Trên đây là một trong những nội dung được đề cập tại diễn đàn với chủ đề: “Thúc đẩy phát triển bền vững khu công nghiệp Việt Nam” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức vào sáng 28/7.
Các khu công nghiệp trử thành điểm sáng thu hút đầu tư
Tính đến ngày 20/02/2024, cả nước đã có 418 KCN đã thành lập. Trong số các KCN đã được thành lập, có 298 KCN đã đi vào hoạt động và 120 KCN đang trong quá trình xây dựng. Các KCN đã trở thành điểm sáng về thu hút đầu tư trong và ngoài nước, đóng vai trò quan trọng trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tại diễn đàn, các đại biểu cho biết, hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế đã góp phần quan trọng trong việc phát triển doanh nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế phát triển sản xuất công nghiệp, tham gia chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Dù có nhiều đóng góp vào thành tựu phát triển kinh tế- xã hội cho đất nước, song hiện các khu công nghiệp chưa tạo được sự cân bằng giữa kinh tế, môi trường và xã hội. Đó là sự phát triển thiếu đồng bộ, thiếu gắn kết; sử dụng kém hiệu quả các nguồn tài nguyên; ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường tự nhiên và môi trường sống của cộng đồng dân cư quanh khu công nghiệp.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2022 Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam VCCI, khảo sát thực trạng các khu công nghiệp theo khung kinh tế, môi trường, xã hội và quản trị với 19 nhóm chỉ tiêu chính, tại 118 khu công nghiệp trên cả nước cho thấy, có tới 50% khu công nghiệp chưa nghe đến khái niệm khu công nghiệp phát triển bền vững, 30% có nghe hiểu về khái niệm khu công nghiệp sinh thái, chỉ có 22% khu công nghiệp có chứng chỉ hệ thống quản lý quốc tế, đáng lưu ý 77% khu công nghiệp không có thông tin kiểm toán cấp doanh nghiệp về các mặt tài chính, xã hội và môi trường…
“Kết quả của nghiên cứu cũng phần nào chỉ ra một số “điểm nghẽn” trong các khía cạnh về nhận thức, xây dựng chính sách, quản trị của các khu công nghiệp liên quan đến việc phát triển bền vững các khu công nghiệp. Đây cũng có thể là những chỉ dấu cho các khuyến nghị về chính sách và hành động để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc xây dựng, vận hành các khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam”, ông Nguyễn Quang Vinh nói.
Trong chiến lược quốc gia và phát triển xanh giai đoạn 2021-2030, cũng như cam kết của Chính phủ tại COP26, là những yêu cầu bức thiết đặt ra trong việc thực hiện phát triển theo hướng xanh, bền vững. Theo xu hướng này, mô hình khu công nghiệp truyền thống sẽ được thay đổi và phát triển theo hướng bền vững, tiệm cận với yêu cầu quốc tế.
Các ý kiến cho rằng, để phát triển khu công nghiệp bền vững thời gian tới, nhà nước cần hoàn thiện thể chế, chính sách, mô hình phát triển và quản lý khu công nghiệp nhằm tạo đột phá trong thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa đất nước trên nền tảng năng suất, chất lượng, hiệu quả và bền vững. Xây dựng khu công nghiệp có sức hấp dẫn đầu tư, có tính cạnh tranh quốc tế, thu hút đầu tư có chọn lọc và nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên. Đến năm 2030 cần hình thành hệ thống khu công nghiệp phát triển ổn định, đồng bộ, hiện đại, hài hòa về kinh tế, môi trường và xã hội…
Phát triển các khu công nghiệp xanh là yêu cầu bức thiết
Bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, trong thời gian qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã rất nỗ lực để phát triển các mô hình khu công nghiệp mới theo định hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và đã thể chế hóa mô hình này tại các văn bản pháp quy.
Hiện nay cả nước có khoảng 418 khu công nghiệp đã được thành lập, trong đó có 298 khu công nghiệp đi vào hoạt động với tổng diện tích khoảng 92,2 nghìn ha. Vì vậy, dư địa để phát triển các khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp bền vững là rất lớn.
Ngoài ra, Chính phủ cũng quy định mô hình khu kinh tế có nhiều chức năng bao gồm cả khu công nghiệp. Do đó, việc phát triển đồng bộ, phát triển xanh trong hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế sẽ có những đóng góp tích cực và đáng kể vào nỗ lực chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết.
Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương đến tháng 8/2023, Việt Nam có 16 FTA đã ký kết và 3 FTA đang đàm phán. Trong các FTA này, những yêu cầu về chuỗi ngành hàng chuỗi giá trị và các khâu về sản xuất xanh sạch rất quan trọng, để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia vào thị trường khó tính. Đồng thời, mục tiêu để phát triển công nghiệp bền vững cũng đã được đưa vào các cam kết về phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
Tương tự, chiến lược Quốc gia và phát triển xanh giai đoạn 2021-2030 cũng như cam kết của Chính phủ tại COP26, là những yêu cầu bức thiết đặt ra đối với khu vực sản xuất công nghiệp để phát triển theo hướng xanh, bền vững.
Theo xu hướng này, mô hình khu công nghiệp truyền thống sẽ được thay đổi và phát triển theo hướng bền vững, tiệm cận với yêu cầu quốc tế. Nguyên lý của việc phát triển các khu công nghiệp bền vững bắt đầu từ sinh thái công nghiệp, chuyển đổi mô hình sản xuất theo nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn. Trong đó hệ sinh thái công nghiệp được phát triển như một hệ sinh thái tự nhiên và sản phẩm của quá trình sản xuất đầu ra này có thể là quá trình đầu vào của quá trình sản xuất khác. Tương tự, các sản phẩm phụ hay sản phẩm thải bỏ của một quá trình sản xuất cũng là nguyên liệu hữu ích đầu vào cho một quy trình sản xuất khác.
Như vậy, những định hướng phát triển bền vững, định hướng về hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn, cộng sinh công nghiệp đã được xây dựng. Trước hết là ở cấp độ doanh nghiệp, thì chuyển đổi sẽ tập trung vào các giải pháp hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn, những giải pháp về công nghệ ít carbon, sử dụng hóa chất, hoặc sử dụng năng lượng tái tạo,...
Theo bà Trần Tố Loan, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ, Chủ đầu tư khu công nghiệp Nam Đình Vũ nêu ý kiến, việc phát triển khu công nghiệp trở thành khu công nghiệp sinh thái không chỉ là bằng ý chí chủ quan và mong muốn của riêng chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, mà còn phải sự hợp tác chung tay của tất cả các doanh nghiệp trong khu. Đồng thời, cần sự hỗ trợ rất lớn của Chính phủ và cơ quan quản lý về thể chế chính sách.
“Hiện nay các khu công nghiệp bền vững, khu công nghiệp sinh thái đã có các quy định đầu tiên trong Luật và trở thành lợi thế cạnh tranh. Khi đã trở thành lợi thế cạnh tranh có những quy định cụ thể, sẽ tránh việc cạnh tranh không lành mạnh. Việc đưa đến môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn sẽ khuyến khích tất cả các doanh nghiệp thực hiện phát triển bền vững”, bà Loan nêu rõ./.