Theo số liệu thống kê, năm 2021, thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh là 289.895 tỷ đồng, cao hơn khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (217.259 tỷ đồng), doanh nghiệp nhà nước (168.582 tỷ đồng).
Trong Sách trắng năm 2022 do Tổng cục Thống kê biên soạn cũng ghi nhận, ở giai đoạn 2016-2020, bình quân mỗi năm doanh nghiệp ngoài nhà nước thu hút nhiều lao động nhất với 8,8 triệu lao động, chiếm 60,1% tổng lao động toàn bộ doanh nghiệp. Doanh nghiệp FDI thu hút 4,7 triệu lao động, chiếm 32%. Doanh nghiệp nhà nước thu hút 1,1 triệu lao động, chiếm 7,9%.
Khu vực kinh tế tư nhân thời gian qua đã tạo ra khoảng 40% GDP, 30% ngân sách Nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động. Tỷ lệ đóng góp thuế thu nhập doanh nghiệp chiếm khoảng 34,1%, cao hơn mức đóng góp 27,7% của các doanh nghiệp Nhà nước.
Còn theo dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023, tiếp tục đặt ra mục tiêu thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh cao nhất với 312.919 tỷ đồng; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 229.714 tỷ đồng; thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước 168.582 tỷ đồng.
Đó là những con số cho thấy doanh nghiệp dân doanh trong nước đã và đang đóng góp ngày càng lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội đất nước. Nhưng những khó khăn bộn bề vẫn đang từng ngày bủa vây doanh nghiệp như tín dụng khó khăn, lãi suất cao, chính sách còn chưa nhất quán, môi trường kinh doanh rủi ro...
Tại Diễn đàn “Tái định vị doanh nghiệp để phát triển bền vững” mới đây, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá bức tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam năm 2023 đã nêu bật rất nhiều vấn đề cần phải chú ý.
Theo đó, ngay từ quý 4/2022 nền kinh tế Việt Nam đã bộc lộ những tín hiệu hết sức khó khăn khi tốc độ suy giảm trong tăng trưởng xuất khẩu nhiều ngành hàng và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao khi nhiều công ty bắt đầu sa thải lao động. Nhìn vào một số lĩnh vực như các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài năm 2022, mặc dù vốn thực hiện có tăng, nhưng vốn đăng ký mới lại có dấu hiệu giảm. Trong thời gian tới, có những bối cảnh mới, sự rung lắc của rất nhiều thị trường toàn cầu, thuế tối thiểu toàn cầu,... khiến cho năng lực cạnh tranh của Việt Nam - đất nước tiếp nhận đầu tư sẽ có dấu hiệu giảm.
Vì vậy, theo ông Tuấn, nền kinh tế của một đất nước chỉ có thể phát triển vững mạnh nếu có khu vực kinh tế tư nhân trong nước vững mạnh. Chính vì thế, một số chính sách cần phải khơi thông.
"Để tiếp tục thúc đẩy hơn nữa phát triển kinh tế tư nhân trong nước, khi theo dõi các bộ, ngành, các lĩnh vực trong thời gian vừa qua, nhiều cải cách thủ tục hành chính và cắt giảm thủ tục mà những người đứng đầu Quốc hội và Chính phủ phải nhấn mạnh nhiều lần đã được thực hiện tốt hay chưa, ở các bộ, ngành liệu đã thực hiện đều hay chưa, đã phải là ưu tiên chính sách hay chưa? Theo góc nhìn của tôi, thì đó là chưa vì các cơ quan này còn có những mối quan tâm khác và cho rằng đây chưa phải là trọng tâm chính sách”, ông Tuấn bày tỏ.
Theo Phó Tổng Thư ký VCCI, trong thời gian vừa qua, chúng ta chưa nhìn thấy sự bứt phá mạnh mẽ, quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, liên thông thủ tục hành chính, có thể do bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã tác động mạnh. Tuy nhiên, bản thân những cải cách này cũng chưa mạnh dạn.
Bên cạnh đó, ông Tuấn cho hay, hiện nay, khá nhiều ngành lĩnh vực rủi ro, từ các nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp lớn đến doanh nghiệp nhỏ; công tác tham vấn truyền thông chính sách còn nhiều bất cập. Giao dịch kinh tế dân sự đã chuyển từ truyền thống sang hình thức trên mạng, như vậy có thể mất vài giây để tiến hành một giao dịch kinh tế, nhưng nếu có tranh chấp, xung đột lẫn nhau thì cơ chế giải quyết có thể mất hàng năm. Điều đó cho thấy sự lệch pha và tạo ra chi phí rủi ro trong hoạt động kinh doanh rất nhiều.
Ông Đậu Anh Tuấn cũng nói thêm, trong thời gian vừa qua, việc cổ phần hóa doanh nghiệp còn chậm, chúng ta chưa phát huy được năng lực quản trị của khối tư nhân trong việc quản lý các tài sản của Nhà nước.
Để khơi thông về thể chế, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh một số giải pháp như: Một là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên mọi ngành, mọi cấp. Giải pháp này sẽ hỗ trợ được rất nhiều doanh nghiệp giảm chi phí, công bằng và hướng tới những mục tiêu phát triển bền vững hơn.
Hai là, áp dụng công nghệ thông tin một cách thực chất. Theo báo cáo, việc áp dụng công nghệ thông tin ở nhiều ngành nhiều cấp rất cao, nhưng mỗi người tự thực hiện thủ tục hành chính sẽ biết được để thực hiện một cách trót lọt trên hệ thống điện tử không dễ dàng, cho nên ở khía cạnh doanh nghiệp cũng như vậy.
Ba là, cần phải tăng tính ổn định, dự đoán của chính sách pháp luật. Nhiều doanh nghiệp cho biết hiện nay rủi ro của pháp luật lớn hơn rủi ro từ thị trường, vì vậy chúng ta cần phải cải cách mạnh mẽ hơn nữa.
Bốn là, cần phải phát huy vai trò của thị trường trong đó có một số ngành như thị trường xăng dầu. Hiện nay bất cập của thị trường xăng dầu là cách thức quản lý, can thiệp của Nhà nước vào thị trường.
Năm là, xây dựng giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài, bảo hộ một cách hợp lý, hợp pháp nhưng thị trường trong nước cũng cần chính sách khôn ngoan. Đây sẽ là thách thức của Việt Nam trong thời gian tới, chúng ta có lợi thế không hề nhỏ về quy mô thị trường, dân số,... Nếu chúng ta ban hành những chính sách bảo hộ thị trường một cách phù hợp, khuyến khích doanh nghiệp trong nước phát triển là yếu tố rất quan trọng.
Sáu là, cần phải cải thiện kinh tế vĩ mô, tài chính công, cải cách mạnh mẽ thị trường vốn. Trong năm vừa qua, việc điều chỉnh lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán cũng là vấn đề ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp rất nhiều./.