Ngày 6/3, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã có Công văn yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh triển khai thực hiện nghiêm xử lý vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai (PCTT) năm 2024 trên địa bàn tỉnh.
Năm 2023, trước tình trạng vi phạm pháp luật về lĩnh vực thủy lợi, đê điều PCTT trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục phát sinh vi phạm mới, trong khi số vụ vi phạm cũ vẫn còn tồn đọng chưa được giải quyết dứt điểm, gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý và bảo vệ công trình; một số địa phương chưa thực sự quan tâm chỉ đạo, tập trung cao, quyết liệt cho công tác giải quyết vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều và PCTT.
Cụ thể, về lĩnh vực đê điều, phòng chống thiên tai 446 trường hợp: Hiệp Hòa 369 trường hợp, thị xã Việt Yên 15 trường hợp, Yên Dũng 2 trường hợp, Lạng Giang 18 trường hợp, Tân Yên 17 trường hợp, thành phố Bắc Giang 7 trường hợp, Lục Nam 18 trường hợp.
Đối với lĩnh vực thủy lợi 186 trường hợp: Tân Yên 82 trường hợp; thị xã Việt Yên 02 trường hợp; Yên Dũng 14 trường hợp; Yên Thế 2 trường hợp; Lạng Giang 36 trường hợp; Lục Nam 20 trường hợp; Lục Ngạn 30 trường hợp.
Do vậy, nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm, tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật về thủy lợi, đê điều và PCTT, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch xử lý các vi phạm về đê điều, PCTT trong phạm vi bảo vệ đê điều và trong hành lang thoát lũ trên địa bàn. Đối với các trường hợp phát sinh sau kế hoạch được ban hành, UBND các huyện, thị xã, thành phố bổ sung vào kế hoạch, tập trung xử lý dứt điểm, kiên quyết không để tồn đọng vi phạm mới phát sinh.
Công văn nêu rõ, UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập Ban chỉ đạo xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều và PCTT ở huyện, thị xã, thành phố và xã, phường thị trấn do Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn làm Trưởng ban, thành viên gồm: Lãnh đạo các phòng Nông nghiệp và PTNT (Phòng Kinh tế), Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Công an, Quân sự, Điện lực, Viễn thông, Hội Phụ nữ (các ban chỉ đạo ở xã, phường, thị trấn có thêm trưởng thôn, tổ trưởng dân phố...).
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo các huyện, thành phố phối hợp với Chi cục Thủy lợi, các Hạt Quản lý đê khu vực tiến hành rà soát, phân loại, thiết lập hoàn thiện hồ sơ vi phạm. Xây dựng kế hoạch xử lý cụ thể, chi tiết; chỉ đạo thực hiện xử lý vi phạm công trình đê điều, PCTT trên địa bàn đảm bảo theo đúng trình tự pháp luật.
Bên cạnh đó, thông báo kế hoạch tới từng hộ vi phạm và cộng đồng, yêu cầu các hộ có hành vi vi phạm tự giác tháo dỡ, giải tỏa vi phạm. Chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng ở địa phương tổ chức công tác tuyên truyền Luật Đê điều, Luật Phòng, chống thiên tai và các Nghị định hướng dẫn thi hành có liên quan. Thời gian từ ngày 15/4/2024 đến ngày 30/4/2024.
Tăng cường công tác quản lý, giám sát, kiên quyết xử lý nghiêm các vụ tiếp tay hoặc làm ngơ của chính quyền đối với các hành vi vi phạm. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh trong việc để phát sinh các trường hợp vi phạm và không kiên quyết trong xử lý các trường hợp vi phạm.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan, các thành viên Ban chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đi kiểm tra kết quả thực hiện của các huyện, thị xã, thành phố thực hiện báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh theo đúng quy định./.