Năm 2023 diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế chịu "tác động kép" từ các yếu tố bất lợi, nhiều khó khăn, thách thức nhưng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp của các ngành, địa phương, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, đã góp phần duy trì ổn định và phát triển các KCN theo định hướng đã đề ra.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong các KCN được duy trì, phát huy lợi thế và đạt được những kết quả khả quan. Các chỉ tiêu đề ra đều đạt trên 70%. Trong đó, thu hút đầu tư trong nước được 5.780 tỷ đồng, đạt 482% kế hoạch; thu hút đầu tư nước ngoài được 1,22 tỷ đô la Mỹ, đạt 100% kế hoạch. Chủ đầu tư đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, sớm đưa KCN đi vào khai thác; công tác an ninh trật tự tại các KCN ổn định, tạo điều kiện cho doanh nghiệp an tâm sản xuất.
Theo Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, địa phương này hiện có 28 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 93%, đưa Bình Dương trở thành địa phương có tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp cao nhất cả nước.
Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Bình Dương có 3.080 dự án khu công nghiệp còn hiệu lực, bao gồm 2.400 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 29 tỷ USD và 680 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 93.576 tỷ đồng.
Theo kế hoạch năm 2024, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh đặt mục tiêu thu hút khoảng 130 - 140 dự án đầu tư vào các khu công nghiệp, với tổng số vốn đầu tư nước ngoài khoảng 1,2 - 1,3 tỷ USD, thu hút 1.100 - 1.200 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước. Tổng vốn đầu tư xây dựng đạt 5.700 tỷ đồng, cho thuê và cho thuê lại đất 100 - 150 ha, thu hút 15.000 lao động, tổng doanh thu 35 - 40 tỷ USD.
Hiện nay, các khu công nghiệp VSIP III (giai đoạn 2), hơn 800 ha và khu công nghiệp Cây Trường 700 ha đang tiến hành hoàn thiện cơ sở hạ tầng, sẵn sàng mặt bằng sạch để đón thêm dòng vốn mới.
Giai đoạn 2023 - 2025, Bình Dương đầu tư 10 khu công nghiệp, với tổng diện tích sử dụng đất khoảng 3.154 ha.
Giai đoạn 2026 - 2030 là 19 khu công nghiệp, với tổng diện tích khoảng 5.537 ha. Trong đó, bao gồm việc tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh các khu công nghiệp của giai đoạn 2023-2025 chuyển sang với diện tích khoảng 2.063 ha và đầu tư mới thêm 9 khu công nghiệp với diện tích khoảng 3.474 ha.
Các khu công nghiệp này được đầu tư theo mô hình '3 trong 1' (khu công nghiệp - khu đô thị - khu dịch vụ) với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại. Nắm bắt những yêu cầu phát triển cũng như xu thế thu hút FDI thế hệ mới, Bình Dương đang tiếp tục chuyển hướng thu hút đầu tư có chọn lọc theo hướng tăng hàm lượng chất xám, khoa học công nghệ cao và thân thiện môi trường.
Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh đang tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh nhằm thích ứng với nền sản xuất mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tỉnh Bình Dương đang nâng cấp các khu công nghiệp hiện hữu trở nên thông minh hơn, đồng thời quy hoạch các khu công nghiệp mới hướng đến hiện đại, sinh thái.
Bình Dương đang được xem là “vùng trũng” đón sóng mạnh mẽ nhất từ xu hướng này. Các chuyên gia phân tích, Bình Dương là “thủ phủ” công nghiệp của cả nước, sở hữu vị trí liền kề TP. HCM, thông qua nhiều tuyến đường huyết mạch nối thẳng đến trung tâm đầu tàu kinh tế của cả nước.
Trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện đã thu hút được 3.800 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn gần 40.000 tỷ đồng và 726 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký trên 7 tỷ USD. Trong bán kính 10km, Bến Cát đang có nhiều khu công nghiệp hàng đầu như VSIP II (1.700ha), Mỹ Phước 3 (gần 700ha), Mỹ Phước 2 (800ha), Mỹ Phước 1 (gần 500ha)…/.