Việc chuyển đổi số là vấn đề sống còn trong phát triển kinh doanh và tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp thương mại điện tử. Thông tin này được Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh tại Hội thảo “Phát triển thị trường cho doanh nghiệp thương mại điện tử trong bối cảnh chuyển đổi số” tổ chức ngày 17/11 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tại Hà Nội.
Thương mại điện tử bùng nổ
Theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ, nhất là việc ứng dụng sâu rộng các thành tựu công nghệ sẽ tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong quá trình phát triển. Chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn.
Đưa ra dẫn chứng cụ thể, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2021 vừa được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số công bố mới đây cho thấy, những năm qua, Việt Nam liên tục ghi nhận mức tăng trưởng mạnh cả về tỷ lệ người dân sử dụng internet cũng như số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến.
Cùng với đó, giá trị mua sắm doanh thu thương mại điện tử giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng (B2C) liên tục tăng mạnh trong 5 năm qua. Theo thống kê, nếu như năm 2016 con số này đạt 5 tỷ USD thì đến năm 2019 mức doanh thu đã tăng gấp đôi, đạt hơn 10 tỷ USD và năm 2020 là 11,8 tỷ USD, với mức tăng trưởng 18 % so với năm trước.
Đặc biệt, thị trường thương mại điện tử toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục có những bước tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu trong những năm tới. Đáng lưu ý, từ khi bắt đầu đại dịch đến nửa đầu năm 2021, Việt Nam đã có thêm 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới với 55% trong số họ đến từ các khu vực không phải thành phố lớn. Hơn nữa, có tới 99% người tiêu dùng kỹ thuật số Việt Nam có ý định tiếp tục sử dụng các dịch vụ trực tuyến trong tương lai cho thấy mức độ gắn bó rất cao với các dịch vụ, sản phẩm thuật số của người dùng Việt Nam.
Tham luận tại hội thảo, các chuyên gia nhận định, Việt Nam vẫn là một trung tâm đổi mới hấp dẫn khi nguồn vốn toàn cầu tiếp tục đổ vào. Hoạt động thương vụ, đầu tư tăng vọt trong nửa đầu năm 2021 đạt mức cao kỷ lục 1,37 tỷ USD, vượt qua các khoản đầu tư cả năm của những năm gần đây, được thúc đẩy bởi sự quan tâm đầu tư vào các công ty khởi nghiệp kỹ thuật số trong lĩnh vực thương mại điện tử (e-commerce), tài chính (fintech), sức khỏe (healthtech) và giáo dục (edtech).
Theo các chuyên gia, thị trường thương mại điện tử đang trở thành một hình thái kinh doanh phổ cập của doanh nghiệp và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Đặc biệt trong năm 2020 và 2021, trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong kinh doanh thì thị trường thương mại điện tử đã trở thành kênh kinh doanh hữu hiệu giúp các doanh nghiệp vừa giao dịch được với khách hàng, vừa đảm bảo các yêu cầu trong phòng chống dịch.
Vì vậy, thời gian tới thương mại điện tử sẽ là xu hướng mua sắm mới với tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Đây là cơ hội tốt giúp các doanh nghiệp sản xuất phục vụ khách hàng mọi lúc mọi nơi, mang tiện ích và trải nghiệm tốt đến cho người tiêu dùng.
Hơn nữa, thương mại điện tử tăng trưởng ấn tượng cũng buộc doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải chuyển dịch mới kịp thời đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, mặc dù thị trường thương mại điện tử đang phát triển khá nhanh và ấn tượng nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.
Chẳng hạn như quy mô phát triển thương mại điện tử giữa các địa phương chưa đồng đều; việc sử dụng tiền mặt trong các giao dịch thương mại điện tử vẫn còn khá phổ biến; thách thức cạnh tranh giữa các sàn thương mại điện tử trong nước với sàn nước ngoài; niềm tin của người tiêu dùng với các giao dịch trực tuyến chưa cao.
Ngoài ra, thách thức về an toàn, an ninh mạng và bảo mật cá nhân trong các giao dịch thương mại điện tử cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp.
