UBND tỉnh Hải Dương ban hành công văn số 3970/UBND - VP yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, triển khai thực các quy định của pháp luật trong lĩnh vực thăm dò, khai thác khoáng sản và các chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh; Quán triệt các nội dung của Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông.
Theo đó, tập trung kiểm tra, rà soát về việc đăng ký tên, loại phương tiện, thiết bị được sử dụng để khai thác, vận chuyển cát, sỏi; việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và lưu trữ dữ liệu, thông tin về vị trí, hành trình di chuyển của phương tiện, thiết bị sử dụng để khai thác, vận chuyển cát, sỏi; kiểm tra về yêu cầu đối với bến, bãi tập kết cát, sỏi lòng sông, việc lắp đặt trạm cân, camera để giám sát khối lượng cát, sỏi mua - bán tại bến bãi; yêu cầu về phương tiện vận chuyển cát, sỏi trên sông...
Trong công văn nêu rõ, giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục rà soát số liệu về công tác quản lý khoáng sản cát, sỏi lòng sông (công tác quy hoạch, cấp phép thăm dò, khai thác; tài nguyên trữ lượng đã cấp/đã khai thác/trữ lượng còn lại; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm (số vụ việc, hành vi vi phạm, số tiền phạt,…); kiến nghị các biện pháp quản lý tiếp theo, báo cáo về Bộ Tài nguyên và Môi trường (qua Cục Khoáng sản Việt Nam) để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát công suất khai thác của các mỏ cát, sỏi trên địa bàn cần phải được tăng cường hơn nữa. Việc cấp phép khai thác tuân thủ theo quy định pháp luật và chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021, bảo đảm không ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, phòng chống sạt lở và tai biến địa chất, bảo đảm đa dạng sinh học và bảo vệ rừng; bảo đảm quốc phòng - an ninh; an toàn giao thông cũng như cho các công trình thuộc Dự án đường cao tốc. Việc khai thác cát, sỏi không làm thay đổi dòng chảy, không gây sạt lở lòng, bờ, bãi sông.
Trước đó, do nhu cầu về cát phục vụ hoạt động san lấp, xây dựng trên địa bàn và lợi nhuận cao thu được từ khai thác cát trái phép trên các tuyến sông có trữ lượng cát lớn như sông Thái Bình, sông Kinh Thầy, sông Kinh Môn, sông Luộc, sông Tứ Kỳ, sông Văn Úc.. Điều này làm thất thoát nguồn thu thuế tài nguyên khoáng sản, sạt lở bờ, bãi sông, ảnh hưởng đến dòng chảy, đe dọa sự an toàn của hệ thống đê điều, kè, cầu cống, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân.