Lần đầu tiên Tài sản số và AI sẽ được đưa vào luật, mở đường cho kinh tế số Việt Nam

Trong bối cảnh công nghệ số bùng nổ, Việt Nam đang đứng trước cơ hội để trở thành một trung tâm công nghiệp công nghệ số trong khu vực và quốc tế. Nhận thức rõ điều này, dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số được Chính phủ trình Quốc hội xem xét đã đề xuất bổ sung nội dung về tài sản số và trí tuệ nhân tạo (AI)...
kinh-te-so-2331054-1729049373.png
Tài sản số, trí tuệ nhân tạo (Al) lần đầu tiên được đưa vào luật. Ảnh minh họa.

Vừa qua, Dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ Số nhận được nhiều sự quan tâm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với điểm nhấn đáng chú ý. Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, dự luật đề xuất bổ sung nội dung về tài sản số và trí tuệ nhân tạo (AI), đồng thời điều chỉnh thuật ngữ "vi mạch bán dẫn" thành "bán dẫn".

Dự luật dành riêng một chương cho AI, công nghệ được xem là cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Điều này cho thấy Việt Nam đang tập trung phát triển ngành công nghiệp AI, với mục tiêu tạo ra những sản phẩm, dịch vụ thông minh, góp phần nâng cao năng suất lao động và chất lượng cuộc sống. Dự luật cũng nêu rõ các nguyên tắc quản lý và phát triển AI, đảm bảo công nghệ này được ứng dụng có trách nhiệm và an toàn, không vi phạm đạo đức, pháp luật và quyền lợi của con người...

bt-1728405611984979136941-1729049344.webp
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trình bày về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, với mục tiêu đưa ngành công nghiệp công nghệ số trở thành một trong những trụ cột chính của nền kinh tế Việt Nam. Ảnh mic.gov.vn.

Dự luật giao cho Chính phủ nhiệm vụ cụ thể hóa các quy định về loại hình, quản lý tài sản số và các tổ chức cung ứng dịch vụ liên quan. Việc này sẽ dựa trên tình hình thực tế, nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho cả tổ chức và cá nhân, đồng thời phòng ngừa, hạn chế và xử lý hiệu quả các rủi ro tiềm ẩn trong lĩnh vực tài sản số.

Trong quá trình thẩm tra dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, nhiều ý kiến đánh giá việc quy định về trí tuệ nhân tạo (AI) trong dự luật là phù hợp. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng cần nghiên cứu sâu rộng hơn để xây dựng một đạo luật riêng dành cho AI tại Việt Nam.

Ủy ban cũng nhận thức rõ tầm quan trọng của việc quy định về tài sản số trong luật này. Tuy nhiên, quản lý tài sản số là một vấn đề mới, đòi hỏi sự cẩn trọng và cân nhắc kỹ lưỡng. Cơ quan thẩm tra nhấn mạnh việc làm rõ các nội dung như: quyền sở hữu, thừa kế và sử dụng tài sản số; biện pháp bảo mật, giao dịch tài sản số; giải quyết khiếu nại của người dùng; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; quản lý chặt chẽ, chống rửa tiền và minh bạch hóa thị trường tài sản số.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã khẳng định tầm quan trọng của việc đưa khái niệm "tài sản số" vào luật pháp, nhấn mạnh đây là lần đầu tiên điều này được thực hiện trong văn bản pháp lý của Việt Nam. Ông đề nghị cần rà soát cẩn thận về định nghĩa của tài sản số, đảm bảo sự đồng bộ với các luật có liên quan.

Bên cạnh đó, ông cũng lưu ý về sự xuất hiện của nhiều khái niệm mới như trí tuệ nhân tạo, tài sản mã hóa... trong dự luật. Điều này đòi hỏi cần chuẩn hóa, thống nhất cách hiểu xuyên suốt trong luật, đồng thời tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ và áp dụng luật một cách thuận lợi.

pct-17284056120452011840847-1729049872.webp
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên họp. Ảnh mic.gov.vn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cũng đồng tình với việc đưa khái niệm tài sản số vào luật. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh sự cần thiết phải nghiên cứu để đảm bảo sự đồng bộ với Bộ luật Dân sự. Bà chỉ ra rằng Bộ luật Dân sự hiện chỉ quy định tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản, chưa bao gồm tài sản số. Do đó, dự thảo luật cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo sự phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành.

Bà cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải nghiên cứu thêm về quy định liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI), bởi đây là lĩnh vực mới với nhiều thách thức về quản lý. Bà đề xuất cần xác định rõ trách nhiệm của người sử dụng, nhà cung cấp và bên triển khai AI, cùng với việc xây dựng những tiêu chuẩn rõ ràng.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đồng ý với việc đưa khái niệm tài sản số vào luật, nhận định đây là xu hướng bất khả tránh của thế giới. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh cần làm rõ thêm nội hàm của khái niệm này để đảm bảo sự đồng bộ với Bộ luật Dân sự, tránh việc cắt nối giữa tài sản số và quy định chung về tài sản. Ông thống nhất việc quy định về mặt nguyên tắc vì thế giới cũng đang trong quá trình "mày mò" tìm kiếm những giải pháp phù hợp.

Việc ban hành luật mới về công nghiệp công nghệ số là một bước đi quan trọng của Việt Nam trong hành trình chuyển đổi số quốc gia. Đây là cơ hội để Việt Nam phát triển kinh tế số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế. Tuy nhiên, cũng cần nhận thức rõ ràng những thách thức và chuẩn bị những giải pháp phù hợp để đảm bảo luật pháp thực sự hiệu quả, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế số Việt Nam./.

Lê Thuận