Mặt khác, hoạt động vận tải giao nhận hàng hóa chưa đáp ứng yêu cầu, nhân lực hiểu rõ và tham gia vận hành hệ thống thương mại điện tử còn thiếu... Những khó khăn này đòi hỏi cả sự đồng hành cùng tìm giải pháp để phát triển thị trường cho các doanh nghiệp đang chuyển đổi và các cơ quan quản lý nhà nước.
Chủ động thích ứng
Chia sẻ về những kinh nghiệm thực tế, ông Nguyễn Huy Hoàng - Giám đốc phát triển Đối tác Kinh doanh của Lazada Việt Nam cho hay, do chưa trang bị về tư duy kinh doanh trên nền tảng số nên nhiều doanh nghiệp Việt vẫn loay hoay với những khó khăn do thiếu dữ liệu trên nền tảng số.
Cùng với đó là khả năng tiếp cận khách hàng trong bối cảnh người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu do đại dịch cũng như bài toán đầu tư về chi phí vận hành. Tuy nhiên, nếu làm tốt các vấn đề này, các doanh nghiệp có thể dễ dàng thích ứng với sự phát triển của xã hội cũng như đáp ứng các nhu cầu của người tiêu dùng.
Theo ông Ông Như Bình-Giám đốc kinh doanh chiến lược Teko Việt Nam, hiện nay vẫn còn khá nhiều doanh nghiệp truyền thống đặt vấn đề lợi nhuận lên rất nhiều trong quá trình chuyển đổi số trong khi vẫn chưa có nền tảng ổn định để tạo ra lợi nhuận.
Không những thế, việc mở rộng kênh bán, kênh chăm sóc khách hàng, tích hợp tối ưu các công nghệ mới như dữ liệu, bảo mật khách hàng, phương thức điều hành, quy trình làm việc, văn hóa doanh nghiệp… lại đòi hỏi sự đầu tư về tài chính và giải pháp từ doanh nghiệp khiến họ dễ nản và bỏ cuộc.
Còn theo ông Bùi Quốc Anh - Phụ trách sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart, dịch COVID-19 kéo dài cũng khiến chuỗi cung ứng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự thiếu hụt đầu vào sản xuất. Cùng với đó, các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội và khó khăn trong vận hành các tuyến vận tải biển, chiếm tới 90% lưu lượng vận chuyển hàng hóa quốc tế.
Mặc dù Postmart tập trung phục vụ các mặt hàng nông sản, các sản phẩm thiết yếu để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng nhưng do tình hình dịch bệnh khiến gặp khó khăn, hạn chế nhiều trong vận chuyển liên vùng, liên tỉnh. Đặc biệt, đối với mặt hàng nông sản, do đặc thù ngành hàng nên việc vận chuyển giao vận vẫn chưa được nhanh.
Chính vì vậy, ông Bùi Quốc Anh kiến nghị, việc kiểm soát chi phí vận chuyển ở mức hợp lý là yêu cầu lâu dài của doanh nghiệp bởi chi phí này ảnh hưởng rất lớn tới giá cả các mặt hàng nhất là nông sản của Việt Nam và cũng ảnh hưởng tới mức giá mua nguyên liệu cho nông dân. Vì vậy, hỗ trợ cho doanh nghiệp chính là tìm các giải pháp cho khâu logistics; đồng thời, doanh nghiệp cần đẩy mạnh chuyển đổi số, hướng tới phát triển bền vững và đa dạng hóa kênh bán hàng.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Đắc Việt Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sendo cho rằng, trong bối cảnh dịch COVID-19, người dân và các doanh nghiệp đều đã có sự thay đổi nhận thức trên nhiều phương diện của chuyển đổi số. Vì thế, việc thúc đẩy, tạo làn sóng tích cực cho thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam nhất là định hướng phát triển nền tảng thanh toán không tiền mặt dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ là điều vô cùng cần thiết.
Theo ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, để tạo thị trường trong bối cảnh mới, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh nhạy tận dụng cơ hội đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nắm bắt công nghệ để phát triển thị trường. Đồng thời, sự phối hợp của các bộ, ngành và các doanh nghiệp cũng là yếu tố quyết định thành công của bước tiến chuyển đổi số cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay./.