Bộ Nông nghiệp và Môi trường đặt mục tiêu gỡ 'thẻ vàng' IUU trong quý IV/2025

Tại Hội nghị giao ban công tác quý I, triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng Tư và quý II/2025, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN-MT) đã đề nghị các đơn vị và địa phương bước vào giai đoạn nước rút để gỡ được "thẻ vàng" IUU vào quý IV/2025.

Chiều 13/4, tại hội nghị giao ban thường kỳ, Bộ trưởng Bộ NN-MT Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, toàn ngành đang bước vào giai đoạn nước rút của 6 tháng đầu năm với yêu cầu cao về tiến độ, chất lượng và hiệu quả công việc.

hoi-nghi-giao-ban-bo-nong-nghiep-moi-truong-1-1744595217.jpg
Bộ trưởng Bộ NN-MT phát biểu chỉ đạo tại hội nghị chiều 13/4. (Ảnh: Bộ NN-MT)

Để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong năm 2025, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đề nghị từng cán bộ, từng đơn vị trong ngành phải “đồng tâm hiệp lực” triển khai đồng bộ và hiệu quả các chương trình hành động.

Trong đó nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ trưởng Đỗ Đức Duy yêu cầu là hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trước ngày 30/6; gỡ “thẻ vàng” IUU trong quý IV/2025.

Với tinh thần trên, ông Đỗ Đức Duy đưa ra một số nhóm nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung triển khai trong tháng Tư và quý II. Đầu tiên là Ngành Nông nghiệp và Môi trường tập trung hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

hoi-nghi-giao-ban-bo-nong-nghiep-moi-truong-2-1744595268.jpg
Ngành Nông nghiệp và Môi trường tập trung hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2025. (Ảnh minh họa)

Về công tác rà soát, hoàn thiện thể chế, tổ chức bộ máy, người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường yêu cầu các đơn vị, đặc biệt là Vụ Pháp chế rà soát, đề xuất sửa đổi các văn bản pháp luật, mô hình tổ chức cấp tỉnh, cấp xã, phù hợp với mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Hạn cuối hoàn thành là trước ngày 30/6/2025.

Bên cạnh đó, ông Duy cũng yêu cầu đơn vị chuyên môn tập trung xây dựng, trình ban hành 3 văn bản quy phạm pháp luật quan trọng về đất đai, quản lý Nhà nước và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp, môi trường.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cũng đề nghị Vụ Pháp chế cũng chủ trì phối hợp xây dựng Đề án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến lĩnh vực ngành, đảm bảo đủ điều kiện để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 vào tháng 10/2025.

Nhấn mạnh Ngành Nông nghiệp và Môi trường đang bước vào giai đoạn nước rút của 6 tháng đầu năm 2025, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết ngoài các nhóm nhiệm vụ chung trên, thời gian tới, ngành cần phải triển khai một số nhiệm vụ cụ thể đối với từng lĩnh vực, trong đó gỡ “thẻ vàng” IUU trong quý IV là mục tiêu quan trọng.

Liên quan đến việc ứng phó với chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ, ông Duy xác định đây là nhiệm vụ cấp bách, qua đó yêu cầu các đơn vị vào cuộc đồng bộ.

Gợi mở một số hướng triển khai cụ thể, ông Duy yêu cầu Vụ Hợp tác quốc tế phải khẩn trương trình kế hoạch ứng phó; Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cần xây dựng cơ sở dữ liệu thị trường và tiêu chí phát triển xuất khẩu.

Người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng lưu ý các văn bản kỹ thuật liên quan đến xuất nhập khẩu cần phải rà soát, sửa đổi kịp thời. Cùng với đó, các đơn vị cần thúc đẩy đàm phán, vận động sự ủng hộ của các đối tác quốc tế.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cũng yêu cầu các đơn vị chuyên môn khẩn trương giải quyết các hồ sơ tồn đọng về mở cửa thị trường và cấp phép xuất khẩu cho doanh nghiệp.

Đặc biệt lưu ý tới nhóm nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết 66 của Chính phủ về cắt giảm thủ tục hành chính, ông Duy đề nghị các đơn vị quản lý chuyên ngành cần rà soát, đề xuất phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính theo tinh thần “30-30-30,” bảo đảm giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, ít nhất 30% chi phí kinh doanh (chi phí tuân thủ), bãi bỏ 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết.

hoi-nghi-giao-ban-bo-nong-nghiep-moi-truong-3-1744595196.jpg
Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU cho biết nhiều địa phương có sự chuyển biến rất rõ rệt trong việc khắc phục các vấn đề mà EC đề cập.(Ảnh minh họa)

Ngoài các nội dung trên, một số nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể khác liên quan đến các vấn đề quan trọng của ngành cũng được Bộ trưởng Đỗ Đức Duy chỉ đạo, đưa ra giải pháp để lãnh đạo bộ và các đơn vị triển khai thực hiện trong tháng Tư và quý II/2025.

