Bài toán bảo vệ người dùng tài chính trong cơn sốt tài sản mã hóa

Bước vào một kỷ nguyên mới của tài chính toàn cầu, tài sản mã hóa đang ngày càng khẳng định vị thế của mình, mở ra vô số cơ hội cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp. Tuy nhiên, đi kèm với sự bùng nổ này là những nguy cơ tiềm ẩn, đòi hỏi các giải pháp hiệu quả để bảo vệ quyền lợi người dùng, đặc biệt trong bối cảnh thị trường Việt Nam đang trên đà phát triển.
nhu-quynh-1725184507.jpg
TS. Nguyễn Như Quỳnh (bên trái) - Viện trưởng Viện chiến lược và Chính sách tài chính phát biểu (Ảnh Hồng Vân).

Tài sản mã hóa đang trở thành một phần không thể thiếu trong hệ thống tài chính toàn cầu. Sự bùng nổ của công nghệ blockchain và các loại tài sản mã hóa như tiền điện tử, token và chứng khoán số hóa đã mở ra nhiều cơ hội mới, thu hút lượng lớn nhà đầu tư tham gia. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội đầy tiềm năng, người dùng cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro tiềm ẩn. An ninh, minh bạch và trách nhiệm pháp lý đang là những câu hỏi nóng hổi được đặt ra trong bối cảnh kỷ nguyên tài chính mới.

Bùng nổ công nghệ blockchain và tài sản mã hoá

Tại Hội thảo khoa học “Quản lý nhà nước về tài sản mã hóa: Những vấn đề lý luận và thực tiễn tại Việt Nam”, các chuyên gia đã cùng thảo luận về cách thức bảo vệ quyền lợi của người dùng trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của tài sản mã hóa.

Thực tế cho thấy, 67% người dùng cảm thấy an toàn hơn khi các doanh nghiệp hoạt động trong ngành tài sản số tuân thủ pháp luật và bảo vệ người dùng. Sự minh bạch và uy tín của doanh nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút và giữ chân khách hàng. Việc xây dựng các quy trình, công cụ bảo vệ hiệu quả. KYC (Know Your Customer), AML (Anti-Money Laundering), Security,... là những tiêu chuẩn cần thiết để giảm thiểu rủi ro và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc xây dựng một thị trường tài sản số minh bạch, mạnh mẽ và tuân thủ pháp luật.

hoithao-1725117363.jpg

Toàn cảnh Hội thảo khoa học “Quản lý nhà nước về tài sản mã hóa: Những vấn đề lý luận và thực tiễn tại Việt Nam”.

Về vấn đề bảo vệ người dùng tài chính trong xu hướng phát triển tài sản mã hóa, đại diện Công ty chứng khoán SSI Digital, ông Nguyễn Trung Trang, đã đưa ra những phân tích sâu sắc, tập trung vào 2 khía cạnh then chốt: Giáo dục nhận thức và xây dựng cơ chế bảo vệ. "Việc nâng cao nhận thức, kiến thức và kinh nghiệm là điều tối quan trọng để người dùng tham gia vào thị trường một cách an toàn và hiệu quả. Chỉ có việc trang bị đầy đủ kiến thức mới có thể giúp người dùng tự bảo vệ mình trước những rủi ro tiềm ẩn”, ông Trang chia sẻ.

Ông Trang đưa ra khẳng định: "Chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho sự phát triển của thị trường tài sản số Việt Nam. SSI Digital đã đầu tư mạnh mẽ vào nguồn lực, bao gồm công nghệ hiện đại, đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, nguồn vốn dồi dào cùng hệ thống kết nối rộng khắp. Từ xưa đến nay, dù hoạt động trong lĩnh vực nào, Việt Nam luôn đi sau thế giới vài năm hoặc vài chục năm, bởi đất nước chúng ta mới thoát khỏi chiến tranh. Nhưng lần đầu tiên, Việt Nam có một lĩnh vực đứng trong top đầu, sánh vai với các cường quốc. Vì vậy, tôi mong muốn được hợp tác với tất cả những người dùng tài sản mã hóa để cùng chung tay xây dựng một thị trường tài sản số ở Việt Nam, một thị trường mạnh mẽ, minh bạch và tuân thủ pháp luật”.

Theo thống kê, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có số lượng người dùng tài sản mã hóa lớn nhất thế giới, với hơn 26 triệu người tham gia giao dịch. Dòng tiền chảy vào thị trường này đạt mức ấn tượng 120 tỷ USD trong 12 tháng tính đến tháng 7/2023, vượt xa cả dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.

Cần hành lang pháp lý bảo vệ người sử dụng

Sự phát triển nhanh chóng này mang đến nhiều cơ hội mới cho Việt Nam, nhưng cũng đặt ra những thách thức về quản lý, giám sát và bảo vệ người dùng. Nguy cơ lừa đảo, gian lận, rửa tiền và tài trợ khủng bố tiềm ẩn đằng sau sự bùng nổ của thị trường tài sản mã hóa đang là mối lo ngại lớn.

trungtrang-1725182566.jpg
Các đại biểu chụp hình tại Hội thảo khoa học "Quản lý nhà nước về tài sản mã hoá: Những vấn đề lý luận và thực tiễn tại Việt Nam".

Tại Hội thảo các chuyên gia cũng chỉ ra những điểm quan trọng cần lưu ý trong việc quản lý tài sản mã hóa, đồng thời đề xuất những giải pháp cụ thể. Trước tiên, cần thống nhất khái niệm và thuật ngữ trong các văn bản pháp lý liên quan đến tài sản mã hóa, như TS. Nguyễn Thùy Dung từ Học viện Tài chính đã nhấn mạnh, đồng thời phân loại tài sản mã hóa để đưa ra biện pháp quản lý phù hợp.

Ngoài ra, việc tiếp cận quản lý dựa trên rủi ro cũng được đề xuất, ưu tiên quản lý các hoạt động lưu ký và những hoạt động liên quan đến tài sản mã hóa có mức độ rủi ro cao. Để tăng cường hiệu quả quản lý, TS. Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Chiến lược và khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), đã kêu gọi đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm chia sẻ thông tin và kinh nghiệm trong quản lý tài sản mã hóa, đặc biệt trong việc phòng chống rửa tiền và trốn thuế. Cuối cùng, việc nâng cao nhận thức cộng đồng thông qua cung cấp thông tin và cảnh báo kịp thời về các rủi ro tiềm ẩn trong thị trường tài sản mã hóa cũng là một yếu tố quan trọng cần được chú trọng.

Hội thảo là lời khẳng định về tiềm năng to lớn của thị trường tài sản mã hóa tại Việt Nam, đồng thời cũng là lời kêu gọi hành động nhằm xây dựng một môi trường đầu tư an toàn, minh bạch và phát triển bền vững cho người dùng. Việc quản lý, giám sát tài sản mã hóa một cách hiệu quả, kết hợp với việc nâng cao nhận thức và xây dựng các biện pháp bảo vệ người dùng sẽ là chìa khóa để khai thác tối đa tiềm năng của thị trường này và giúp Việt Nam tham gia vào cuộc cách mạng công nghệ tài chính toàn cầu./.

Lê Thuận - Lê Thu