnh hưởng đến cây trồng khác nên ông đã phá bỏ.

“Cách đây 8 năm, trong một chuyến đi vào Bình Phước, tôi đã mang hạt tiêu từ tỉnh này về trồng thử nghiệm trên mảnh đất của mình”, ông nhớ lại. Ban đầu, ông chỉ trồng vài trụ thử nghiệm. Thấy cây tiêu phù hợp với thổ nhưỡng, ông đã nhân giống và tiếp tục nhân rộng mô hình.

nong-nghiep-ky-sinh-03-1713669521.jpg
Bưởi da xanh là một trong những cây ăn quả đạt hiệu quả cao ở vườn của ông Cấp.

“Trồng tiêu nói khó thì không khó, nhưng dễ cũng không dễ. Quan trọng là mình phải kiên trì, tỉ mỉ, quan sát từng cây tiêu hàng ngày để có thể phát hiện ra bệnh, kịp thời chữa trị. Nếu để lâu ngày không quan sát, khi bệnh đã phát triển thì rất khó”, ông Cấp cho hay.

Sau quá trình trồng, hiểu được đặc tính, ông Cấp mạnh dạn cho cây tiêu “ký sinh” vào những thân dừa ở trong vườn. Ban đầu thử nghiệm, nhiều người “lắc đầu” vì nghĩ rằng cây tiêu sẽ hút nước, cây dừa không cho quả. Tuy nhiên, ông vẫn kiên trì thử nghiệm và cho ra kết quả ngoài mong đợi. Những cây tiêu sống bám trên thân dừa phát triển xanh tốt, cây dừa cũng cho năng suất cao.

nong-nghiep-ky-sinh-04-1713669552.jpg
Những cây dâu sai quả trở thành điểm du lịch hấp dẫn.

“Ai cũng nghĩ dừa không cho quả nhưng thực tế khi chăm sóc tiêu, mình bón phân, tưới nước, cây dừa cũng nhận được chất dinh dưỡng nên phát triển tốt hơn. Thân cây dừa giữ nước tốt, phù hợp để rễ tiêu bám sống và cho năng suất cao”, ông Cấp cho biết thêm.

Sau thời gian trồng và nhân giống, đến nay, vườn tiêu của ông Cấp đã phát triển 7.000 trụ. Bên cạnh đó, ông Cấp còn trồng bổ sung thêm 1.500 cây dừa. Với giá tiêu dao động từ 70.000-100.000 đồng/ký tiêu khô, mỗi năm, ông Cấp có thể thu về khoảng 1,4 tỷ đồng mỗi vụ tiêu và hơn 130 triệu đồng từ dừa.

Với phương châm “không bỏ hoang, lãng phí đất”, trong khu vườn 10ha này, ông Cấp còn nghiên cứu trồng 1.000 cây bưởi da xanh, 200 cây dâu, 30 cây sầu riêng và trồng thêm các loại cây mận, quýt đường, bơ. Những cây trồng này mỗi năm cũng góp thêm khoảng thu nhập không nhỏ cho gia đình.

nong-nghiep-ky-sinh-05-1713669600.jpg
Ông Cấp cũng đang trồng thử nghiệm sầu riêng và kỳ vọng sẽ đột phá về hiệu quả kinh tế.

“Khi trồng cây, tôi sẽ tính toán cả tuổi thọ của cây. Trong quá trình đó, tôi sẽ nghiên cứu thử nghiệm thêm những loại cây hiệu quả, năng suất cao. Khi loại cây kia hết tuổi thọ, mình cũng đã vững vàng kinh nghiệm về loại cây mới để có thể thay thế cây trồng cũ và cho năng suất cao hơn”, ông Cấp tiết lộ.

Ông Nguyễn Hữu Khúc, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân (Bình Định), đánh giá mô hình trồng cây ăn quả của hộ ông Cấp rất hiệu quả, ổn định, góp phần giúp đỡ và tạo việc làm cho nhiều lao động. Nhiều hộ dân trong thôn, xã có nhu cầu phát triển nhưng chưa nắm kỹ thuật, ông luôn giúp đỡ, trong đó có nhiều hộ vượt lên thoát nghèo làm giàu. Gia đình ông cũng tích cực tham gia những hoạt động an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo./.

Bình Nguyên