Giữa ngày hè oi ả, chúng tôi về xã Thanh Lâm để “mục sở thị” mô hình cho thu nhập tiền tỷ của “Tú Sẹp” (tên thân mật của anh Dương Văn Tú, sinh năm 1995, quê ở Lục Ngạn, Bắc Giang vào Nghệ An lập nghiệp). Trang trại của “Tú Sẹp” có diện tích 2.000 m2 nhà tôn, được đóng trần chống nóng, hệ thống phun sương làm mát rất đồng bộ.
Chuồng trại được phân từng dãy liền sát nhau với chiều rộng mỗi dãy 2m, dài 4-5m. Đây chính là nơi trú ngụ, sinh sản của loài “trùn” (giun) quế” một loài côn trùng với đặc tính ưa bóng tối và chuyên ăn các loại phân gia súc gia cầm. Nhờ thiết kế khoa học bài bản nên dù giữa cái nắng gắt của tiết trời tháng 6, trang trại của “Tú Sẹp” không gây một chút cảm giác nào khó chịu.
Theo chủ trang trại có cái tên ngộ ngộ “Tú Sẹp” (cái tên được đặt thành tên riêng bởi hồi nhỏ Tú rất mập, dậy thì người cứ nhỏ dần thanh mảnh như con gái nên mọi người gọi luôn "Tú Sẹp", lâu ngày thành bí danh riêng), trùn quế là côn trùng lưỡng tính, nên môi trường sống càng ẩm càng tối thì sinh sản càng nhiều. Để tạo môi trường tự nhiên cho trùn quê, “Tú Sẹp” cho trồng chuối xung quanh tạo thành một bức tường xanh của cây, vừa mát, vừa thoáng lại cho độ ẩm rất tốt.
Qua chia sẻ của “Tú Sẹp”, chúng tôi cảm nhận đầu tiên về mô hình nuôi trùn quế bằng nguồn phân heo hỗn hợp, điều mà hiện cả nước chưa có nhiều người làm được. Lâu nay, nuôi trùn quế từ phân bò, phân trâu, rác thải bèo tây thì rất nhiều trang trại đã làm và rất thành công. Nhưng nuôi trùn quế sinh sản và cho ra phân bón hữu cơ chất lượng cao bằng phân heo thì đây là lần đầu tiên nhóm chúng tôi được ghi nhận.
Giơ tay chỉ về cuối góc trại, “Tú Sẹp” giới thiệu với giọng Bắc rất dễ nghe: “Từ nguồn phân heo được thải ra, chúng tôi làm loãng rồi gom bơm vào bể chứa, hoà tỷ lệ nước thích hợp, ngâm với thời gian đủ để làm giảm độ nồng của AMONIAC, sau đó sẽ dùng hệ thống vòi được bố trí xuyên suốt trong trại, dẫn vào từng luống giun, cứ đều đặn 3 ngày một lần. Việc bố trí khoa học về hệ thống dẫn tưới phân, vừa tiết kiềm chị phí nhân công, vừa đảm bảo vệ sinh, tránh vận chuyển xúc, múc thủ công làm rơi vãi mất vệ sinh trong khu chăn nuôi”.
Lý giải về “độ sạch” của trang trại, “Tú Sẹp” cho biết, phân heo sau khi bơm vào bể chứa hoà nước dùng máy đánh trộn đều để qua đêm kết tủa thành một lớp bọt sình dày 0,5m nên mọi mùi hơi bốc lên đều bị lớp bọt cản lại, ngăn không cho bốc mùi ra xung quanh. Còn khi phân được bơm vào các luống giun, chỉ sau thời gian một đêm trùn quế sẽ ngốn hết nguyên 1/3 lượng thức ăn vừa bơm và thải ra loại phân tơi như bông xốp lại không mùi (gọi là phân trùn quế).
“Tú Sẹp” cho biết, trang trại của anh chuyên cung cấp trùn thương phẩm cho các trại nuôi lươn trong ngoài tỉnh Nghệ An, thậm chí “cung không đủ cầu”. Ngoài ra, trang trại của anh chủ yếu bán sinh khối (giống bao gồm ấu trùng và giun con) chuyển giao công nghệ cho các trại chăn nuôi heo.
“Có nhiều trại lợn mỗi lần nhập về 10 - 15 tấn; họ nuôi bằng chính nguồn phân của trại họ, lấy giun cho heo ăn và phân Trùn Quế bón cây và cung cấp cho các trang trại trồng trọt kinh tế cao. Phân Trùn Quế cũng chính là loại phân bón đặc hữu cho hoa lan, cây cảnh, giun thịt sấy khô bán cho người nuôi chim, gà cảnh…”, anh Tú cho hay.
“Tú Sẹp” nhẩm tính, từ nguồn thu của giun, sinh khối, phân hữu cơ mỗi năm trang trại của anh cho tổng thu trên 1,2 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí cho 2 nhân công, điện nước thì lãi ròng của anh cũng hơn 1 tỷ đồng.
Nhưng điều làm “Tú Sẹp” tâm đắc, được chính quyền cơ sở đánh giá cao là mô hình của anh không chỉ đem lại thu nhập tiền tỷ mỗi năm mà quan trọng hơn là đã mở ra hướng đi mới cho nền kinh tế tuần hoàn ở địa phương. Hơn nữa, việc tận dụng nguồn chất thải lớn từ phân heo đã tháo gỡ được “nút thắt” về bài toán môi trường cho các trang trại chăn nuôi qui mô lớn, góp phần làm trong sạch môi trường do hệ lũy từ chăn nuôi lớn tập trung để lại, góp phần không nhỏ trong cuộc cách mạng xanh cho nền nông nghiệp Việt Nam.