Kiểm lâm Thái Nguyên: Bảo vệ gìn giữ màu xanh trên những cánh rừng

Những năm qua công tác bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên luôn được sự quan tâm chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương. Đặc biệt trực tiếp lực lượng nòng cốt chính là Kiểm lâm Thái Nguyên đã có nhiều nỗ lực gìn giữ, bảo vệ màu xanh trên những cánh rừng.
1-kiem-lam-thai-nguyen-1-1719450123.jpg
Với phương châm sát dân, bám rừng, Kiểm lâm Thái Nguyên đã bám sát địa bàn để kịp thời ngăn chặn các hành vi xâm hại tài nguyên rừng.

Hiện nay, Thái Nguyên có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 183.013ha, chiếm 51,96% tổng diện tích đất tự nhiên, trong đó diện tích rừng đặc dụng: 36.774,54 ha; diện tích rừng phòng hộ: 37.925,8 ha; diện tích rừng sản xuất: 108.312,73 ha, tỷ lệ che phủ rừng năm 2023 đạt 47%.

Với phương châm sát dân, bám rừng, Kiểm lâm Thái Nguyên đã bám sát địa bàn để kịp thời ngăn chặn các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, đấu tranh, trấn áp các ổ nhóm lâm tặc, các đường dây buôn lậu lâm sản, nhờ đó những năm qua tình trạng vi phạm pháp luật lâm nghiệp giảm sâu hàng năm, không có các điểm nóng về phá rừng, khai thác rừng, buôn bán lâm sản trái phép...

Công tác bảo vệ rừng bước đầu đã có sự đồng bộ, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đã có sự chỉ đạo chặt chẽ việc sử dụng đất rừng để thu hút các dự án phát triển kinh tế không gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái; việc chuyển đổi rừng sang mục đích khác được kiểm soát chặt chẽ.

kiem-lam-thai-nguyen-3-1719450163.jpg
Với phương châm sát dân, bám rừng, Kiểm lâm Thái Nguyên đã bám sát địa bàn để kịp thời ngăn chặn các hành vi xâm hại tài nguyên rừng.

Thực hiện Đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, ngành Lâm nghiệp tập trung phát triển rừng gỗ lớn, sản phẩm quế và hỗ trợ cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Kết quả, trong 3 năm (2020-2022), toàn tỉnh trồng được hơn 1.523ha quế; hơn 1.330ha rừng tại xã Văn Hán (Đồng Hỷ) được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC.

Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm đã triển khai xây dựng mô hình "Cánh rừng mẫu lớn" tại xã Quy Kỳ (Định Hoá) giai đoạn 2013-2020 với quy mô 470ha, nhằm ứng dụng khoa học kỹ thuật trong thâm canh rừng để nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng; kết hợp trồng rừng gỗ lớn để cung cấp nguyên liệu với trồng cây dược liệu và lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng.

Theo ông Lê Cẩm Long, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên, cho biết: Chi cục tiếp tục quản lý, bảo vệ có hiệu quả diện tích rừng theo quy hoạch; quản lý việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định; tăng cường kiểm tra, truy quét, phòng chống cháy rừng, nhằm ngăn chặn, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp.

Cùng với đó, đơn vị tăng cường thực hiện chuyển đổi số trong lâm nghiệp phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng như: Ứng dụng công nghệ viễn thám, công nghệ thông tin trong quản lý, bảo vệ, kiểm kê, điều tra rừng; phần mềm cảnh báo nguy cơ cháy rừng, cơ sở dữ liệu theo dõi diễn biến rừng, phần mềm quản lý cây xanh…

2-kiem-lam-thai-nguyen-2-1719450103.jpg
Ông Lê Cẩm Long - Chi cục Trưởng cùng cán bộ kiểm lâm kiểm tra, bám sát địa bàn.

Ngoài ra, đơn vị sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tập trung trồng rừng gỗ lớn, chuyển đổi cơ cấu giống theo hướng tăng tỷ lệ giống có năng suất, chất lượng và giá trị kinh kế cao; khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chế biến lâm sản nhằm đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm gỗ.

Chú trọng xây dựng các mô hình gắn kết cộng đồng địa phương tham gia quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; triển khai cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững cho các chủ rừng; khai thác các tiềm năng, thế mạnh của rừng để phát triển du lịch sinh thái./.

Bình Lâm