Làm thế nào để khắc phục tình trạng gà giảm đẻ trứng?

Chăn nuôi gia súc, gia cầm nói chung, đặc biệt là chăn nuôi gà sinh sản nói riêng đang là một hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế ổn định mà vốn đầu tư lại không nhiều. Tuy nhiên, mỗi giống gà và mỗi mô hình chăn nuôi lại có những đặc điểm riêng. Chính vì vậy để chăm sóc đàn gà sinh trưởng và phát triển tốt, cho sản lượng trứng cao thì cần có những quy trình, kỹ thuật riêng.
ga-3-20220610172529-1695355780.jpg
Một trang trại nuôi gà tại huyện Đô Lương (Nghệ An)

Chăn nuôi gia súc, gia cầm nói chung, đặc biệt là chăn nuôi gà sinh sản nói riêng đang là một hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế ổn định mà vốn đầu tư lại không nhiều. Tuy nhiên, mỗi giống gà và mỗi mô hình chăn nuôi lại có những đặc điểm riêng. Chính vì vậy để chăm sóc đàn gà sinh trưởng và phát triển tốt, cho sản lượng trứng cao thì cần có những quy trình, kỹ thuật riêng.

Một trong những khó khăn trong chăn nuôi gà sinh sản mà người dân thường hay gặp đó là hiện tượng gà giảm đẻ, đẻ thất thường, tỷ lệ đẻ trong đàn không cao. Để tìm hiểu nguyên nhân và biện pháp khắc phục tình trạng này, phóng viên tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh đã có cuộc trao đổi với cán bộ Trung tâm Khuyến nông Nghệ An để cung cấp cho các hộ nuôi gà những thông tin cần thiết.

Thứ nhất, về dinh dưỡng, nếu cung cấp thiếu và mất cân đối dinh dưỡng sẽ làm giảm sản lượng trứng. Trong khẩu phần thức ăn nếu thiếu đạm sẽ dẫn đến gà giảm đẻ, trứng nhỏ hay mổ trứng và ăn trứng. Mặt khác trong bất kỳ giai đoạn nào, cơ thể động vật cũng không thể thiếu được chất khoáng. Nếu thiếu chất khoáng, cơ thể phát triển kém, sức sản xuất giảm, nếu thiếu trầm trọng con vật sẽ chết. Nếu gà không được cung cấp đầy đủ canxi trong thức ăn hay gà không thể tổng hợp canxi trong thức ăn thì chúng sẽ dừng đẻ trứng.

Sự mất cân bằng của canxi sẽ cản trở sự hấp thu và làm giảm sản lượng trứng, vỏ trứng mỏng và tỷ lệ ấp nở thấp. Thiếu muối hay thừa muối cũng là một nguyên nhân làm gà giảm đẻ. Đặc biệt trong quá trình nuôi gà sinh sản vào mùa nắng nóng nếu chúng ta cho gà uống thiếu nước trong nhiều giờ sẽ ảnh hưởng tới chất lượng trứng và làm giảm sản lượng trứng. Chính vì vậy, trong khẩu phần thức ăn hàng ngày cần cung cấp đầy đủ, cân đối các chất dinh dưỡng cho gà đẻ, đặc biệt là protein, khoáng, các axit amin thiết yếu.

Thứ hai, về con giống và độ tuổi của gà thì tuỳ thuộc vào các giống gà được nuôi thì có tỷ lệ đẻ khác nhau. Ở Việt Nam các giống gà đẻ được nuôi phổ biến là gà Ai Cập (năng suất trứng đạt 250 - 280 quả/mái/năm), gà Isa Brown (năng suất trứng đạt 280 - 300 quả/mái/năm), gà Hyline (năng suất tối đa đạt 290 quả/mái/ năm). Mặt khác trong quá trình nuôi gà đẻ tỷ lệ đẻ sẽ giảm xuống theo thời gian.

Để khắc phục tình trạng này thì nên lựa chọn các giống có tỷ lệ đẻ cao. Lập sổ theo dõi tình hình đẻ của cả đàn, lọc và loại thải những con đẻ không đạt tiêu chuẩn và nhưng con quá già để có kế hoạch thay thế cho phù hợp, tránh ảnh hưởng tới hiệu quả chăn nuôi.

