Đầu tư và phát triển chợ trên địa bàn tỉnh Hà Giang: tiềm năng và hiện thực

Chợ là nơi diễn ra hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ bằng tiền tệ hoặc hiện vật. Chợ ra đời từ rất sớm trong lịch sử loài người, khi con người đã sản xuất được hàng hóa nhiều hơn nhu cầu tiêu dùng nên đem đi trao đổi với người khác để lấy tiền hoặc một loại hàng hóa khác.
cho-sung-trang-1639099158.jpg
Chợ phiên ở một xã vùng cao

Từ lâu, chợ phiên đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong đời sống của các tộc người vùng cao Hà Giang. Ngoài mục đích mua bán, trao đổi hàng hóa, chợ phiên còn là nơi giao lưu văn hóa của đồng bào các dân tộc nơi đây. Điều làm nên sức hấp dẫn của các phiên chợ ở Hà Giang là sau mỗi tuần làm việc, đồng bào dân tộc lại diện những bộ váy áo sặc sỡ đủ màu xuống núi đến với chợ, và xem đó như ngày hội; người già vui vẻ thăm hỏi nhau, lớp trẻ có cơ hội để tiếp xúc và làm quen với bạn khác giới và coi đó như một lần được gặp gỡ trao duyên.

Điểm đặc biệt là các chàng trai cô gái tìm bạn qua tiếng sáo, tiếng khèn, đàn môi... Tiếng sáo, tiếng khèn chứa đựng tình cảm mà họ muốn thổ lộ. Những sắc màu văn hóa của các phiên chợ ở Hà Giang đã tạo nên sự hấp dẫn cũng như sức sống trường tồn bởi chợ không chỉ đơn thuần là nơi mua và bán mà còn là nơi giao lưu văn hóa giữa các dân tộc anh em cùng sinh sống trên mảnh đất Hà Giang. Nói đến chợ ở Hà Giang mà không biết đặc điểm ấy sẽ rất khó cho việc quản lý, phát triển.

Căn cứ Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ; Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ; Quyết định số 6481/QĐ-BCT ngày 26/6/2015 của Bộ Công thương về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ toàn quốc đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2035;

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Hà Giang đã triển khai cụ thể hóa bằng các văn bản cụ thể, lập và phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh Hà Giang đến năm 2020 (tại quyết định số Quyết định số 2589/QĐ-UBND ngày 28/10/2016). Ban hành Quy chế đấu thầu kinh doanh, khai thác và quản lý chợ trên địa bàn tỉnh Hà Giang (Quyết định số 04/2019/QĐ-UBND ngày 12/02/2019); Ban hành quy định về Quy trình chuyển đổi mô hình kinh doanh, khai thác và quản lý chợ trên địa bàn tỉnh Hà Giang (Quyết định số 19/2020/QĐ-UBND ngày 08/6/2020 của UBND tỉnh Hà Giang ; Quyết định số 953/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hà Giang về việc đính chính Quyết định số 19/2020/QĐ-UBND ngày 08/6/2020 của UBND tỉnh);

Chuyển đổi mô hình quản lý từ Ban quản lý chợ truyền thống sang mô hình Doanh nghiệp, Hợp tác xã hạch toán độc lập để kinh doanh, khai thác và quản lý chợ. Mục tiêu chủ yếu của chuyển đổi là;

- Chuyển đổi mô hình hoạt động chợ là cấp thiết để đầu tư, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất phù hợp với quy mô và tính chất của các loại hình chợ trên địa bàn; bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, phát huy tốt vai trò của chợ tạo điều kiện thuận lợi cho các tiểu thương và người dân mua bán, trao đổi hàng hóa, tăng thu ngân sách địa phương. Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư giảm được gánh nặng cho ngân sách nhà nước theo mô hình quản lý cũ đồng thời phát triển thị trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

- Đưa hoạt động chợ đi vào nền nếp văn minh, tính chuyên nghiệp cao hơn, hiệu quả hơn; Công tác quản lý được công khai minh bạch, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Doanh nghiệp, HTX được giao quản lý chợ và tự kinh doanh theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.

