Doanh nghiệp muốn khởi nghiệp thành công cần trau dồi kiến thức và tăng cường kết nối

Đại dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường, chuỗi sản xuất bị đứt gãy, gây tổn thất cho cộng đồng doanh nghiệp và ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế đất nước. Vì vậy, hỗ trợ và đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp vượt qua khó khăn lúc này là nhiệm vụ cấp bách hơn bao giờ hết.

Nhằm giúp các doanh nhân hiểu rõ về bức tranh toàn cảnh của các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam cũng như đưa ra những giải pháp giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công, phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh đã phỏng vấn TS. Đinh Việt Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia.

PV: Thưa ông, có thể nói bức tranh khởi nghiệp Việt Nam của chúng ta còn rất sơ khai. Cụ thể, sau khi Chính phủ quyết định lấy năm 2016 là năm Quốc gia khởi nghiệp và ngay sau đó đã có một loạt các Chương trình thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp Quốc gia, vậy ông đánh như thế nào về bức tranh khởi nghiệp ban đầu của Việt Nam?

TS. Đinh Việt Hòa: Chúng ta phải thừa nhận rằng đất nước của chúng ta sau khi trải qua chiến tranh và mất một thời gian dài bao cấp, đến tận năm 1986 chương trình “Đổi mới” đất nước mới bắt đầu được thực hiện. Vì thế, hệ sinh thái phát triển doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp tư nhân nói riêng chưa được tập trung nhiều. Trước năm 2006, số lượng doanh nghiệp của Việt Nam được thành lập hàng năm rất khiêm tốn. Bình quân mỗi năm nước ta chỉ thành lập được từ 10.000-20.000 doanh nghiệp, cao nhất đến năm 2005 chúng ta mới được 60.000 doanh nghiệp/năm. Như vậy, với dân số gần 90 triệu dân (2015), số lượng doanh nghiệp của cả nước ta mới chỉ trên dưới 500.000 doanh nghiệp, hay nói cách khác, cứ 200 người mới có một doanh nghiệp, đây có thể coi là một con số rất thấp. Trong khi đó, tại các nước phát triển, như: Mỹ, Đức, Hàn Quốc, hoặc Singapore một nước rất gần với Việt Nam, thì trung bình cứ 45 đến 60 người, họ có một doanh nghiệp. Do đó, bức tranh của nước ta hiện nay là bức tranh thiếu doanh nghiệp. Chúng ta thiếu từ 1,5 triệu - 2 triệu doanh nghiệp nữa.

doanh-nghiep-1674434008.jpg
Doanh nghiệp muốn khởi nghiệp thành công cần trau dồi kiến thức và tăng cường kết nối. (Ảnh minh họa)

Điều rất mừng, ngay trong năm 2016, khi Chính phủ quyết định là năm Quốc gia khởi nghiệp và các Chương trình hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp được phê duyệt. Trong đó, có Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (gọi tắt là Chương trình 844), đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” (gọi tắt là Đề án 1665), hay Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” (gọi tắt là Đề án 9395) thì số lượng thành lập doanh nghiệp mới tăng một cách đáng kể. Cụ thể, năm 2016 chúng ta thành lập mới lên tới 110.000 doanh nghiệp (một con số kỷ lục), năm 2017 số doanh nghiệp mới là 127.000, năm 2018 trên 130.000, năm 2019 trên 140.000 doanh nghiệp/năm. Đặc biệt, trong số những doanh nghiệp thành lập mới đã có nhiều doanh nghiệp đổi mới sáng tạo (startup) mang tính sáng tạo và đột phá cao.

Như vậy, trước năm 2016 ở Việt Nam, đâu đó đã có những hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp và có những chương trình cổ vũ cho tinh thần khởi nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những chương trình mang tính nhỏ lẻ, manh mún mà chưa tạo lên được tiếng vang, hay độ ảnh hưởng lớn trong xã hội. Và, từ cuối năm 2015 khi Ban sáng lập Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia được ra mắt, cộng với các chương trình thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia đã có sự tác động rất mạnh mẽ đến sự thay đổi về tư duy của những người dân Việt Nam về công cuộc khởi nghiệp. Cụ thể, dần dần người dân đã nhận thức được khởi nghiệp chính là đường hướng đúng đắn cho sự phát triển cá nhân, phát triển gia đình cũng như góp phần vào sự phát triển của toàn xã hội.

