Kinh tế học từ gói bim bim và công tác thống kê giá ở Việt Nam

Câu chuyện về nhà sản xuất bim bim phát VTV24 ngày 17/4/2022 bàn về khi bão giá, nhà sản xuất ở nước ngoài đã tăng giá ngầm bằng cách giảm trọng lượng gói bim bim bán ra nhưng giá không thay đổi. Ông chủ sản xuất tưởng rằng làm như vậy để người tiêu dùng an tâm về giá hàng hoá hàng ngày trên thị trường.

Thực ra không phải như vậy, bởi người tiêu dùng các nước cũng như ở Việt Nam ngày nay đã quá nhạy cảm với vấn đề tăng giá hàng hoá, nhất là thời gian đại dịch 2 năm qua và những bất ổn chính trị khác trên thế giới. 

Câu chuyện tăng giá ngầm ở trên tưởng là nhỏ song lại rất lớn bởi: Một ngày ở Việt Nam hay một nước nào đó trên thế giới, số lượng tiêu thụ bim bim lên đến hàng chục vạn, thậm chí hàng triệu gói.

kinh-te-hoc-tu-goi-bim-bim-va-cong-tac-thong-ke-gia-o-viet-nam-1650598979.jpg
Kinh tế học từ gói bim bim và công tác thống kê giá ở Việt Nam

Tích nhỏ thành lớn, rõ ràng việc tăng giá ngầm với gói bim bim và các loại hàng hóa thiết yếu khác đã làm cho cuộc sống của người dân nhất là dân nghèo, dân thu nhập thấp, khó khăn lại càng thêm khó khăn.

Cơ quan thống kê Việt Nam đang làm nhiệm vụ theo Luật thống kê quy định, nhiều năm nay họ đã có nhiều cố gắng để bám sát thực tiễn nhằm phản ảnh chỉ số giá từng thời kì trong năm kế hoạch.

Tuy nhiên theo ý kiến của một số chuyên gia, nhà quản lý kinh tế, đại biểu Quốc hội,… thì giữa con số thống kê và thực tế còn có những khoảng cách do nhiều nguyên nhân gây ra như: Số lượng các mặt hàng đại diện để lấy giá còn ít (khoảng gần 1.000 mặt hàng) so với thực tế cuộc sống cần hàng chục nghìn mặt hàng, dịch vụ,…

Thứ hai, việc lấy giá ở chợ dân sinh thường là không chính xác cao bởi, chợ hầu như không niêm yết giá, sáng một giá, chiều một giá.

Còn lấy ở siêu thị thì tại Việt Nam, giá siêu thị lại thường cao hơn chợ từ 20-30%. Do đó nếu thống kê giá nhiều ở siêu thị để phản ánh về giá bán lẻ sẽ không đúng với thực tế, có khi chênh lệch lớn.

Nếu cho rằng ý kiến ở trên là đúng thì khi lấy những số liệu phản ảnh của cơ quan thống kê để xây dựng và theo dõi việc thực hiện chỉ tiêu lạm phát sẽ không đầy đủ và không có cơ sở chắc chắn. Điều đó có thể làm sai lệch các định hướng quản lý, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của đất nước.

Trước tình hình trên, chúng ta cũng không thể trách cơ quan thống kê được, bởi phần nhiều số liệu còn chưa chuẩn xác đều do khách quan gây nên, đồng thời cũng không thể thay đổi cách thống kê hiện nay một sớm một chiều.

Câu chuyện về kinh tế học từ gói bim bim ở trên chỉ là một ví dụ nhỏ cho ta thấy cần phải hoàn thiện công tác thống kê giá, thống kê hàng hoá một cách thực tế hơn, chính xác và khoa học hơn nhằm phục vụ cho việc phát triển kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát một cách hợp lý ở nước ta.

Công tác thống kê càng sát với thực tế, sâu sát với cuộc sống của doanh nghiệp và người dân Việt Nam thì hiệu quả sẽ ngày càng cao hơn, góp phần vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, ổn định đời sống giá cả tiêu dùng cho nhân dân./.