Kinh tế 2023: Cần có chính sách hợp lý để doanh nghiệp vươn lên mạnh mẽ trong thách thức

Đứng trước bối cảnh vô cùng phức tạp như hiện nay, kịch bản phục hồi kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB) kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng “đáng kinh ngạc” 13,7% trong quý III so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời nâng dự báo tăng trưởng năm 2022 của Việt Nam lên 7,2%, tăng đáng kể so với mức dự báo 5,3% đưa ra 4 tháng trước đó. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 6,5% trong năm 2022, cao nhất Đông Nam Á.

Có được sự phát triển như vậy không thể không khẳng định sức đóng góp và sự sáng tạo không biết mệt mỏi của doanh nghiệp. Tuy vậy, theo thống kê bình quân một tháng có 18.100 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động thì có 12.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Nói cách khác, trong nền kinh tế cứ 10 doanh nghiệp gia nhập mới và quay trở lại thì có 7 doanh nghiệp tạm thời hoặc vĩnh viễn rút lui khỏi thị trường. Điều này phản ánh khu vực doanh nghiệp vẫn bị tổn thương nghiêm trọng trước những khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước.

dn-1674695843.jpg
Để doanh nghiệp vươn lên mạnh mẽ cần có chính sách hợp lý. (Ảnh minh họa)

Do đó, tại Diễn đàn kinh tế 2023: Cùng doanh nghiệp “vượt sóng”, các chuyên gia đã đưa ra các khuyến nghị nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh, giúp các doanh nghiệp hoạch định chính sách, chiến lược trong kinh doanh năm 2023 và những năm tiếp theo.

Doanh nghiệp cần tái cấu trúc, tìm phương án đầu tư mới để “hồi sinh”

Theo ông Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, bức tranh tổng thể của nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng nhưng vẫn có những nhóm ngành hàng, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao có biện pháp để các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đang khó khăn đón đầu được cơ hội khi nền kinh tế thế giới phục hồi trở lại. Doanh nghiệp phải được chuẩn bị một tư thế sẵn sàng để bắt đầu trở lại, bắt đầu tái cấu trúc quá trình sản xuất kinh doanh của mình, tạo cho mình vị thế khác đi so với trước.

Doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay gặp rất nhiều khó khăn nên mỗi doanh nghiệp sẽ phải tính toán bài toán kinh doanh của mình bằng nhiều lời giải khác nhau. Không ít các doanh nghiệp sẽ buộc phải tái cấu trúc lại, tìm thị trường mới, phương án đầu tư mới. Đây là yêu cầu rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước chịu tác động nhiều chiều, đặc biệt là từ cuộc chiến Nga - Ukraine, đại dịch Covid-19, ông Bình khuyến nghị doanh nghiệp cần phải có cái nhìn dài hạn, luôn phải nâng cao khả năng cạnh tranh, tạo vị thế tốt hơn về năng suất lao động, tổ chức sản xuất, thị trường cũng như về mặt công nghệ. Đây là bài toán chung cho cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo ông Bình, bên cạnh cái nhìn dài hạn, doanh nghiệp cũng phải có bài toán ngắn hạn. Bởi vì trong bối cảnh hiện nay, ngành hàng của họ đang chịu ảnh hưởng trực tiếp nhưng sự phục hồi của nền kinh tế là hoàn toàn có thể trong 6 tháng hoặc 9 tháng nữa.

Chính sách tiền tệ phù hợp cho doanh nghiệp phục hồi

Thị trường tiền tệ đối diện với nhiều thách thức lớn trong năm 2023, cần nhiều chính sách để ngành ngân hàng, các doanh nghiệp “vượt sóng”. Do đó, để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đề xuất một số giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới như sau:

Thứ nhất, cần phải có sự điều hành đồng bộ cả chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác. Do vậy, đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt tăng cường đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, cũng như thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, giảm bớt áp lực đối với tiền tệ, tín dụng từ hệ thống ngân hàng… giúp cải thiện cung - cầu ngoại tệ cũng như giảm áp lực đối với tỷ giá.