- Yêu cầu quá trình chuyển đổi mô hình hoạt động chợ được thực hiện công khai, minh bạch, đúng pháp luật, được các tiểu thương và nhân dân ủng hộ; lựa chọn được những doanh nghiệp, HTX có đủ năng lực để vận hành chợ hoạt động hiệu quả.

lich-cho-phien-ha-giang-1639099225.jpg
Ảnh minh họa

Từ năm 2018 đến nay đã có 10/159 chợ (17 chợ thường xuyên; 142 chợ phiên) trên địa bàn Tỉnh Hà Giang được chuyển đổi mô hình quản lý từ Ban quản lý chợ truyền thống sang mô hình Doanh nghiệp, Hợp tác xã hạch toán độc lập để kinh doanh, khai thác và quản lý chợ. Mô hình này đã và đang hoạt động hiệu quả, các huyện, thành phố đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện chuyển đổi các chợ trên địa bàn theo Đề án được phê duyệt.

Việc thực hiện thành công chuyển đổi mô hình hoạt động chợ sẽ góp phần thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ trên địa bàn. Từ những cơ chế chính sách rất cụ thể, tỉnh Hà Giang đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển chợ, kêu gọi thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng mới các chợ đã được quy hoạch, chỉ đạo các cấp các ngành hỗ trợ trong việc thực hiện các chế độ chính sách thu hút đầu tư, tạo nhiều cơ hội cho các Doanh nghiệp, HTX có điều kiện tham gia đấu thầu quản lý chợ trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Góp phần tạo công việc làm và tăng thu nhập cho người lao động trên địa bàn. Tuy vậy, điều mà chúng ta hướng tới là phát triển hàng hóa, phát triển OCOP với chất lượng cao hơn. Nếu vẫn chỉ “tự sản, tự tiêu” thì giá trị của mô hình quản lý cũng chỉ giới hạn.

Hiệp hội Đầu tư xây dựng - Dịch Nông Lâm Nghiệp Việt Nam sẽ là cánh tay nối dài từ Trung ương đến Địa phương tập hợp, liên kết các doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức, cá nhân, hỗ trợ cho Tỉnh Hà Giang đầu tư xây dựng các chợ, hình thành các kho, tổng kho, đẩy mạnh giao lưu buôn bán hàng hóa, đặc biệt là nông sản, đặc sản của tỉnh với các tỉnh bạn thậm chí xuất khẩu ra nước ngoài, giải quyết 1 phần “nút thắt” về tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân, nâng cao giá trị hàng hóa, đồng thời tạo chuỗi giá trị từ sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm để phát triển kinh tế, tăng thu nhập, đảm bảo việc làm cho người lao động, mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp và người dân, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chợ là thước đo giàu nghèo của một vùng, sự phong phú của hàng hóa phản ánh rõ nét điều đó. Nhưng các chợ phiên ở Hà Giang phần lớn mang bản sắc khác. Đi chợ cũng có nghĩa là đi hội, và chợ ngoài ý nghĩa là nơi mua bán trao đổi còn có ý nghĩa là nơi trao gửi tâm tình, nơi tiếp thụ thông tin. Lồng ghép được đặc điểm ấy sẽ giải quyết được cả hai bài toán kinh tế và chính trị xã hội. Đây chính là điểm cần bàn có thể khai thác khi làm kinh tế, du lịch, do vậy, khi xây dựng mô hình quản lý chợ không thể không tính đến yếu tố ấy.

Hy vọng Văn phòng đại diện Hiệp hội Đầu tư Xây dựng và Dịch vụ nông lâm nghiệp Việt Nam tại tỉnh Hà Giang sẽ phát huy cao vai trò trách nhiệm là cầu nối đồng hành cùng Hiệp Hội triển khai tổ chức thực hiện, đáp ứng yêu cầu mục tiêu phát triển./.