PV: Thưa TS. Đinh Việt Hòa, khởi nghiệp là một hành trình gian nan, vậy ông có thể cho biết những khó khăn thách thức mà những nhà khởi nghiệp gặp phải khi bắt đầu khởi nghiệp là gì?

TS. Đinh Việt Hòa: Khởi nghiệp không phải là phong trào, mà khởi nghiệp công cuộc. Tạo dựng một doanh nghiệp không chỉ là một năm hoặc hai năm mà tạo dựng một doanh nghiệp là cả một khát vọng, là cả một ước mơ cháy bỏng của cả một cuộc đời người chủ doanh nghiệp.

Điều hành doanh nghiệp là một công việc rất khó. Bởi họ có vai trò không chỉ phải tạo việc làm cho cán bộ nhân viên, mà còn tạo ra của cải vật chất để trả lương cho cán bộ, công nhân viên cho doanh nghiệp tồn tại và phát triển, đồng thời còn có tác động rất mạnh mẽ đó là đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội nói chung. Và điều hành doanh nghiệp đổi mới sáng tạo lại càng gặp nhiều thách thức khi khởi nghiệp hơn.

Cụ thể, họ phải vắt óc làm thế nào để tạo ra những sản phẩm mà thị trường đón nhận, từ đó họ có thể phát triển dài hơi hơn. Hơn nữa, các yếu tố về nguồn nhân lực trong đó không chỉ là nguồn lực tài chính mà còn cả nguồn nhân lực chất lượng cao để họ tạo ra sản phẩm với hàm lượng chất xám cao. Yếu tố thứ tư đó là các doanh nghiệp đang chịu sự thách thức rất lớn về năng lực quản trị doanh nghiệp, bởi vì phần lớn những người chủ doanh nghiệp này đều xuất thân từ những người chưa có kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp. Làm thế nào đó để đưa doanh nghiệp đi lên, làm thế nào để doanh nghiệp có thể phát triển một cách bền vững... là những câu hỏi mà những nhà khởi nghiệp luôn luôn đặt ra.

Như vậy, chúng ta thấy trong góc độ doanh nghiệp đã khó, đối với các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo lại khó hơn rất nhiều bởi vì khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cần một hàm lượng chất xám rất lớn, cần một sản phẩm mang tính chất đột phá để có thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Để doanh nghiệp khởi nghiệp thành công và có thể đứng vững trên thị trường thì các doanh nghiệp cần xây dựng niềm tin và uy tín của doanh nghiệp vì chỉ có niềm tin, uy tín mới có thể xây dựng được thương hiệu cá nhân của doanh nghiệp. Thương hiệu cá nhân của lãnh đạo doanh nghiệp chính là tài sản của doanh nghiệp.

PV: Để có một hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển thì yếu tố pháp lý đóng một vai trò đặc biệt quan trọng, với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia, ông nhìn nhận thế nào về những hạn chế của hệ sinh thái khởi nghiệp ở những khía cạnh như hành lang pháp lý?

TS. Đinh Việt Hòa: Mấy năm trở lại đây, chúng ta đang hoàn thiện về hành lang pháp lý cho phát triển doanh nghiệp. Quốc hội, Chính phủ đã thông qua rất nhiều những chính sách và liên tục thay đổi để phù hợp với nhu cầu phát triển của doanh nhân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nhân, doanh nghiệp cũng gặp phải rất nhiều khó khăn, rất nhiều hoạt động kinh doanh còn vướng, còn lạc hậu hoặc chưa có làm cho doanh nhân rất khó vận hành cũng như không biết phải xử lý thế nào. Trong số những chính sách mà các doanh nhân gặp khó như các chính sách liên quan đến tài chính, đến thuế... Các doanh nghiệp luôn mong muốn làm sao có thể vay được các nguồn vốn ưu đãi để mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thực tế, chúng ta chưa có được các quy định, hành lang mở cho những doanh nghiệp đổi mới sáng tạo có thể đi vào như những doanh nghiệp thông thường.