Thứ hai, cần đẩy nhanh tiến độ các Luật đang được sửa đổi, hoàn thiện khung pháp lý cho các mô hình kinh doanh mới cũng như thúc đẩy phối hợp giữa các bộ, ngành để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số nền kinh tế.

Thứ ba, tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu cấp quốc gia, đặc biệt là dữ liệu dân cư và có cách thức khai thác hiệu quả vào các hoạt động ngân hàng, tài chính, phục vụ phát triển đất nước và quản lý xã hội.

Thứ tư, xem xét có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các Ngân hàng thương mại (NHTM) tích cực giảm lãi suất cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ: Thông qua giảm thuế, phí cho các NHTM này với mức giảm cao hơn so với quy định hiện nay; xem xét có cơ chế hỗ trợ các NHTM thông qua tái cấp vốn với lãi suất hợp lý.

Thứ năm, thành lập thị trường mua bán nợ, đồng thời hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động mua bán nợ của các doanh nghiệp và khung pháp lý quản lý thị trường mua bán nợ, xây dựng và ban hành tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ.

Thứ sáu, rà soát lại các quy định liên quan đến ngành nghề, đối tượng được hưởng, các điều kiện vay vốn. Tăng cường phối hợp chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, các thành phần kinh tế được bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực đầu vào và trong tiếp cận thị trường đầu ra.

Ngoài ra, ông Hùng cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành linh hoạt, thận trọng và phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, đồng thời phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiềm chế lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp tạo đà phục hồi nền kinh tế.

Doanh nghiệp và Nhà nước chung tay “vượt sóng gió”

TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách nhận định: “Hiện nay, những bất ổn bên ngoài đang gây ra những khó khăn chung cho nền kinh tế Việt Nam, đã có những tác động đến chính sách điều hành vĩ mô và môi trường kinh doanh. Do đó, để góp phần giúp doanh nghiệp đối phó với những biến động và khó khăn thì chủ trương và chính sách của Chính phủ, Quốc hội trong việc ổn định kinh tế vĩ mô là ưu tiên hàng đầu”.

Ông Việt cho rằng, thực tế cho thấy, khi có những khó khăn, bất ổn cần phải đương đầu thì những biện pháp cải cách là rất cần thiết. Tuy nhiên, trong quá trình cải cách, có 3 yếu tố rủi ro cần phải lưu ý để xây dựng các biện pháp phòng ngừa.

Cụ thể, không nên có sự can thiệp đột ngột, đặc biệt là các can thiệp có tính chất phi thị trường. Bên cạnh đó, cần lưu ý những rủi ro về tự do hợp đồng và quyền tài sản. Cần chuẩn bị những cơ chế, cách thức quản trị để tiết giảm chi phí và doanh nghiệp cũng cần phối hợp với các Bộ ngành, địa phương và cơ quan trung ương để nghiên cứu cơ chế nhằm giảm các loại chi phí không chính thức.

Theo ông Việt, bản thân doanh nghiệp phải duy trì tinh thần khởi sự kinh doanh, phát huy tinh thần tự chủ, tự lực bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước để duy trì sự chủ động trước các “sóng gió”. Đồng thời, các cơ quan hoạch định chính sách, quản lý dựa trên cơ chế thị trường để có thể hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp.

Trong bối cảnh khó khăn, người lao động trong các doanh nghiệp vẫn là đối tượng cần được quan tâm hơn nữa. Điều này có thể thấy rõ khi Việt Nam trải qua 2 năm đại dịch. Do đó, nếu lạm phát gia tăng cùng những bất ổn vẫn còn kéo dài sang năm 2023 thì Nhà nước và doanh nghiệp cần phối hợp để có những gói an sinh xã hội cho người lao động.

Bên cạnh đó, để doanh nghiệp vượt qua khó khăn khủng hoảng rủi ro thì các thông tin của doanh nghiệp, thông tin về chính sách cần kịp thời và minh bạch hơn, rõ ràng hơn để các cơ quan nghiên cứu có những số liệu thật về tình hình của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, các cơ quan Bộ, ngành, Trung ương có những dự báo phù hợp với thực tiễn, giúp doanh nghiệp vượt qua sóng gió, thách thức của năm 2023..

Hương Lan