Quảng cáo #128

Thương mại xanh và công bằng là xu hướng phát triển tất yếu của thương mại toàn cầu đòi hỏi doanh nghiệp thích ứng

Xu hướng “xanh hóa” tiêu dùng đang lan rộng ở những thị trường có thu nhập cao, nhằm khuyến khích nhà cung cấp bảo vệ môi trường, có quy trình sản xuất xanh, không được phá rừng, không thải ra chất độc hại. Để tận dụng tốt hơn ưu đãi từ FTA song phương, doanh nghiệp Việt buộc phải chú ý tới thương mại xanh và công bằng.
xanh-hoa-xuat-khau-1-1734481167.jpg
Các DN chế biến rau quả XK cần tiên phong thúc đẩy “xanh hóa” chuỗi cung ứng để thích ứng với yêu cầu mới.(Ảnh minh họa)

Việt Nam có những lợi thế về phát triển những sản phẩm xanh

Nhận định Việt Nam có những lợi thế về phát triển những sản phẩm xanh, ông Nguyễn Cảnh Cường - Nguyên Tham tán công sứ Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh cho biết, yêu cầu từ thị trường Anh sẽ là thách thức song cũng trở thành cơ hội và những doanh nghiệp Việt Nam có khả năng chuyển đổi hay tăng tỷ lệ các sản phẩm xanh và chuyển đổi sản xuất của mình theo hướng xanh hơn, sạch hơn, ít phát thải hơn thì sẽ được các bạn hàng ở Vương quốc Anh hoan nghênh hơn.

“Tại thị trường Anh, phần lớn người tiêu dùng có thu nhập cao và sẵn sàng trả thêm tiền cho những sản phẩm xanh, sạch hơn. Do đó, kể cả trường hợp giá bán sản phẩm có cao hơn bởi chi phí sản xuất, nhưng sản phẩm đó vẫn có thể được hoan nghênh nên số lượng có thể không tăng nhiều nhưng giá vẫn cao hơn, vẫn có thể được người tin dùng Anh chấp nhận. Đây là một cơ hội cho những doanh nghiệp Việt Nam có thể đáp ứng được yêu cầu”, ông Cường thông tin.

Thời gian qua, Việt Nam đã có sự chuẩn bị rất chủ động, tích cực và đã có những bước đi khá rõ nét để hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu về kinh tế xanh, thương mại xanh của thị trường xuất khẩu nói chung, và thị trường Anh nói riêng. TS. Lê Huy Huấn, Điều phối viên Chương trình Tăng trưởng Xanh và biến đổi khí hậu toàn cầu Việt Nam (CCG Việt Nam) cho rằng, Việt Nam đã và đang xây dựng nhiều những chính sách hướng đến chuyển đổi xanh, phục vụ cho cả quá trình thương mại xanh.

“Đơn cử như dệt may - một trong lĩnh vực chịu áp lực rất lớn về việc phải giảm phát thải để đáp ứng các tiêu chuẩn các thị trường quốc tế. Nhưng bằng sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhiều doanh nghiệp dệt may đã có sự chuyển đổi trong quy trình sản xuất và tạo ra sản phẩm sử dụng các loại vải tái chế, sợi vải tái chế, quá trình nhuộm dùng ít nước đi hoặc không dùng đến nước.. Các doanh nghiệp khác cũng có sự chủ động nhất định thông qua việc chủ động đào tạo, tăng cường năng lực cho doanh nghiệp tham gia vào để đạt được các tiêu chuẩn quốc tế”, ông Huấn cho hay.

xanh-hoa-xuat-khau-2-1734481206.jpg
Ông Nguyễn Cảnh Cường, nguyên Tham tán công sứ tại Anh. (Ảnh TTXVN)

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng xu hướng “xanh hóa” tiêu dùng đang lan rộng ở những thị trường có thu nhập cao, nhằm khuyến khích nhà cung cấp bảo vệ môi trường, có quy trình sản xuất xanh, không được phá rừng, không thải ra chất độc hại, trong đó có vấn đề sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học. Và điều nhận thấy là sản xuất rau quả của Việt Nam đã dần giảm bớt rất nhiều trong việc sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật độc hại.

“Bởi vì nếu sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật độc hại chắc chắn rau quả sẽ không thể XK được. Con số XK ngày càng tăng, điều đó nói lên rằng ngành rau quả Việt đang đi vào hướng “xanh hóa”. Người nông dân cũng như doanh nghiệp (DN) biết cách để sản xuất theo tiêu chuẩn xanh, đáp ứng được nhu cầu của thế giới”, ông Nguyên nói.

Ngoài ra, theo vị Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, với ngành hàng rau quả Việt thì hiện tượng phá rừng để trồng cây ăn quả hầu như không có nhiều. Điều này cũng phần nào giảm được áp lực từ Quy định chống phá rừng (EUDR) khi XK rau quả vào EU.

