Tăng trưởng kinh tế Hậu Giang dẫn đầu Đồng bằng sông Cửu Long

Kinh tế của tỉnh Hậu Giang chuyển dịch đúng định hướng, phát triển nhanh và bền vững. Quy mô kinh tế 6 tháng đầu năm 2002 của Hậu Giang tăng trưởng cao nhất trong 10 năm trở lại đây, đạt 11%, đứng đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long và xếp thứ 8 trong cả nước.

Ngày 4/7, tại Hậu Giang đã diễn ra kỳ họp thứ 9 (kỳ họp giữa năm 2022) Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Hậu Giang khóa X, nhiệm kỳ 2021 – 2026. Phát biểu tại kỳ họp, ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết: “Kinh tế của tỉnh chuyển dịch đúng định hướng, phát triển nhanh và bền vững. Quy mô kinh tế 6 tháng đầu năm 2022 của Hậu Giang tăng trưởng cao nhất trong 10 năm trở lại đây, đạt 11%, đứng đầu vùng ĐBSCL và xếp thứ 8 trong cả nước; nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng cao, đạt 4,49%; thu ngân sách nội địa đạt kết quả khá, vượt tiến độ Chính phủ giao, bằng 65% kế hoạch cả năm; số lượng doanh nghiệp phát triển nhanh, cho thấy môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện”.

Việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, gia đình chính sách, người có công với cách mạng, người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội được quan tâm thực hiện kịp thời; hoạt động văn hóa được phục hồi, tham dự SEA Games 31 đạt 03 Huy chương Vàng và 01 Huy chương Bạc, đây là thành tích đáng tự hào của thể thao Hậu Giang; công tác giải quyết việc làm được đẩy mạnh, nhất là xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan; quan tâm công tác đảm bảo sức khỏe cho người dân, các dịch bệnh lây nhiễm được kiểm soát.

vithanh-1656927342.jpg
Một góc thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Ảnh VGP.

Cùng với đó, công tác tổ chức xây dựng Đảng được thực hiện với tinh thần chủ động, quyết tâm, tích cực bám sát chương trình, kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để thực hiện nhiệm vụ đạt kết quả tốt; tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị được sắp xếp, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động; tích cực, chủ động triển khai, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ công tác cải cách hành chính, hướng tới xây dựng nền hành chính minh bạch, chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ Nhân dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; kỷ luật, kỷ cương, tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức được nâng lên.

Mặc dù, Tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong khu vực, nhưng Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang nhìn nhận vẫn còn một số hạn chế cần có giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Đó là khu vực thương mại, dịch vụ chưa phát huy tiềm năng, lợi thế; hoạt động xuất khẩu sụt giảm so với cùng kỳ; công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư một số dự án chưa đạt tiến độ yêu cầu; chuyển đổi số tại một vài cơ quan, đơn vị chưa đạt yêu cầu; tình hình khan hiếm vật tư, hóa chất và thuốc điều trị ảnh hưởng công tác chăm sóc điều trị bệnh cho Nhân dân. Năng lực của một số đơn vị, người đứng đầu chưa phát huy hết vai trò tham mưu cho cấp ủy trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Tỉnh…

Tuy nhiên, Hậu Giang vẫn còn đối mặt không ít khó khăn, thách thức. Quy mô kinh tế của tỉnh còn nhỏ, sức cạnh tranh thấp, các nguồn lực cho phát triển còn hạn chế. Nguồn vốn đầu tư công nhỏ, trong khi vẫn còn tình trạng đầu tư dàn trải ở một số công trình, dự án. Tiến độ giải ngân đầu tư công tuy ở mức khá so với cả nước, song tỷ lệ còn thấp so với tiến độ năm (đạt 36%).

Theo Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, tỉnh đang tập trung phát triển 4 trụ cột "công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch" theo hướng: Công nghiệp hiện đại, nông nghiệp sinh thái, đô thị thông minh và du lịch chất lượng. Đồng thời, chuyển dịch, cơ cấu lại danh mục đầu tư công, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; hỗ trợ phát triển nông nghiệp về hệ thống thủy lợi, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có hiệu quả cao hơn, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, khuyến khích phát triển kinh tế tập thể; tạo mặt bằng quỹ đất sạch cho phát triển công nghiệp; dành nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông phục vụ phát triển kinh tế.

Anh Vân (t/h)