Diễn đàn Khu công nghiệp Việt Nam 2023: Chính sách tài chính xanh chưa thực sự đi vào cuộc sống

Thực hiện Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng Xanh, trong thời gian qua một số khu công nghiệp (KCN) đã phát triển theo hướng bền vững và thí điểm chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang KCN sinh thái, KCN thông minh, gắn hoạt động sản xuất công nghiệp với bảo vệ môi trường.
anh-dien-dan-1700127874.jpg
Diễn đàn KCN Việt Nam nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh.

Ngày 16/11, Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức Diễn đàn Khu công nghiệp Việt Nam 2023 với chủ đề “Hướng tới tăng trưởng xanh” tại TP.HCM với sự tham gia của hàng trăm diễn giả, nhà quản lý, chuyên gia và các doanh nghiệp.

Trong hơn 30 năm qua, các KCN và khu kinh tế (KKT) đã không ngừng phát triển, ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trở thành động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tiến trình đô thị hóa, làm thay đổi diện mạo của nhiều địa phương trên cả nước. Tính đến tháng 10/2023, ở nước ta đã có 413 KCN được thành lập, trong đó có 295 KCN đã đi vào hoạt động.

Thực hiện Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng Xanh, thời gian qua một số KCN đã phát triển theo hướng bền vững và thí điểm chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang KCN sinh thái, KCN thông minh, gắn hoạt động sản xuất công nghiệp với bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên thông qua hoạt động cộng sinh công nghiệp, kinh tế tuần hoàn.

Một số điển hình về phát triển KCN bền vững, thông minh như KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 tại Bà Rịa – Vũng Tàu, KCN Nam Cầu Kiền tại Hải Phòng. Việc thí điểm chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang KCN sinh thái cũng đang diễn ra tại KCN Khánh Phú và KCN Gián Khẩu ở Ninh Bình, KCN Hòa Khánh tại Đà Nẵng và KCN Trà Nóc 1&2 tại Cần Thơ.

Cùng với việc chuyển đổi các KCN truyền thống sang KCN sinh thái, Việt Nam đang hướng tới việc quy hoạch và xây dựng mới các KCN sinh thái.

Tuy nhiên, quá trình này cũng đang đối mặt với không ít khó khăn. Nổi lên là nguồn vốn rất hạn chế, chính sách tài chính xanh chưa thực sự đi vào cuộc sống; Còn thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp hình thành liên kết cộng sinh công nghiệp; Nhận thức về phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn chưa đầy đủ, một số địa phương chưa quyết liệt vào cuộc; Thủ tục thành lập mới các KCN nói chung và KCN sinh thái nói riêng còn phức tạp và mất nhiều thời gian…

anh-kcn-1700128120.jpg
Nhiều KCN tại Việt Nam đang thu hút nguồn vốn FDI.

Trong bối cảnh đó, Diễn đàn KCN Việt Nam năm 2023 nhằm chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và trong nước; phân tích, đánh giá xu hướng tất yếu và yêu cầu bức thiết về phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trên thế giới; thảo luận đề xuất các chính sách, giải pháp thiết thực nhằm thúc đầy phát triển KCN xanh, KCN sinh thái và KCN thông minh tại Việt Nam.

Đồng thời, Diễn đàn cũng là cơ hội để quảng bá, chia sẻ thông tin và kết nối đầu tư vào các KCN - KKT tại Việt Nam trong bối cảnh mới, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm xã hội của cộng đồng doanh nghiệp về phát triển kinh tế xanh, KCN sinh thái, góp phần thực hiện mục tiêu đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Theo ông Lương Trọng Nguyên, Phó Trưởng ban Quản lý KKT Dung Quất (Quảng Ngãi) cho biết, từ tháng 2/2023, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã giao cho ban KKT Dung Quất xây dựng quy hoạch 1/2000, định hướng theo quy hoạch là phát triển khu công nghiệp xanh, thông minh, bền vững, mang tính chuyên biệt cho KKT Dung Quất.

Trong KKT Dung Quất có 6 khu công nghiệp gồm 3 khu truyền thống và 3 khu mới. Ban quản lý thống nhất chuyển đổi dần KCN hiện hữu theo hướng xanh, đối với KCN mới phát triển theo hướng KCN sinh thái. Tuy nhiên, việc chuyển đổi đòi hỏi phải thay đổi công nghệ, thay đổi nhân lực, quy trình sản xuất thậm chí là chuyên sâu nên rất tốt kém.

Quốc Cường