Nội dung trên là chủ đề được bàn thảo tại Diễn đàn xúc tiến đầu tư trực tiếp nước ngoài và thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm dừa do UBND tỉnh Tiền Giang phối hợp Cục Hợp tác Quốc tế- Hiệp hội Dừa Việt Nam tổ chức. Diễn đàn đã thu hút sự quan tâm của các hợp tác xã, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng dừa trong và ngoài nước.
Bên cạnh những cơ hội lớn, ngành dừa vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức
Thông tin tại Diễn đàn cho thấy: Ngành dừa Việt Nam thời gian qua đã có bước phát triển mạnh mẽ, diện tích tăng lên gần 200.000ha, không chỉ là nguồn sinh kế cho hàng triệu hộ nông dân mà còn đang vươn mình ra thế giới, trở thành sản phẩm xuất khẩu tiềm năng với kim ngạch dự kiến đạt trên 1 tỷ USD vào năm nay. Cả nước ta có 25 tỉnh thành có mô hình trồng dừa chuyên canh với gần 200 nghìn ha; trong đó có 80% tỉ lệ cho trái.
Tại diễn đàn, các đại biểu cho rằng, bên cạnh những cơ hội lớn, ngành dừa vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức: từ xây dựng thương hiệu, đầu tư chế biến sâu, xây dựng chuỗi liên kết bền vững đến phát triển cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu còn hạn chế. Sản phẩm từ cây dừa không chỉ là dầu, đường mà còn là năng lượng sinh học. Những yếu tố này đòi hỏi sự đầu tư bài bản và định hướng chiến lược để ngành dừa không chỉ dừng lại ở mức xuất khẩu nguyên liệu thô mà còn phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Đặc biệt, chất lượng trái dừa ở một số địa phương chưa ổn định, năng suất chưa cao, chưa đồng đều, còn chịu tác động của biến đổi khí hậu nhất là hạn mặn gây ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng trái dừa thương phẩm. Ở thời điểm này, dù giá dừa nguyên liệu đang ở mức cao nhưng thiếu nguồn nguyên liệu. Một số doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng dừa không đủ sản phẩm cung ứng cho đối tác.
Bà Nguyễn Thị Linh, Vụ Hợp tác quốc tế cho biết, ngành dừa là một mô hình tích hợp đa giá trị, thể hiện đầy đủ nông nghiệp tuần hoàn. Đầu tư phát triển ngành công nghiệp dừa không chỉ đơn thuần là đầu tư vào một ngành sản xuất, thương mại mà chúng ta đang đầu tư để đem lại giá trị của lối sống.
“Cây dừa từ hoa, lá, trái, trong trái thì từ xơ dừa, cùi dừa, sọ dừa đều đem lại những sản phẩm có ý nghĩa đối với an ninh lương thực, cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp sản xuất mỹ phẩm, y tế, tơ sợi. Tuy nhiên, phần năng lượng từ dừa (xăng sinh học và than hoạt tính) mới chính là phần có giá trị nhất”, bà Linh nói.
Bà Linh cũng cho biết thêm, toàn thế giới có 225 quốc gia có nhu cầu nhập khẩu mặt hàng dừa nhưng đến thời điểm này chỉ có 179 quốc gia có mặt hàng này để xuất khẩu, trong đó có từ 5-6 quốc gia đạt sản lượng xuất khẩu trên 90% (đứng đầu là Philippines, Indonesia, Malaysia, Việt Nam và Hà Lan). Qua đó, cho thấy tiềm năng lớn của ngành chế biến, xuất khẩu dừa Việt Nam.
Dù là cây công nghiệp nhưng so với một số cây ăn quả khác hiệu quả kinh tế chưa cao, các chính sách hỗ trợ người trồng dừa ở nước ta còn hạn chế; công tác xúc tiến thương mại ngành dừa còn khiêm tốn; đặc biệt cây dừa đang đứng trước dịch bệnh tấn công. Ngành dừa cần được quan tâm hơn không chỉ nhằm thúc đẩy xuất khẩu mà còn xây dựng ngành dừa Việt Nam trở thành một ngành hàng bền vững, tích hợp đa giá trị, góp phần phát triển nền kinh tế tuần hoàn – một xu thế tất yếu của thế giới.
Tạo động lực thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy xuất khẩu
Tại Diễn đàn, các đại biểu còn thảo luận các giải pháp và chính sách hỗ trợ phát triển ngành dừa nhằm tạo động lực thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy xuất khẩu; xây dựng giải pháp phát triển bền vững, chia sẻ các sáng kiến, kinh nghiệm và mô hình thành công trong việc phát triển chuỗi giá trị dừa – từ vùng nguyên liệu đến chế biến và xuất khẩu; kết nối đối tác trong và ngoài nước.
Tỉnh Tiền Giang có hơn 20.000 ha dừa chuyên canh. Tiền Giang và các địa phương có diện tích dừa trong cả nước đang chung tay nỗ lực tạo ra các điều kiện thuận lợi nhất để thu hút đầu tư, đưa trái dừa và các sản phẩm từ dừa xuất khẩu ra nước ngoài.
Nhờ mở cửa cho trái dừa tươi bước vào các thị trường khó tính nên ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh các sản phẩm từ dừa. Tuy nhiên sự trỗi dậy chưa đồng đều và còn nhiều khó khăn, bất cập, làm giảm sức hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào ngành dừa Việt Nam.
Theo ông Cao Bá Đăng Khoa, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội dừa Việt Nam, trừ tỉnh Bến Tre, các địa phương có dừa chưa quan tâm xây dựng thương hiệu, chưa truyền thông rộng rãi về diện tích, đặc điểm thuận lợi và các chính sách ưu đãi thu hút nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu cơ hội đầu tư.
Bên cạnh đó, giao thông nông thôn không thuận tiện làm hạn chế thu mua, vận chuyển, khó khăn cho nhà đầu tư. Người nông dân còn thiếu thông tin về tốc độ phát triển, giá dừa từng thời điểm, thiếu sự kích thích cho người nông dân và doanh nghiệp thu mua.
Các chương trình phòng ngừa và ứng phó dịch bệnh, hạn mặn chưa được quan tâm kịp thời làm ảnh hưởng đến giá trị các vùng nguyên liệu. Ngoài ra, các địa phương chưa được thành lập các quỹ hỗ trợ công tác chăm sóc và xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư. Đây là những nguyên nhân khiến ngành dừa chưa thực sự cất cánh một cách chủ động trên thị trường quốc tế.
Bà Trần Thị Hơn, Giám đốc công ty TNHH Thương mại Xuất khẩu Quốc tế Ngọc Trà (tại xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) tham dự Diễn đàn chia sẻ: “Tôi muốn tham gia Diễn đàn để tìm được nguồn xuất khẩu, để đưa trái dừa mình ra tầm thế giới. Vì hiện tại doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề nhập nguyên liệu, giá dừa đang rất cao mà giá bán ra rất thấp. Hiện tại, dừa treo buồng không đủ nguyên liệu nhưng giá bán ra không tăng. Tôi muốn gặp các hộ, hợp tác xã thu mua dừa để liên kết có giá nguyên liệu ổn định để sau này xuất khẩu ổn định hơn”./.