Tại phiên họp tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2022 của UBND TP.HCM tổ chức mới đây, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, cho biết kinh tế - xã thành phố đã phục hồi sớm hơn so với kỳ vọng, tạo tâm lý và tin tưởng cho người dân và doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 728.706 tỷ đồng, tăng 3,82% so với cùng kỳ. Đây là điều đáng mừng, vì từ mức giảm sâu ở quý 3/2021 (-24,97%) và quý 4/2021 (-11,64%), trong 6 tháng đầu năm 2022 kinh tế TP.HCM đã tăng trưởng dương ở mức 3,82% (riêng quý 2/2022 ước tăng 5,73%), phục hồi tăng trưởng theo hình chữ V và đến nay đã ổn định.
Về tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,77%; công nghiệp - xây dựng tăng 2,23%; thương mại dịch vụ có mức tăng trưởng cao nhất 4,83%...
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) duy trì mức tăng trưởng dương từ tháng 2/2022 đến nay, tuy tốc độ tăng còn chậm nhưng đã có sự hồi phục tương đối đồng đều giữa các ngành; 20/30 ngành công nghiệp cấp hai có mức tăng trưởng dương. Tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ số IIP ước tăng 3,1% so với cùng kỳ, trong đó 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng 7,1% so với cùng kỳ.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng ước đạt 556.488 tỷ đồng, tăng 6,2% cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 49.681 tỷ đồng, tăng 29,9% so với cùng kỳ.
Đối với hoạt động xuất nhập khẩu, sau thời gian chững lại trong quý 1/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đã tăng trở lại. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp TP.HCM qua cửa khẩu cả nước ước đạt 24,9 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp thành phố qua cửa khẩu cả nước ước đạt 34,2 tỷ USD, tăng 13,7% so cùng kỳ.
Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 238.600 tỷ đồng tỷ đồng, đạt 61,74% dự toán năm, tăng 17,49% so với cùng kỳ. Sự phục hồi hình chữ V của kinh tế TP.HCM khá tích cực, điều này cho thấy quá trình phục hồi kinh tế đang đi đúng hướng.
Thông tin trên được đánh giá là tích cực và phần nào cho thấy những nỗ lực trong quá trình hồi phục kinh tế. Tuy nhiên, sức khoẻ của sự hồi phục này ra sao và dự báo 6 tháng cuối năm như thế nào đang là vấn đề rất đáng quan tâm.
Dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng thách thức đặt ra cho kinh tế thành phố Hồ Chí Minh trong nửa cuối năm 2022 là không nhỏ khi nhiều nhóm ngành quan trọng vẫn chưa "thoát đáy". Như trong nhóm ngành dịch vụ có ngành hoạt động kinh doanh bất động sản vẫn giảm hơn 5,8% trong nửa đầu năm do nhiều yếu tố về pháp lý, chính sách...
Những yếu tố khó khăn từ thế giới cũng khiến một ngành xuất khẩu trọng điểm của thành phố là điện - điện tử đến hơn 9,2% về chỉ số sản xuất công nghiệp, đòi hỏi những giải pháp từ cả phía chính quyền và doanh nghiệp để cải thiện tình hình trong phần còn lại của năm.
Đơn hàng nhiều, nhu cầu thị trường lớn, thế nhưng nhiều doanh nghiệp lại không thể nhận thêm đơn mới do thiếu linh kiện điện tử. Không chỉ giao hàng thiếu mà thời gian giao hàng cũng phải kéo dài do việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế tương đối khó khăn.
Ông Đặng Văn Chung, Tổng Giám đốc Công ty Datalogic Việt Nam nói: "Thiếu linh kiện điện tử là khó khăn chung của ngành điện tử. Các bộ phận chức năng của tập đoàn đang hỗ trợ để tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu, đáp ứng nhu cầu khách hàng, nửa năm sau mục tiêu là khôi phục và lấy lại những gì còn chưa đạt được."
Còn với ngành dệt may, chi phí đầu vào, chi phí logistics cao, thiếu hụt nguồn lao động vẫn là "vách ngăn" của quá trình phục hồi. Đặc biệt, việc đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu khi Trung Quốc là nơi cung cấp nguyên liệu chính vẫn theo đuổi chính sách "zero COVID-19" khiến doanh nghiệp gặp không ít khó khăn.
Với thách thức như hiện nay, doanh nghiệp phải ứng phó bằng cách đàm phán với đối tác, cắt giảm chi phí, tập trung vào thị trường ít bị tác động để giữ đà tăng trưởng trên 30%.
Bà Trương Thị Thanh Bình, Giám đốc Khối Kế hoạch Kinh doanh Công ty Cổ phần May Sài Gòn 3 chia sẻ: "Kịch bản chúng tôi đưa ra là cân đối các thị trường xuất khẩu. Ở May Sài Gòn 3 có 2 thị trường lớn là Mỹ và Nhật Bản, tỷ lệ 60-40; trong tình huống có sự cố đứt gãy nguồn cung ứng chúng tôi cân đối 2 khách hàng chính này. Doanh nghiệp sẽ phải "thắt lưng buộc bụng" hơn để cân đối chi phí cùng với khách hàng".
Sở Công Thương TP.HCM nhận định, một số thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam còn có rủi ro sụt giảm sức mua vì áp lực lạm phát. Có nước tăng cường áp dụng biện pháp phòng, chống dịch hoặc yêu cầu cao hơn về chất lượng, tiêu chuẩn hàng nhập khẩu. Đâu đó cũng tạo ra thời cơ cho doanh nghiệp Việt Nam để đón nhận sự dịch chuyển đơn hàng.
Ông Hà Ngọc Sơn, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu, Sở Công Thương TP.HCM cho rằng: "Khi chúng ta là mắt xích trong chuỗi cung ứng, thách thức lớn nhất là phải ứng phó hiệu quả với những khó khăn này. Ở góc độ cơ hội, các FTA thế hệ mới đã tạo cơ hội cho hàng xuất khẩu TP.HCM. Cơ cấu xuất khẩu khá phù hợp với diễn biến của dịch bệnh, các ngành sản xuất xe, công nghiệp nặng bị ảnh hưởng thì sản xuất nông nghiệp… lại thuận lợi hơn rất nhiều".
Theo doanh nghiệp, đây là thời điểm phải chấp nhận lợi nhuận thấp, thậm chí hòa vốn để duy trì khả năng cạnh tranh trong nửa cuối năm. Để tăng sức hỗ trợ doanh nghiệp, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh cho biết sẽ làm hiệu quả hơn chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp. Thực tế qua 6 tháng, đã có hơn 92.000 tỷ đồng được ngân hàng giải ngân cho vay thông qua chương trình này, tiếp sức cho hơn 6.800 doanh nghiệp.