Khủng hoảng trầm tích tại Đồng bằng sông Cửu Long

Việc khai thác quá mức tài nguyên cát tại nước ta dẫn đến hiện tượng khủng hoảng trầm tích, làm thiếu hụt vật liệu xây dựng và sạt lở nghiêm trọng tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, môi trường sinh thái, đặc biệt là tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Khai thác không bền vững

Đồng bằng sông Cửu Long nằm ở phần hạ lưu sông Mêkong - nơi có trữ lượng cát lớn và là một trong những điểm khai thác cát chủ yếu ở nước ta. Hiện nay có khoảng hơn 80 doanh nghiệp được cấp phép khai thác với công suất 28 triệu tấn cát sông mỗi năm, tuy nhiên rất khó để xác thực khối lượng cát được khai thác trên báo cáo hàng năm với số lượng cát được khai thác thực tế mỗi ngày.

2ee-1654158620.jpg
(Ảnh: congluan.vn)

Theo Luật khoáng sản 2010, cát sông là vật liệu xây dựng thông thường nên việc khai thác cát trên địa bàn tỉnh do UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch, thăm dò, sử dụng và khai thác cát lòng sông. Dù vậy hiện tượng khai thác cát trái phép tại các địa phương vẫn diễn ra thường xuyên do nhu cầu về cát xây dựng và cát san lấp của người dân, doanh nghiệp ngày càng lớn. Một số doanh nghiệp được cấp phép khai thác vẫn chưa đảm bảo các quy định, giấy phép dẫn đến tình trạng sạt lở, biến đổi dòng chảy, mất an toàn giao thông đường thủy… Các đối tượng khai thác cát trái phép luôn sử dụng những thủ đoạn tinh vi nhằm qua mặt và gây khó khăn cho công tác điều tra, quản lý của địa phương. Chỉ riêng địa bàn tỉnh Vĩnh Long năm 2019 đã phát hiện và xử lý vi phạm về khai thác cát trái phép 437 vụ, với 643 đối tượng và xử phạt vi phạm hành chính hơn 5,7 tỷ đồng. Cùng năm 2019, Công an tỉnh Tiền Giang đã phối hợp với các ngành có liên quan kiểm tra, phát hiện 374 trường hợp vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính gần 12 tỷ đồng, tịch thu 18 phương tiện cùng nhiều tang vật có liên quan.

Lượng trầm tích được khai thác tại các lưu vực sông miền Tây hiện nay đang ngày một lớn nhằm đáp ứng các nhu cầu phát triển của con người và xã hội. Nhưng số lượng tài nguyên cũng chỉ có hạn, việc khai thác quá mức các nguồn tài nguyên này sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt lượng trầm tích nghiêm trọng trong tương lai, không thể đảm bảo sự phát triển bền vững của Đất nước.

Khủng hoảng và hậu quả lâu dài

Từ năm 1994 đến 2014, lượng trầm tích tại ĐBSCL đã giảm 50%. Theo dự đoán của các chuyên gia, khi toàn bộ các đập thuỷ điện trên dòng sông Mekong được xây dựng và vận hành thì lượng trầm tích trong tương lai có thể giảm tới 95%. Việc khai thác cát với số lượng ngày càng tăng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là làm xói mòn các nhánh sông, sạt lở bờ gia tăng (khoảng 500 ha/năm) đã làm vùng đồng bằng này thay đổi hình dạng. Bên cạnh đó, việc khai thác cát quá mức làm mất cân bằng bùn cát, hạ thấp đáy và thay đổi dòng chảy... Các chuyên gia dự báo, trong tương lai, lượng phù sa đổ về nơi này sẽ chỉ còn dưới 10%. Theo Bộ Xây dựng, tài nguyên cát sỏi tự nhiên của Việt Nam có thể cạn kiệt trong hơn 10 năm tới.

Theo tính toán của Viện vật liệu xây dựng thì nhu cầu sử dụng cát sông cho mục đích xây dựng hàng năm trên phạm vi toàn quốc khoảng 130 triệu m3. Tuy nhiên nguồn cung hợp pháp trên thực tế chỉ đáp ứng được từ 40-50% nhu cầu cát xây dựng. Chính vì thế, tình trạng khan hiếm cát đăng nằm trên mức báo động. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến các công trình trọng điểm của địa phương cũng như các dự án lớn của Nhà nước. Từ nay đến năm 2025, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ triển khai đồng loạt nhiều tuyến đường cao tốc với tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỉ đồng. Nhưng với khối lượng trầm tích thâm hụt như hiện nay (khoảng 25 triệu tấn hàng năm) thì trữ lượng cát xây dựng có đảm bảo để hoàn thành và đáp ứng đủ nhu cầu của dự án không? Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ và kinh phí xây dựng các dự án. ĐBSCL đang phải đối mặt với thực trạng thiếu cát ở ngay giữa mỏ cát.

Việc khai thác cát quá mức tại ĐBSCL còn dẫn đến các hiện tượng tự nhiên tiêu cực. Ông Lê Thanh Chương, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính trị sông và phòng chống thiên tai (Viện khoa học thuỷ lợi Việt Nam), cho biết, miền Tây hiện có hơn 620 điểm sạt lở với tổng chiều dài khoảng 610 km. Trong đó, gần 150 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm, dài 127 km; 137 điểm nguy hiểm, dài 193 km. Địa hình ĐBSCL bị biến dạng, trở nên méo mó và dần bị nhấn chìm trong biển. Bên cạnh đó, việc kKhông có dòng trầm tích (cát, bùn, sét) từ thượng nguồn và các phụ lưu của sông Mekong, đất phù sa của đồng bằng - đã được bồi lắng qua hàng ngàn năm - sẽ biến mất vào biển. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của khu vực, kinh tế Đất nước cũng như cuộc sống mưu sinh của người dân..

Mặc dù đã có sự can thiệp của Chính phủ cũng như các cấp chính quyền nhưng hiệu quả của động thái này vẫn chưa thể xác định được rõ do trữ lượng cát khai thác bền vững khó mà cân đo được nếu thiếu các dữ liệu khoa học về định lượng cát. Việc này đòi hỏi sự phối hợp từ nhiều nhà nghiên cứu môi trường, chính sách và các cơ quan chuyên ngành. Giữ ổn định lượng trầm tích không chỉ giúp định hình địa thế ĐBSCL mà còn đảm bảo nguồn cung cho ngành xây dựng một cách lâu dài, phục vụ cho sự phát triển bền vững của Đất nước.

Đặng Thuỳ Dương