Lai Châu phát triển vùng sâm quy mô 3.000ha, nâng tầm thương hiệu và thu hút đầu tư

Tỉnh Lai Châu phấn đấu đến năm 2030, diện tích trồng sâm Lai Châu trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 3.000 ha. 100% diện tích trồng sâm Lai Châu được cấp mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý.

Tỉnh Lai Châu vừa thông qua dự thảo Nghị quyết về phát triển sâm Lai Châu giai đoạn 2024 - 2030, định hướng đến năm 2035. Theo đó, tỉnh Lai Châu đề ra mục tiêu phát triển sâm bản địa (sâm Lai Châu) thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, sản phẩm chủ lực của địa phương, mang thương hiệu sản phẩm quốc gia. Cây sâm sẽ góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; bảo đảm quốc phòng, an ninh.

lai-chau-phat-trien-vung-sam-01-1713602300.jpg
Sâm Lai Châu đang là cây trồng có giá trị kinh tế cao và được kỳ vọng sẽ mang lại cuộc sống ấm no cho người dân địa phương. (Ảnh minh họa)

Đến năm 2030 tỉnh Lai Châu sẽ có 3.000 ha sâm

Cụ thể, tỉnh phấn đấu đến năm 2030, diện tích trồng sâm Lai Châu trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 3.000 ha, tại các huyện Mường Tè, Nậm Nhùn, Sìn Hồ, Phong Thổ, Tam Đường, Tân Uyên và một số vùng có khả năng thích ứng. 100% diện tích trồng sâm Lai Châu được cấp mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý.

Sản lượng khai thác sâm Lai Châu năm 2030 đạt khoảng 30 tấn/năm (diện tích khai thác khoảng 100 ha/năm), đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, đạt tiêu chuẩn GACP-WHO hoặc tương đương. Đến năm 2035, phát triển sâm Lai Châu cùng với sâm Việt Nam trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc gia, có giá trị xuất khẩu cao, tiến tới mang thương hiệu quốc tế, tạo nguồn thu quan trọng cho tỉnh...

Trong quý I năm nay, một số chỉ tiêu sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của Lai Châu đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Tổng diện tích cây ăn quả gần 9.000 ha, sản lượng đạt 6.800 tấn, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước. Toàn tỉnh đón gần 416.000 lượt khách, tăng 54,5%, doanh thu đạt trên 340 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách địa phương đạt trên 2.800 tỷ đồng, trong đó thu ngân sách trên địa bàn đạt hơn 294 tỷ đồng…

lai-chau-phat-trien-vung-sam-22-1713602283.jpg
Cây sâm Lai Châu đã được Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp Bằng Bảo hộ giống cây trồng. (Ảnh minh họa)

Lai Châu là tỉnh đầu nguồn sông Đà, nơi điều tiết, cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho vùng hạ lưu và đặc biệt là các công trình thủy điện quốc gia như Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình... Do đó, ngoài có vai trò rất quan trọng trong quốc phòng, an ninh, diện tích rừng của Lai Châu còn tạo thuận lợi cho sản xuất lâm nghiệp, dược liệu, thủy sản…

Trong số dược liệu trụ cột của địa phương, sâm là loài cây đặc biệt quý hiếm đối với Việt Nam và thế giới, đồng thời là loài đặc hữu, có giá trị lớn trong y học cũng như kinh tế.

Được biết, đến thời điểm này, Lai Châu đã thực hiện bảo tồn 3 vườn cây mẹ ngoài tự nhiên và gây trồng trên 21.000 cây mô hình. Cây sâm Lai Châu đã được Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp Bằng Bảo hộ giống cây trồng.

Tỉnh Lai Châu cũng đã xây dựng và ban hành Hướng dẫn tạm thời về kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch và sơ chế, bảo quản sâm Lai Châu. Xây dựng hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận "Sâm Lai Châu" cho sản phẩm sâm củ tươi được trồng tại tỉnh và đang được Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định để cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận "Sâm Lai Châu"…

Các giải pháp phát triển vùng sâm Lai Châu hiệu quả và bền vững

 Để phát triển sâm Lai Châu thành cây chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao, tỉnh đã đề ra các giải pháp: Đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại trong chọn tạo giống và kỹ thuật nuôi trồng Sâm Lai Châu cho năng suất, chất lượng cao; Sơ chế, chế biến và chiết xuất dược liệu nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng; giá thành cạnh tranh đáp ứng được quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu;

Chủ động phát triển nâng cao nghiên cứu khoa học, liên kết nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng dụng tiến bộ khoa học và sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến các sản phẩm từ Sâm Lai Châu.

lai-chau-phat-trien-vung-sam-03-1713602386.jpg
Tỉnh Lai Châu sẽ rà soát và nghiên cứu đề xuất ban hành chính sách đặc thù cho phát triển Sâm Lai Châu. (Ảnh minh họa)

Lai Châu cũng triển khai rà soát, kiểm tra, xác định cụ thể về diện tích các khu vực có điều kiện phù hợp để gây trồng, phát triển Sâm Lai Châu thu hút đầu tư theo quy định của pháp luật; khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với người dân đầu tư bảo tồn, phát triển vùng nguyên liệu, khai thác, chế biến sản phẩm gắn với sản xuất theo chuỗi, tạo giá trị gia tăng; thu hút người dân sống gần rừng tham gia vào hoạt động trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng, tạo việc làm và nâng cao thu nhập; Phát huy tốt vai trò của hiệp hội sâm lai châu.

Tỉnh cũng sẽ rà soát và nghiên cứu đề xuất ban hành chính sách đặc thù cho phát triển Sâm Lai Châu. Trong đó tập trung nghiên cứu, đề xuất các chính sách khuyến khích doanh nghiệp xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu sản phẩm Sâm; thuê đất đài, nguồn vốn… Tập trung khuyến khích các cộng đồng dân cưm hộ gia đình tự tổ chức liên kết hoặc liên doanh để phát triển Sâm Lai Châu.

Lai Châu cũng triển khai các hoạt động nhằm tăng cường hợp tác với các tổ chức trong nước, tổ chức quốc tế trong công tác nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên dược liệu quý và Sâm Lai Châu; Nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao các công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường và phù hợp với điều kiện của tỉnh để tạo đột phá trong phát triển cây dược liệu, tạo ra sản phẩm có giá trị cao; Tăng cường hợp tác, kết nối, chia sẻ kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học, hợp tác đào tạo nhân lực tại các địa phương trong nước, các nước có thế mạnh trong nuôi trồng, phát triển, chế biến cây dược liệu./.

Bình Nguyên