5 giải pháp ‘tháo nút thắt’ logistics cho hàng nông sản Đồng bằng sông Cửu Long

Tại Diễn đàn “Hoàn thiện chuỗi dịch vụ logistics cho nông sản Đồng bằng sông Cửu Long” được tổ chức vào sáng 26/5, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết để phát triển kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), vấn đề cấp bách là cần tận dụng lợi thế nguồn hàng hóa nông sản, tập trung tăng cường liên kết vùng để tạo điều kiện thông thương hàng hóa nông sản một cách nhanh nhất.

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong cho biết thêm, ĐBSCL được xác định là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của cả nước và những năm qua vùng đã khai thác tốt được những lợi thế, bước đầu thành công trong tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng xoay trục sản phẩm chủ lực thủy sản, trái cây, lúa gạo chất lượng cao. Vùng đã hình thành các mô hình chuyên canh lúa, cây ăn trái và thủy sản áp dụng công nghệ cao, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, hiệu quả, tăng lợi thế cạnh tranh trên thương trường quốc tế.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thành Phong, điểm nghẽn lớn nhất đối với phát triển kinh tế ĐBSCL chính là hệ thống logistics kết nối tất cả các bên trong toàn bộ chu trình sản xuất tới tiêu dùng. Cụ thể, ĐBSCL đang là khu vực có chi phí logistics cao nhất, chiếm đến 30% giá thành sản phẩm và mâu thuẫn với đóng góp về hàng hóa của vùng.

z3445163736915-aab42c3f45bfd94df0a0d8790524809a-1653579281.jpg
Phát triển hệ thống logistics sẽ tạo sức bật cho ĐBSCL.

Theo thống kê, 13 tỉnh ĐBSCL hiện chỉ có 1.461 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, chiếm khoảng 4.39% số lượng doanh nghiệp logistics của cả nước. Trong đó, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp rất hạn chế, chủ yếu là các doanh nghiệp tự cung cấp hạ tầng logistics cho sản phẩm của mình, điều này làm gia tăng chi phí cho các doanh nghiệp, giảm sức cạnh tranh của nông sản ĐBSCL nói riêng và nông sản Việt nói chung.

Trước những thách thức trên, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, cần tận dụng lợi thế nguồn hàng hóa nông sản, tập trung tăng cường liên kết vùng, tạo điều kiện thông thương hàng hóa nông sản để giúp kinh tế vùng phát triển nhanh hơn bằng lợi thế vốn có.

Ông Trần Thanh Hải cũng đề xuất 5 giải pháp để phát triển logistics cho vùng. Thứ nhất, cần nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, tập trung vào quy hoạch logistics toàn vùng, hoàn thiện thể chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, thu hút đầu tư trong hoạt động logistics, đặc biệt là hoạt động đầu tư của các chủ dự án; tạo cơ chế cho nhà đầu tư; thúc đẩy đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông vận tải vùng ĐBSCL giai đoạn 2022 - 2025; điều chỉnh việc phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công; xúc tiến đầu tư theo hợp tác công tư.

Giải pháp thứ hai là hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng phục vụ logistics như đẩy mạnh đầu tư, tận dụng lợi thế sẵn có của phương thức vận tải đường thủy; cải tạo, nâng cấp các luồng tàu biển chính trong khu vực; phát triển cảng biển gắn với các trung tâm sản xuất hàng hóa, kêu gọi đầu tư cảng ngoài khơi để đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu trực tiếp cho vùng.

Thứ ba là đẩy mạnh phát triển những trung tâm logistics phục vụ hàng nông sản với những dịch vụ chủ yếu như vận tải, kho hàng, bảo quản hàng hóa và các dịch vụ giá trị gia tăng.

Thứ tư, tăng cường liên kết giữa các bên trong chuỗi cung ứng hàng nông sản: Người nông dân - thương lái - nhà máy chế biến - doanh nghiệp thương mại - doanh nghiệp logistics.

Và cuối cùng, cần nâng cao chất lượng dịch vụ logistics, chất lượng nguồn nhân lực logistics, đẩy mạnh ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0, hiện đại hóa trong hoạt động sản xuất, chế biến và hoạt động dịch vụ logistics.