Kiên quyết xử lý công trình vi phạm trên đất lâm nghiệp

Ngày 29/5, tại phiên họp thường kỳ tháng 5 (lần 7) của UBND tỉnh Hải Dương, Lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương khẳng định, thống nhất quan điểm kiên quyết tháo dỡ các công trình vi phạm trên đất lâm nghiệp.
hai-duong-xu-ly-nghiem-vi-pham-tren-dat-lam-nghiep-1-1716992891.jpg
Ảnh minh họa.

Cương quyết xử lý vi phạm công trình trên đất lâm nghiệp

Lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND thị xã Kinh Môn, UBND thành phố Chí Linh rà soát, xác minh, phân loại từng trường hợp vi phạm (trên đất rừng, trên đất cây ăn quả), đối chiếu với quy định, đề xuất rõ phương án xử lý đối với từng nhóm vi phạm, làm rõ trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND cấp huyện, tổng hợp báo cáo lại Ủy ban nhân dân tỉnh trước khi xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Theo bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, hiện, toàn tỉnh có 268 công trình vi phạm trên đất rừng và đất nông nghiệp. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo thành phố Chí Linh và thị xã Kinh Môn có hướng xử lý với những công trình xây dựng trước năm 2019 và kiên quyết tháo dỡ các công trình xây dựng sau năm 2019.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương, kết quả thống kê đất đai năm 2023, toàn tỉnh Hải Dương có 104.055 ha đất nông nghiệp; trong đó, có 9.029 ha đất lâm nghiệp. Phân theo địa giới hành chính, diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh phân bố tại thành phố Chí Linh và thị xã Kinh Môn.

Trong đó, 1.229 ha đất lâm nghiệp tại thị xã Kinh Môn và 7.800 ha tại thành phố Chí Linh. Phân theo đối tượng quản lý, sử dụng, tổ chức kinh tế quản lý, sử dụng 94,11 ha đất rừng sản xuất và rừng phòng hộ; cơ quan, đơn vị của Nhà nước quản lý sử dụng 1.104 ha đất rừng; tổ chức sự nghiệp công lập quản lý, sử dụng 7.351 ha rừng sản xuất, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng; hộ gia đình cá nhân trong nước quản lý, sử dụng 479,5 ha đất rừng sản xuất.

Theo đánh giá, việc xử lý vi phạm trên đất lâm nghiệp, về cơ bản, các địa phương đã rà soát, lập biên bản, yêu cầu giữ nguyên hiện trạng hoặc tháo dỡ.

Ban Quản lý rừng và chính quyền địa phương đã phối hợp triển khai nhưng chưa thường xuyên chủ yếu dừng ở rà soát, lập biên bản, chưa có biện pháp đủ mạnh và đủ sức răn đe. Khó khăn trong quản lý, sử dụng đất rừng, phát hiện, xử lý vi phạm xây dựng trên đất lâm nghiệp; trong đó, có nguyên nhân pháp luật đất đai và pháp luật lâm nghiệp hiện còn có những điểm không thống nhất như: quy định về giao đất, giao rừng, cho thuê đất, cho thuê rừng, về chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng…

Không những thế, tình trạng tự ý chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp; trong đó, có đất lâm nghiệp, xây dựng các công trình nhà ở, chuồng trại trên đất nông nghiệp còn tồn tại từ nhiều năm trước. Một số vi phạm mới phát sinh trong giai đoạn xảy ra dịch COVID-19 nên việc kiểm tra, phát hiện, xử lý chưa được kịp thời.../.

Quy định của Luật Đất đai 2013 về đất lâm nghiệp

Theo Luật Đất đai 2013, đất lâm nghiệp là một loại đất thuộc nhóm đất nông nghiệp. Đất lâm nghiệp gồm 3 loại: đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ và đất rừng đặc dụng.

Điều 14 của Luật Đất đai năm 2013 đã quy định: Nhà nước quyết định mục đích sử dụng đất thông qua quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

Khoản 1, Điều 170. Nghĩa vụ chung của người sử dụng đất: Sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân theo các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Theo quy định trên, sử dụng đất lâm nghiệp phải đúng mục đích là để trồng rừng, mọi hoạt động sử dụng trái với mục đích sử dụng trên là không được phép, kể cả việc xây dựng nhà trên đất lâm nghiệp. Nếu muốn xây dựng nhà ở thì nhà này phải được xây dựng trên đất ở.

Việc xây nhà trên đất lâm nghiệp là trái quy định pháp luật sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật.

Theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP tại Điều 10. Sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định tại các điểm c và d khoản 1 Điều 57 của Luật đất đai.

Khoản 2. Chuyển đất rừng đặc dụng là rừng trồng, đất rừng phòng hộ là rừng trồng, đất rừng sản xuất là rừng trồng sang đất phi nông nghiệp thì hình thức và mức xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,02 héc ta;

b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,02 héc ta đến dưới 0,05 héc ta;

c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;

Bên cạnh đó, còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 và khoản 3 Điều này, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;

b) Buộc đăng ký đất đai theo quy định đối với trường hợp có đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 22 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP;

c) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm trong các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này; số lợi bất hợp pháp được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 7 của Nghị định này.

PV