Khuyến cáo người dân tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật nuôi thủy sản

Để bảo đảm vụ nuôi thuỷ sản năm 2022 đạt hiệu quả kinh tế cao, ngành nông nghiệp tỉnh Nam Định đang tích cực hướng dẫn người nuôi cải tạo ao đầm, chuẩn bị nguồn nước, con giống và các điều kiện cần thiết khác trước khi bắt đầu nuôi thả để sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế dịch bệnh.

Với kinh nghiệm hơn 10 năm nuôi tôm thẻ chân trắng, mỗi khi bước vào vụ nuôi mới, anh Phạm Xuân Phương, xã Giao Phong, huyện Giao Thuỷ luôn chú trọng đến việc cải tạo, vệ sinh ao đầm để loại bỏ triệt để các mầm bệnh còn tồn lưu trong ao giúp con nuôi tránh gặp phải một số bệnh như: nấm, tảo đơn bào, đốm trắng… trong quá trình phát triển.

Anh Phương cho biết, gia đình anh có 4 ao nuôi tôm thẻ chân trắng với tổng diện tích trên 1.000m2, năm nào cũng vậy, ngay sau khi thu hoạch anh liền tháo nước kết hợp bơm sục đáy ao, nạo vét loại bỏ rong rêu và lớp bùn đen, sau đó rắc vôi bột diệt tạp khuẩn rồi phơi nắng trong khoảng 1 tháng, dự kiến đến đầu tháng 4 sẽ dẫn nước vào ao để thả con giống.

Tận dụng những ngày thời tiết nắng đẹp, nhiều hộ nuôi trồng thuỷ sản ở khu vực ven tuyến đê biển xã Giao Long, huyện Giao Thuỷ cũng đang khẩn trương cải tạo lại ao đầm cũng như chuẩn bị tốt mọi điều kiện cần thiết cho vụ nuôi mới.

Anh Trần Văn Thành, chủ trang trại tổng hợp trên địa bàn xã cho biết, gia đình anh có 4 ao nuôi với tổng diện tích mặt nước gần 1,5ha chủ yếu nuôi thả các loại cá diêu hồng, trắm, chép… để chuẩn bị cho vụ nuôi mới, ngay từ dịp tết anh Thành đã tháo cạn nước ao và hiện đang thuê nhân công máy móc đào lớp bùn ở đáy ao, rắc vôi bột và phơi dưới ánh nắng mặt trời để tiêu diệt các mầm bệnh và các loại cá hoang dã trong bùn.

Huyện Giao Thuỷ có trên 5.000 ha diện tích nuôi trồng thuỷ sản, giá trị sản lượng hàng hóa ngành thủy sản trung bình đạt 1.362 tỷ đồng/năm và đang dần trở thành ngành “mũi nhọn” trong cơ cấu kinh tế của địa phương. Để bảo đảm cho vụ nuôi thủy sản năm nay đạt hiệu quả cao, ngành nông nghiệp huyện đang tích cực phối hợp với các hợp tác xã hướng dẫn bà con chuẩn bị tốt các điều kiện cho vụ nuôi mới, đồng thời chỉ đạo các cơ sở sản xuất và cung ứng giống đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng.

nuoi-tom-250321a-1646984156.jpeg
Khuyến cáo người dân tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật nuôi thủy sản. Ảnh minh hoạ

Ông Trần Quang Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giao Thuỷ khuyến cáo, sau mỗi vụ người nuôi nên tiến hành cải tạo để cân bằng lại hệ sinh thái trong ao. Nếu không cải tạo tốt lòng ao, toàn bộ chất thải và thức ăn dư thừa, mầm bệnh từ vụ nuôi trước sẽ lắng đọng, tích tụ ở đáy ao gây ô nhiễm, ẩn chứa rất nhiều nguy cơ gây bệnh.

Tỉnh Nam Định có khoảng 16.000ha diện tích nuôi thủy sản, trong đó nuôi mặn lợ khoảng 6.660ha, nuôi nước ngọt 9.935ha, tập trung chủ yếu tại tại các huyện ven biển Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Hải Hậu. Năm 2022, ngành nông nghiệp Nam Định phấn đấu đạt tổng sản lượng thủy sản khoảng 187.300 tấn, tăng từ 2-3% trở lên so với năm 2021; trong đó, nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 127.500 tấn, khai thác đạt khoảng 59.800 tấn. Các giống con nuôi chủ lực vẫn là tôm sú, tôm thẻ chân trắng, ngao, cá bống bớp...

Để hoàn thành kế hoạch đặt ra, ngay từ đầu vụ, Chi cục Thuỷ sản Nam Định đã có văn bản hướng dẫn, khuyến cáo các hộ nuôi thủy sản thực hiện việc cải tạo, vệ sinh ao, đầm, vùng nuôi trước khi xuống giống; xử lý nguồn nước trong suốt quá trình nuôi; xử lý các loại chất thải, nước thải bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường nhất là ở những ao, đầm nuôi có bệnh; chú trọng cải tạo hệ thống kênh cấp, kênh thoát nước bảo đảm đáp ứng yêu cầu nước trong quá tình nuôi và hạn chế lây lan dịch bệnh.

Chi cục Thuỷ sản Nam Định cũng khuyến cáo người nuôi thủy sản cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật trong quá trình nuôi. Đặc biệt, người nuôi cần lựa chọn mua con giống ở địa chỉ uy tín, có giấy kiểm dịch chất lượng của cơ quan chức năng, chọn con giống khỏe mạnh phù hợp với điều kiện nuôi. Ngoài ra, người nuôi cần lựa chọn thức ăn phù hợp với từng đối tượng nuôi, giai đoạn nuôi, đặc biệt là tuyệt đối không sử dụng chất kích thích sinh trưởng, hóa chất, kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản.

Theo ông Mai Đăng Nhân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản Nam Định, các hộ nuôi nên áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, các biện pháp nuôi thủy sản thâm canh, siêu thâm canh để nâng cao giá trị sản phẩm. Trong quá trình nuôi, tăng cường sử dụng các loại chế phẩm sinh học nhằm bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, phải thường xuyên theo dõi, chữa trị kịp thời những bệnh mà con nuôi hay gặp để không ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng./.