Khu du lịch sinh thái, bảo tồn văn hóa dân tộc Tày Thái Hải hiện nay có khoảng 30 ngôi nhà sàn được dựng theo nguyên bản từ nhà sàn của người Tày Định Hóa, Thái Nguyên. Nơi đây, dưới những nếp nhà sàn quần tụ trong không gian xanh mướt của những tán cọ, rừng keo tấp thoáng trong núi đồi là nơi bảo tồn các hiện vật và văn hóa dân gian truyền thống của đồng bào Tày, Nùng Việt Bắc.
Làng nhà sàn Thái Hải được chia làm nhiều khu với những chức năng riêng, gồm có khu bảo tồn, khu ẩm thực, khu vui chơi giải trí, tổ chức sự kiện… Khu bảo tồn là những ngôi nhà sàn dựng giữa những rừng cây, người dân cùng nhau sinh sống như một bản làng, mỗi ngôi nhà có khoảng 3 thế hệ, thậm chí 3 cặp vợ chồng trẻ sống chung, có những em bé được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này. Trong khu bảo tồn, mỗi gia đình có công việc và nhiệm vụ riêng, sản xuất thuốc Nam, trồng rau sạch, nấu rượu, làm bánh, làm chè… cung cấp sản vật phục vụ du khách.
Mỗi người, mỗi gia đình nơi đây không chỉ cùng nhau sản xuất mà còn hết sức duy trì, giữ gìn và phát huy những nét văn hóa của dân tộc mình. Từ những làn điệu hát then, trang phục truyền thống là những bộ áo chàm được người dân sử dụng hàng ngày đến ngôn ngữ giao tiếp là song ngữ Tày - Việt luôn được chú trọng giữ gìn.
Khu ẩm thực và tổ chức sự kiện được xây dựng liên kết để thực hiện chức năng tổ chức hội nghị, tiệc lớn, hoặc liên hoan, sinh nhật,… du khách có thể vừa thưởng thức các món ăn truyền thống độc đáo vừa ngắm cảnh sắc ven hồ. Ngoài ngôi nhà tre lợp lá cọ lớn vừa bình dị vừa mát mẻ mang đậm bản sắc Tày còn có những “chòi nhỏ” tạo không gian ấm cúng cho những nhóm nhỏ hay gia đình có thể ngồi bên nhau hàn huyên khi có những sự kiện riêng…
Du khách có thể lựa chọn những trải nghiệm tuyệt vời tại nơi đây. Đến với mỗi gia đình tại làng du lịch Thái Hải để trải nghiệm những món ăn truyền thống như xôi nếp cẩm, rượu nếp, nộm hoa chuối, các món ăn từ cá, gà chăn thả tự nhiên… hay thưởng thức làn điệu dân ca Tày qua đàn tính, hát then, cọi, lượn vừa mộc mạc, bình dị mà thiết tha do các hướng dẫn viên, các gia đình gửi tới du khách.
Chị Nguyễn Thị Yên, một hướng dẫn viên sống tại làng, chia sẻ: “Trong thời kỳ hội nhập, khoa học kỹ thuật phát triển, bên cạnh xu thế toàn cầu hóa ảnh hưởng không nhỏ đến văn hóa cổ truyền của dân tộc Việt Nam nói chung và dân tộc Tày nói riêng thì Khu bảo tồn Văn hóa Tày Thái Hải là nơi đang gìn giữ văn hóa truyền thống của người Tày, cụ thể hơn là người Tày Định Hóa, Thái Nguyên.
Đây là ý tưởng của bà Nguyễn Thị Thanh Hải, giám đốc khu bảo tồn. Hơn 20 năm về trước, bà đã lặn lội lên huyện Định Hóa tìm mua lại những ngôi nhà sàn của bà con chuyển về dựng trên cánh rừng này. Đồng thời, bà thuyết phục, động viên bà con dân tộc Tày trên đó về đây sinh sống, bảo tồn truyền thống văn hóa với mô hình tự cung tự cấp, từ cấy hái, chăn nuôi, trồng hoa màu… và tham gia hướng dẫn du khách trải nghiệm những nét văn hóa dân tộc Tày ở tại khu bảo tồn để tìm hiểu phong tục tập quán, văn hóa ẩm thực của người Tày”.
Anh Khương Văn Quang, một du khách đã có những trải nghiệm tại đây chia sẻ: “Đến tham quan Khu Bảo tồn Thái Hải tôi thấy dân tộc Tày có cuộc sống khá yên bình và mộc mạc, đặc biệt là cảnh quan rất thơ mộng, có núi đồi, sông nước, rừng cây, tạo nên không khí rất trong lành. Ẩm thực thì khá đa dạng và độc đáo với những đặc sản khó quên như rượu nếp, bánh khảo… Điều ấn tượng nhất với tôi là tất cả mọi người sinh sống ở đây đều mặc trang phục truyền thống của người Tày, tấm áo chàm mộc mạc, bình dị mà thật đẹp. Mọi người hãy đến đây để có những trải nghiệm thú vị như tôi”.
Khu bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc Tày tại làng Văn hóa du lịch Thái Hải chính thức khai trương phục vụ khách du lịch vào năm 2011, được Sở Văn hóa thể thao và Du lịch Thái Nguyên công nhận là điểm du lịch địa phương vào năm 2014. Mỗi người dân trong làng vừa là người nông dân chăm chỉ lao động sản xuất vừa là hướng dẫn viên du lịch tiếp đón nhiệt tình khi có khách. Khu bảo tồn là một mô hình du lịch gắn với bảo tồn văn hóa, góp phần phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng, nâng cao đời sống, và phát triển kinh tế cho người dân trong vùng./.