Không bỏ lỡ cơ hội đón sóng đầu tư mới

Để tiếp tục thu hút các nguồn lực thúc đẩy kinh tế- xã hội, đón sóng đầu tư mới, tỉnh Phú Thọ đang triển khai nhiều giải pháp mạnh cải thiện mạnh môi trường đầu tư kinh doanh. Phấn đấu đến năm 2025, xây dựng Phú Thọ là tỉnh phát triển hàng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

*Tăng nhanh số dự án đầu tư

Dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thời gian gần đây, số doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh Phú Thọ, nhất là thu hút vốn đầu tư nước ngoài ngày càng tăng cao, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Riêng trong năm 2021, tỉnh Phú Thọ thu hút được 86 dự án đăng ký mới, vốn đăng ký 19.495 tỷ đồng; trong đó, 12 dự án đầu tư nước ngoài, với vốn đăng ký 436 triệu USD, gấp 1,5 lần so giai đoạn 2016-2020, đưa Phú Thọ xếp thứ 14/63 tỉnh về thu hút đầu tư nước ngoài. Lần đầu tiên, tỉnh cấp mới dự án đầu tư nước ngoài quy mô 269 triệu USD trong thời gian nhanh nhất.

Lũy kế đến nay, tỉnh có 468 dự án vốn đầu tư trong nước hoạt động, vốn đăng ký 22.300 tỷ đồng, 238 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 2.412 triệu USD. Riêng trong năm 2021, tỉnh có 33 dự án; trong đó, có 5 dự án FDI hoàn thành đầu tư đi vào hoạt động, vốn thực hiện ước đạt 1.750 tỷ đồng.

Ông Kim Chan Kyu, Giám đốc điều hành Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mirae Soongwon Vina, 100% vốn đầu tư Hàn Quốc, nằm trong cụm công nghiệp thị trấn Yên Lập, huyện Yên Lập cho biết, qua nghiên cứu cho thấy những tiềm năng, lợi thế của địa phương rất hấp dẫn và lực lượng lao động dồi dào nên công ty quyết định đầu tư tại đây. Doanh nghiệp đã được các sở, ban, ngành của tỉnh và chính quyền địa phương tạo điều kiện để nhanh chóng xây dựng nhà máy với quy mô lớn, đạt đầy đủ các tiêu chuẩn để đưa vào sử dụng, sản xuất, giải quyết việc làm cho người lao động địa phương.

Ông Trình Thế Truyền, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh cho hay, nhờ có nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Cùng với thực hiện hiệu quả khâu đột phá về huy động nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng then chốt, phát triển nguồn nhân lực, cải cách hành chính, những năm gần đây tỉnh Phú Thọ đã thu hút được nhiều nhà đầu vào tỉnh.

Theo đó, nhiều nhà đầu tư lớn đến từ các nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Hoa Kỳ, Ấn Độ, với các lĩnh vực đầu tư như linh kiện điện tử; công nghiệp dệt may; sản xuất bao bì, hạt nhựa; chế biến thực phẩm… Nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn trong nước như FLC, Vingroup, Sun Group, Sông Hồng Thủ Đô cũng đã lựa trọn Phú Thọ là điểm dừng chân.

thi-truong-hang-hoa-2021-bai-3-nganh-det-may-vuot-covid-thanh-cong-220733-1639197014.jpeg
 Ảnh minh hoạ

Hoạt động của doanh nghiệp, nhất là các doan nghiệp nước ngoài đã mang lại nhiều kết quả nổi bật, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy đầu tư, xuất nhập khẩu và tăng thu ngân sách trên địa bàn, đóng góp tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng tỷ trọng công nghiệp.

Bên cạnh đó, những doanh nghiệp này cũng hình thành đội ngũ công nhân lao động có tác phong làm việc chuyên nghiệp; góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch lao động, thay đổi ngành nghề đào tạo; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

*Đón sóng đầu tư mới

Ông Bùi Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, để không bỏ lỡ cơ hội đón làn sóng đầu tư mới sau những nỗ lực phòng chống dịch COVID-19, tỉnh Phú Thọ đang thực hiện quyết liệt khâu đột phá về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; trong đó tập trung thực hiện tốt mô hình "một cửa liên thông" gắn với rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tạo đột phá về các chỉ số xếp loại trong năm 2022.

Tỉnh cũng đang chỉ đạo hoàn thành quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng bộ tiêu chí, danh mục dự án ưu tiên thu hút đầu tư, các dự án động lực giai đoạn 2021- 2025. Cùng đó, triển khai các chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, các lĩnh vực xã hội; hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện quy trình chấp thuận chủ trương đầu tư, giao đất, cho thuê đất.

Tỉnh cũng tiếp tục nghiên cứu, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư đối với các dự án đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài so với quy định; tập trung chỉ đạo rà soát, xác định rõ tiến độ, phân công rõ nhiệm vụ; tháo gỡ khó khăn cho các dự án, đôn đốc thúc đẩy tiến độ các nhóm dự án đầu tư sớm có mặt bằng sạch.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh để tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm tiến độ sớm đi vào hoạt động. Chủ tịch UBND tỉnh và các huyện thành thị cũng sẽ gặp gỡ trao đổi, đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh (định kỳ 2 lần/năm).

Ngay trong năm 2022, tỉnh Phú Thọ sẽ tăng cường chỉ đạo các địa phương hoàn thành thu hồi từ 800-1.000 ha đất sạch để bàn giao cho nhà đầu tư khởi công công trình theo cam kết. Rà soát, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ 400 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư; kiên quyết xử lý thu hồi các dự án vi phạm do chậm tiến độ. Tỉnh phấn đấu năm 2022 sẽ thu hút từ 20- 30 dự án đầu tư trọng điểm; vốn đăng ký từ 20- 25 nghìn tỷ đồng; trong đó đầu tư FDI từ 10- 12 nghìn tỷ đồng.

Đến năm 2025, tỉnh sẽ có khoảng 11.000 doanh nghiệp, tăng bình quân 12%/năm; trong đó, có 220 doanh nghiệp FDI; tạo việc làm mới cho từ 40 - 50 nghìn lao động; tiếp tục cải thiện thứ hạng các chỉ số, phấn đấu đến năm 2025: chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp hạng nhóm 15/63 của cả nước; chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) duy trì xếp hạng nhóm 15-20 của cả nước. Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) đạt tối thiểu 90%. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) ở trong nhóm "trung bình cao" phấn đấu đạt ở nhóm "cao nhất" của cả nước./.