Thứ ba là hiện tượng thay lông. Thay lông là quá trình tự nhiên của sự rụng lông và tái phát triển lông mới của gà. Sau thời gian thay lông, gà sẽ sản xuất trứng tốt hơn cả về chất lượng và số lượng.Giai đoạn thay lông gà mái chuyển protein và năng lượng vào sự tăng trưởng lông nên sẽ giảm đẻ.

Trường hợp này thì nên bổ sung chế độ ăn nhiều protein hơn trong thời gian thay lông, để có thể đáp ứng nhu cầu về tăng trưởng lông và tăng sản xuất trứng. Theo dõi, loại những con thay lông ra khỏi đàn hoặc kiểm tra tổng đàn để xem xét bổ sung, thay thế đàn cho phù hợp, tăng hiệu quả kinh tế.

Thời gian chiếu sáng và nhiệt độ môi trường cũng rất cần thiết trong quá trình chăm sóc gà đẻ. Gà đẻ cần thời gian chiếu sáng từ 14 - 16 giờ để duy trì sản xuất trứng. Thời gian chiếu sáng giảm sẽ làm giảm thời gian thu nhận thức ăn dẫn tới giảm tỷ lệ đẻ trong đàn. Mặt khác nhiệt độ môi trường cũng ảnh hưởng lớn đến khả năng đẻ trứng. Gà chịu lạnh tốt hơn chịu nóng. Vì vậy vào những thời điểm mùa hè khi nhiệt độ lên cao, gà thở nhiều (tăng tần số hô hấp), uống nhiều nước, giảm ăn, chậm lớn, năng suất thấp, suy giảm hệ thống miễn dịch nên dễ bị chết đột ngột. Gà mái giảm đẻ, chất lượng vỏ trứng kém.

Muốn khắc phục tình trạng này thì cần tăng thời gian chiếu sáng cho gà bằng ánh sáng nhân tạo đặc biệt vào các ngày mùa đông, có thể bằng bóng đèn điện để chiếu sáng. Về nhiệt độ cần có các biện pháp để ổn định nhiệt độ chuồng nuôi: sưởi ấm, chuồng trại kín gió về mùa đông lạnh; tạo thông thoáng làm mát về mùa hè để giảm tối đa tác hại do stress nhiệt gây ra cho đàn gà.

Có một hiện tượng mà người nuôi ít để ý là gà đẻ rất nhạy cảm với stress và thường phản ứng bằng cách ngừng đẻ trứng. Cần ngăn chặn mèo, chuột và các động vật khác vào chuồng vì dễ làm cho gia cầm hoảng sợ. mặt khác nhiệt độ chuồng nuôi cao cũng dễ làm cho gà bị strees và làm gà giảm đẻ.

Biện pháp khắc phục: Chuồng trại phải đảm bảo, có hàng rao bao xung quanh để ngăn chặn chuột, chó mèo,... Nên sử dụng thuốc điện giải + Hanvit K&C chống nóng, tăng sức đề kháng cho gia cầm, trồng cây xanh xung quanh chuồng để tạo bóng mát cho đàn gà sinh sản.

Cuối cùng, Khi gà bị bệnh chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới sản lượng và chất lượng trứng. Hiện tượng giảm đẻ hoặc ngừng đẻ ở gà có thể do vi khuẩn hoặc virus gây ra.

Vì vậy, cần thường xuyên theo dõi quan sát các hoạt động của đàn gà, trường hợp thấy con nào có biểu hiện bất thường cần nuôi tách riêng theo dõi. Vệ sinh chuồng trại, máng ăn, máng uống sạch sẽ, định kỳ phun thuốc sát trùng chuồng trại để tiêu diệt mầm bệnh trong và ngoài môi trường;

Có rất nhiều nguyên nhân gây giảm đẻ ở gà. Trong quá trình chăn nuôi, người chăn nuôi cần theo dõi chặt chẽ tình hình đàn gà. Khi có hiện tượng sản lượng và chất lượng trứng giảm đột ngột hay bất thường cần phải có những đánh giá tổng quát, xác định nguyên nhân gây ra để xử lý kịp thời.

Quốc Cường