Nhiều hoạt động quảng bá trái vải
Trái vải Hải Dương tập trung ở huyện Thanh Hà. Năm 2024, toàn huyện có hơn 3.000 ha vải thiều, trong đó có khoảng 1.700 ha vải sớm (chiếm gần 52% tổng diện tích toàn huyện). Tổng sản lượng vải thiều tại tỉnh Hải Dương năm nay ước đạt từ 50.000 đến 55.000 tấn, được tiêu thụ tại thị trường nội địa và xuất khẩu sang Trung Quốc, Mỹ, Australia, Nhật, một số nước châu Âu…
Dự kiến ngày 20/5, tỉnh Hải Dương sẽ tổ chức Lễ mở vườn vải xuất khẩu, Hội thi thu hái vải tại xã Thanh Quang, huyện Thanh Hà và điểm đặc biệt so với mọi năm là Lễ cắt băng xuất khẩu vải Thanh Hà tại ga đường sắt Cao Xá, xã Cao An (huyện Cẩm Giàng). Đây là ga liên vận quốc tế. Sự kiện nhằm tạo điểm nhấn quảng bá vải thiều Thanh Hà nói riêng và tỉnh Hải Dương nói chung, giúp việc tiêu thụ vải năm 2024 và các năm tiếp theo thuận lợi. Sự kiện cũng nhằm tuyên truyền, quảng bá du lịch trải nghiệm vải thiều với du khách trong và ngoài nước; Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá chất lượng, thương hiệu, qua đó kích cầu tiêu thụ vải thiều Thanh Hà trong nước và xuất khẩu.
Bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương cho biết: Hiện nay, vải thiều Hải Dương đã dần tiếp cận được những thị trường khó tính như Nhật, Australia, Hoa Kỳ… Địa phương đang tổ chức nhiều hoạt động kết nối tiêu thụ, tăng cường hoạt động quảng bá xúc tiến cho vải thiều Hải Dương.
Cũng theo bà Kiểm: "Thời gian thu hoạch vải thiều ngắn, chỉ khoảng 2 tháng trong khi sản lượng lớn, cũng như công nghệ bảo quản và công nghệ chế biến sau thu hoạch vải hiện nay vẫn còn hạn chế, dẫn đến tình trạng khó khăn tiêu thụ.
Với những doanh nghiệp xuất khẩu đi Mỹ hay các nước thì người ta có thể bảo quản đến 2 tháng nhưng trong nước chỉ bảo quản 1 tháng thôi. Đặc biệt là quả vải sau khi vào kho lạnh thì nó hỏng rất là nhanh cho nên đây cũng là hạn chế với trái vải.
Đối với Nhật, Hoa Kỳ, Australia, thì doanh nghiệp đã có thể xuất khẩu bằng đường biển, với 1 số nước châu Âu thì đa số là đi bằng đường hàng không nên chi phí tương đối cao. Về mặt lâu dài giải pháp lớn nhất vẫn là công nghệ bảo quản để làm sao có thể kéo dài thời gian bảo quản vải ra để phục vụ cho tiêu thụ”.
Sẵn sáng đưa trái vải ra thị trường trong nước và quốc tế
Trước đó, ngày 12/3, Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam và Hợp tác xã Hệ sinh thái nông nghiệp phát triển bền vững DAS (tỉnh Bình Thuận) - doanh nghiệp xuất khẩu vải sang thị trường Mỹ, Canada về thăm, tìm hiểu vải sớm tại vùng sản xuất vải theo tiêu chuẩn GlobalGAP ở xã Thanh Quang (huyện Thanh Hà).
Tại đây, đại diện các đơn vị đánh giá cao quy trình sản xuất vải sớm về khâu tổ chức canh tác, ghi nhật ký điện tử để truy xuất nguồn gốc và tin tưởng chất lượng vải. Dự kiến ngày 20/5, Hợp tác xã Hệ sinh thái nông nghiệp phát triển bền vững DAS sẽ xuất khẩu khoảng 5 - 10 container vải Thanh Hà đi Mỹ và 400 tấn sang Canada bằng đường hàng không.
Cũng trong dự kiến, vào đầu tháng 4, các chuyên gia của Israel sẽ về Thanh Hà hướng dẫn nông dân cách bảo quản vải xuất khẩu. Vải xuất khẩu sang 2 thị trường này phải có chứng nhận GlobalGAP và được chiếu xạ theo quy định của đối tác nhập khẩu.
Nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm quả vải thiều và các sản phẩm OCOP tiêu biểu huyện Thanh Hà tới mọi miền đất nước, cùng với sự giao thương phát triển ra thị trường quốc tế; góp phần phát triển thương mại, dịch vụ, tạo tiền đề thúc đẩy kinh tế - văn hóa - xã hội ngày càng phát triển, UBND huyện Thanh Hà cũng đã ban hành kế hoạch tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm vải thiều và các sản phẩm OCOP tiêu biểu của huyện năm 2024. Theo đó, trong tháng 5 sẽ tổ hội nghị xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm vải thiều Thanh Hà.
Từ tháng 5 - 6, huyện sẽ tổ chức các đoàn tham gia xúc tiến thương mại sản phẩm quả vải thiều Thanh Hà và các sản phẩm OCOP tiêu biểu tại thành phố Hà Nội và một số tỉnh thành khác. Phối hợp với ban tổ chức sự kiện xúc tiến thương mại của các thành phố lớn tổ chức Tuần lễ vải thiều Thanh Hà…
Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá du lịch huyện Thanh Hà và tổ chức một số tour du lịch tham quan các di tích trên địa bàn huyện như chùa Minh Khánh, chùa Bạch Hào, tham quan địa điểm cây vải tổ, múa rối nước xã Thanh Hải và các tiểu vùng du lịch kết nối du lịch sinh thái Đồng Mẩn, sông Hương./.