Còn theo Ts. Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên gia Quản lý chuỗi cung ứng và logistics, “xanh hóa” chính là yếu tố “thắng đơn hàng” khi XK. Xét trên góc độ chuỗi cung ứng, người mua (hay người đứng đầu chuỗi cung ứng - supply chain leaders) đóng vai trò rất quan trọng trong việc giám sát và hợp tác để thúc đẩy “xanh hóa”. Họ là những DN dẫn dắt chuỗi cung ứng và thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh để đảm bảo sản phẩm cuối cùng phù hợp với nhu cầu thị trường.

Do vậy, hoạt động XK rau quả trong năm 2025 sắp tới cần lưu ý rõ chuyện này để quá trình “xanh hóa” chuỗi giá trị trở nên nhanh chóng và hiệu quả hơn. Nhất là các DN nội địa đứng đầu chuỗi cung ứng rau quả cần tiên phong thúc đẩy “xanh hóa” trong canh tác, chế biến và XK rau quả.

Hệ sinh thái liên kết thúc đẩy thương mại xanh và phát triển bền vững

Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai một loạt các biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp, theo hướng thúc đẩy thương mại xanh và phát triển bền vững. Trong đó, tập trung hỗ trợ phát triển mối quan hệ giữa thương mại với lao động, hay các yếu tố khác về phát triển bền vững để giúp doanh nghiệp có thể nắm bắt được một cách cụ thể hơn, đầy đủ hơn và chính xác hơn những cam kết đã có được từ các FTA, từ đó giúp doanh nghiệp tận dụng được tốt hơn những cam kết để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang thị trường nước ngoài.

Theo bà Nguyễn Sơn Trà, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), đối với việc hỗ trợ doanh nghiệp trong quy trình sản xuất để đáp ứng được các yêu cầu ngày càng khắt khe từ các thị trường nước ngoài, đặc biệt các thị trường phát triển như Vương quốc Anh, Bộ Công Thương cũng đang xây dựng mô hình hệ sinh thái theo từng ngành.

“Trong hệ sinh thái này sẽ có mối liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan xây dựng chính sách thương mại và các cơ quan cung cấp thông tin. Hệ sinh thái cũng sẽ có những trao đổi, chia sẻ thông tin, hỗ trợ lẫn nhau theo từng lĩnh vực. Điều này tạo ra một sức mạnh lớn, là bàn đạp vững chắc để giúp doanh nghiệp có thể tự tin hơn trong việc đem hàng hóa ra thị trường quốc tế, bảo đảm đáp ứng được các tiêu chuẩn, các yêu cầu về thương mại và phát triển bền vững sang các thị trường nước ngoài”, bà Trà cho biết.

xanh-hoa-xuat-khau-3-1734481239.jpg
Bà Nguyễn Sơn Trà, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương). (Ảnh TTXVN)

Việc sớm triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ và việc chuyển đổi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhằm thích ứng với với những tiêu chuẩn xanh không chỉ giúp doanh nghiệp giữ vững thị phần, còn tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường Anh, sau đó mở rộng sang các thị trường lớn, trọng điểm khác.

Vì vậy, các cơ quan quản lý cần phải hành động sớm, có những hướng dẫn thống nhất và đánh giá phù hợp, có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi. Về phần mình, các doanh nghiệp cần phải chủ động thay đổi tư duy chuyển đổi sản xuất theo hướng phát triển xanh và bền vững, tận dụng cơ hội phát triển sản phẩm đáp ứng thương mại xanh, từ đó giữ vững lợi thế từ Hiệp định UKVFTA.

Chia sẻ về việc “xanh hóa” hướng đến xuất khẩu, đại diện Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới (một nhà XK rau quả lớn của Bến Tre), cho rằng các hiệp định, thỏa thuận toàn cầu về môi trường, biến đổi khí hậu và các hiệp định thương mại tự do (FTA) đề ra nhiều quy định về tiêu chuẩn phát thải chất thải, khí thải. Kinh tế tuần hoàn là mục tiêu phát triển trong tương lai gần mà các DN ngành dừa nói riêng và tất cả các ngành nghề khác cần phải đạt được.

“Đây là chìa khóa mở cửa “Phát triển bền vững” mà tất cả các DN đều mong muốn đạt được. Kinh tế tuần hoàn hướng DN đến việc sử dụng tốt nguồn nguyên vật liệu, thúc đẩy DN xây dựng chuỗi sản phẩm khép kín. Đi kèm theo đó là xu hướng sử dụng các vật liệu phục hồi, năng lượng tái tạo. Đây vừa là thách thức vừa là cơ hội để DN giảm thiểu chi phí sản xuất, tối ưu hóa lợi nhuận cũng như tăng khả năng cạnh tranh”, phía Công ty Lương Quới nhấn mạnh.

xanh-hoa-xuat-khau-4-1734481150.jpg
Thời gian qua, Việt Nam đã có sự chuẩn bị rất chủ động, tích cực và đã có những bước đi khá rõ nét để hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu về kinh tế xanh, thương mại xanh của thị trường xuất khẩu. (Ảnh minh họa)

Theo bà Nguyễn Sơn Trà, hi vọng năm 2025, những biện pháp đó lan tỏa hơn nữa sang nhiều ngành hàng khác nhau để có thể giúp nhiều doanh nghiệp của Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang thị trường nước ngoài./.

Trọng Bình