Ngày nay, chúng ta đang sống trong thời đại kinh tế số trong khi các chính sách chưa đáp ứng được tốc độ phát triển khoa học công nghệ, dẫn tới nhiều nhà sáng lập doanh nghiệp đã ra nước ngoài để thành lập doanh nghiệp. Có thể nói rằng, chúng ta đã mất đi những nguồn lực mà rất nhiều doanh nghiệp đã tạo lên nguồn thu nhập lớn nhưng sau đó lại nộp thuế cho nước ngoài. Đó là những yếu tố chúng ta cần phải hoàn chỉnh, cần phải có những định hướng trong thời gian tới.

Để vận hành doanh nghiệp tốt, doanh nhân khởi nghiệp cần phải chuẩn bị cho mình rất nhiều hành trang, trong đó có những vấn đề của luật pháp trong nước và quốc tế. Có rất nhiều quy định và những quy định này sẽ giúp cho các doanh nhân, doanh nghiệp làm đúng hơn, chuẩn mực hơn, tạo cho xã hội nhiều giá trị hơn.

Tuy nhiên, theo tôi mỗi doanh nghiệp nên có một ban cố vấn, trong ban cố vấn sẽ có một người phụ trách về pháp lý, cụ thể là pháp lý về thuế và luật doanh nghiệp để có thể làm đúng và hạn chế tối đa những thiệt hại không đáng có.

PV: Ngoài những vấn đề thách thức về hành lang pháp lý, còn các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp thì sao? Vậy họ cần phải cải thiện những vấn đề gì thưa ông?

TS. Đinh Việt Hòa: Tôi cho rằng một trong những thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp chính là năng lực của nhà lãnh đạo, hay nói cách khác là năng lực của ông chủ của doanh nghiệp đổi mới sáng tạo đó. Những chủ doanh nghiệp này đa phần còn rất trẻ. Bên cạnh đó, nhiều người trong số họ thiếu những kiến thức liên quan đến 3 yếu tố cơ bản sau:

Thứ nhất là các kiến thức về thị trường, có tới 48% các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo có thể bị đóng cửa bởi lý do liên quan đến sản phẩm, họ khát khao, họ đam mê phát triển sản phẩm, nhưng họ chưa có những đánh giá đúng về nhu cầu của thị trường dẫn đến khi tung sản phẩm ra thì không được thị trường đón nhận.

Yếu tố thứ hai là có đến 28% trong số những doanh nhân, doanh nghiệp phải đóng cửa đó là do năng lực về quản lý tài chính, một số doanh nghiệp thì thiếu vốn, số còn lại thừa vốn nhưng không thể phân bổ hợp lý để phát triển cho doanh nghiệp của mình.

Thêm vào đó, theo thống kê cho thấy có tới 24% doanh nghiệp bị phá sản liên quan đến năng lực quản lý nhân sự. Rất ít những doanh nghiệp duy trì được đội ngũ sáng lập sau một số năm. Như vậy, chung quy lại 3 yếu tố đó đều do các chủ doanh nghiệp thiếu kiến thức về quản trị doanh nghiệp. Chính vì vậy với tư cách là chuyên gia, những người đi trước, tôi luôn chia sẻ với các doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo rằng, họ cần luôn luôn trau dồi kiến thức, nâng tầm bản thân. Năng lực, tầm của một doanh nghiệp phụ thuộc vào năng lực của nhà lãnh đạo cũng chính là chủ của doanh nghiệp.

Muốn khởi nghiệp thành công doanh nghiệp không thể đi một mình mà cần phải có tính kết nối, kết nối ở đây có rất nhiều nguồn lực như kết nối con người trong cùng một công ty, kết nối với những người ngoài xã hội là thị trường, kết nối với những nhà đầu tư, kết nối với khách hàng và với cả những nhà hoạch định chính sách để giúp cho các doanh nghiệp hoạt động đúng theo pháp luật.

Tiếp theo là cần kết nối với các chuyên gia bởi vì các chuyên gia là những người tổng hợp, đúc rút từ những kiến thức, yếu tố về khoa học để từ đó các doanh nghiệp có thể áp dụng vào doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Các doanh nhân cũng cần kết nối với các đồng nghiệp, thậm chí kết nối với chính các đối thủ của mình, qua đây các doanh nghiệp có thể học được những bài học kinh nghiệm trong sự phát triển cũng như rút ra được nhiều kinh nghiệm từ sự thất bại của doanh nghiệp bạn.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Ánh Dương