Theo phân tích về những đổi mới và tác động của công nghệ đối với các sản phẩm nông nghiệp từ cây dừa của Tiến sĩ Lê Hoài Quốc, Chủ tịch Hội Tự động hóa TP.HCM tại buổi tọa đàm cho biết:
“Trồng dừa không chỉ là ngành nông nghiệp mà khai thác các sản phẩm từ dừa còn là một ngành công nghiệp quan trọng của thế giới. Nhưng cũng như mọi ngành công nghiệp khác, ngành công nghiệp khai thác, chế biến dừa cũng phải thích ứng với những bối cảnh mới của công nghệ và môi trường trong xu hướng xanh hóa của nền kinh tế”.
Tọa đàm trước thềm Diễn đàn Mekong Connect 2024 là một trong những hoạt động quan trọng thuộc chuỗi sự kiện tiền Mekong Connect 2024, tọa đàm không chỉ mang ý nghĩa khởi động mà còn là hành động cụ thể, khẳng định quyết tâm thực hiện các sáng kiến xanh hóa, phát triển bền vững trong lĩnh vực kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Chủ tịch HBBC Huỳnh Kỳ Trân chỉ ra rằng, tỉnh Bến Tre nổi tiếng với dừa và tiềm năng cây ăn trái, từ nguồn nông sản chủ lực đã có nhiều sản phẩm xây dựng được thương hiệu cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để duy trì lợi thế cạnh tranh thì cần nâng cao chuỗi giá trị dừa trong xu hướng xanh hóa nền kinh tế là yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Trong đó, nâng cao chuỗi giá trị dừa là không ngừng đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển nhiều sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu thị trường và thị hiếu tiêu dùng mới. Bên cạnh đó, trong xu hướng xanh hóa nền kinh tế thì đơn sản xuất kinh doanh phải nắm bắt công nghệ mới khai thác tính bản địa của dừa và cải tiến sản phẩm truyền thống, cũng như phát triển sản phẩm đạt tiêu chuẩn thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.
Trước đó, ông Nguyễn Phạm Hà Minh, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) cũng cho rằng, tài nguyên bản địa là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam. “Chúng ta không có năng lực sản xuất như Trung Quốc.
Chúng ta cũng không cạnh tranh với Trung Quốc bằng giá rẻ. Vậy chúng ta phải có cái gì mà Trung Quốc không thể bắt chước, không thể làm theo được, đó chính là tài nguyên bản địa. Đó là dựa vào những sản phẩm chỉ nuôi, trồng, phát triển ở Việt Nam. Thành công của trái sầu riêng thời gian qua là một minh chứng, và câu chuyện của buổi tọa đàm hôm nay là với trái dừa Bến Tre”: ông Nguyễn Phạm Hà Minh nói.
Hiện nay ngành dừa Việt Nam có diện tích gần 200.000 ha và đang trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn tại các tỉnh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và các tỉnh Duyên hải miền trung. Ngành dừa đã phát triển mạnh mẽ, đạt hơn 900 triệu USD vào năm 2023 và kỳ vọng vượt mốc 1 tỷ USD trong năm 2024. Trong thời gian qua, ngành dừa đã có những bước tiến tích cực như việc Mỹ và châu Âu chấp thuận dừa Việt Nam, cùng quá trình đàm phán với Trung Quốc về xuất khẩu chính ngạch, đã tạo ra tiền đề lớn cho sự mở rộng thị trường và phát triển bền vững của ngành dừa.
Dừa là 1 trong 6 cây trồng nằm trong Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành theo Quyết định số 431/QĐ-BNN-TT năm 2024.
Đề án đặt mục tiêu, đến năm 2030, diện tích dừa khoảng 195.000 - 210.000 ha; vùng trồng dừa trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long khoảng 170.000 - 175.000 ha, vùng Duyên Hải Nam Trung bộ diện tích 16.000 - 20.000 ha, còn lại 9.000 - 15.000 ha được trồng tại các tỉnh vùng Bắc Trung bộ, Đông Nam bộ...
Chia sẻ góc nhìn về xuất khẩu dừa và logistics, ông Nguyễn Phong Phú, phó Giám đốc kỹ thuật của Tập đoàn Vina T&T, Việt Nam có thuận lợi về vùng trồng với sản lượng cao và ổn đinh, cùng đó là nằm ở trung tâm một khu vực thị trường lớn. Chưa kể, những thuận lợi về cảng biển và kể cả đường bộ với những kho hàng lớn.
Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất của trái dừa Việt Nam. Trung Quốc hiện chỉ mua dừa tươi số lượng nhỏ, nhưng dừa khô, sữa dừa thì họ nhập rất lớn. Một doanh nghiệp Trung Quốc có thể mua 5-10 công nước sữa dừa, 1 container nước sữa dừa tương đương 100.000 trái dừa tươi, tức là số lượng rất lớn.
Về những khó khăn khi xuất khẩu dừa, ông Nguyễn Phong Phú, khó khăn về chất lượng, bảo quản, hoặc mọc mầm trong quá trình vận chuyển với trái dừa khô, nhất là những đơn vị xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ. Yêu cầu bảo quản nghiêm ngặt về bảo quản trong quá trình vận chuyển đường dài.
Tiếp đến là các tiêu chuẩn chất lượng, nghiêm ngặt đến từ các thị trường châu Âu và Mỹ, cũng như mã số vùng trồng với thị trường Trung Quốc. “Một khó khăn khác là chi phí logistics, trước Covid-19 một container xuất sang Mỹ cỡ 40 triệu thì nay đã lên đến 200 triệu đồng. Chi phí tăng làm cho giá tăng, khiến nhu cầu giảm”, ông Nguyễn Phong Phú nói.
Diễn đàn Mekong Connect năm 2024 sẽ diễn ra trong hai ngày 17 và 18/12/2024 tại Đại học An Giang, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang, với chủ đề: “Đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại và công nghệ vùng ĐBSCL – TP.HCM và cả nước, hướng tới phát triển bền vững trong bối cảnh cạnh tranh mới”.
Mekong Connect 2024 với sự bảo trợ của Bộ NN&PTNT, Bộ KHCN, do UBND tỉnh An Giang và UBND TP.HCM đồng tổ chức và chủ trì. Cùng với đó là sự đồng hành của các tỉnh thành: Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang và Vĩnh Long./.