Đó là hoàn thiện cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức triển khai các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, các chương trình, đề án thuộc ngành; kiện toàn tổ chức bộ máy và công tác cán bộ, giải quyết kịp thời chế độ, chính sách đối với công chức, viên chức, người lao động có nguyện vọng nghỉ chế độ.

Đặc biệt, ông Duy đề nghị các đơn vị chuyên môn đẩy mạnh công tác chuyển đổi số; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án 06 của Chính phủ, đặc biệt là hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phải hoàn thành trước ngày 30/6/2025.

Cùng với đó, ngành cần đẩy mạnh tiến độ đầu tư công bảo đảm thủ tục pháp lý, chất lượng, hiệu quả; tăng cường kiểm tra chuyên ngành, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước và phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm; thực hiện các nhiệm vụ quản lý Nhà nước chuyên ngành.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cũng đề nghị các đơn vị được giao khẩn trương xây dựng, trình phê duyệt và triển khai các đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp, nhất là khối khoa học, đào tạo, sự nghiệp kinh tế khác; triển khai tích cực các nhiệm vụ phục vụ quản lý Nhà nước về khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế, đào tạo./.

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU cho biết nhiều địa phương có sự chuyển biến rất rõ rệt trong việc khắc phục các vấn đề mà EC đề cập.

Việc xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, tàu vi phạm VMS, tàu không vào cảng thực hiện bốc dỡ theo quy định, tàu không đủ điều kiện hoạt động... rất tích cực. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã hoàn thiện thể chế theo đúng khuyến nghị của EC. Các hành vi vi phạm nghiêm trọng đều được xử lý nghiêm khắc.

Trước đây, tàu cá đi đâu, về đâu, cơ quan chức năng rất khó nắm bắt nhưng nay bằng các ứng dụng công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu đã được quản lý chặt chẽ. Sắp tới khi sang làm việc, EC sẽ đánh giá việc Việt Nam phát triển được hệ thống truy xuất điện tử.

Có thể khẳng định, Việt Nam đã đi đầu trong khu vực và cả thế giới để thực hiện việc này. Nếu như EC chỉ áp dụng hệ thống truy xuất điện tử bắt đầu từ tháng 10/2026 thì Việt Nam đã áp dụng từ tháng 1/2024.

EC đánh giá cao và đang khuyến nghị chúng ta đưa hệ thống này áp dụng chính thức và bắt buộc. Tuy nhiên, chúng ta còn hạn chế về hạ tầng công nghệ thông tin tại các cảng cá và trình độ ứng dụng công nghệ thông tin của ngư dân.

Năm 2025, nếu các địa phương ưu tiên nguồn lực đầu tư, tập huấn, hướng dẫn ngư dân truy cập vào hệ thống này thì có thể quy định việc áp dụng bắt buộc cho tất cả tàu cá. Đây là giải pháp bền vững để chúng ta có thể dễ dàng giải trình với EC. Điều này giúp Việt Nam không chỉ gỡ được thẻ vàng của EC mà còn có thể vượt qua mọi rào cản của thị trường quốc tế.

Hiện tại, việc cấp giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác (SC) và giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác (CC) để hoàn thiện hồ sơ truy xuất nguồn gốc được đưa lên cơ sở dữ liệu về truy xuất điện tử của Việt Nam. Vậy nên, những thông tin này đảm bảo trung thực, chính xác, khách quan và không điều chỉnh được.

Theo ông Vũ Duyên Hải, Phó Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), đến nay, những vấn đề mà EC quan tâm, Việt Nam đã nỗ lực khắc phục và có những chuyển biến rõ rệt.

"Tuy nhiên, cách mà các địa phương báo cáo, tổng hợp thông tin chưa làm rõ nét được những chuyển biến này. Vì vậy, chúng tôi sẽ có hướng dẫn để địa phương làm rõ, nêu bật được những tiến bộ một cách rõ ràng hơn khi làm việc với EC", ông Vũ Duyên Hải cho biết.

Bình Châu