Quảng cáo #128

Xuất khẩu tôm và cá tra của Việt Nam tiếp tục ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam, trong 11 tháng của năm 2024, xuất khẩu cá tra và tôm của Việt Nam tiếp tục ghi nhận những kết quả tích cực. Tuy nhiên, xuất khẩu cá ngừ đã không duy trì được đà tăng trưởng nhanh trước đó.
ts947-1033-1734564854.jpg
Xuất khẩu tôm sang Mỹ và EU đều ghi nhận sự tăng trưởng ổn định. Ảnh minh họa

Thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam đều tăng trưởng vượt trội

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm có tín hiệu khả quan ở nhiều thị trường. Xuất khẩu sang Mỹ và EU đều ghi nhận sự tăng trưởng ổn định. Trung Quốc đang có những chính sách thúc đẩy tiêu dùng, có thể giúp gia tăng nhu cầu nhập khẩu tôm từ Việt Nam.

Tháng 11/2024, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc và Hong Kong đạt tốc độ tăng trưởng 34%, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này trong 11 tháng lên 761 triệu USD. Sự gia tăng nhu cầu tiêu thụ tôm phục vụ Tết Nguyên đán đã giúp Trung Quốc vượt Mỹ, trở thành thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam.

Tại Mỹ, xuất khẩu tôm tháng 11 đạt hơn 55 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái, nâng lũy kế 11 tháng lên 702 triệu USD, tăng 10%. Giá tôm bán buôn tại Mỹ tăng mạnh trong tháng 12, nhờ nhu cầu tiêu thụ dịp lễ hội cuối năm và lo ngại về chi phí vận chuyển gia tăng.

Trong khi đó, giá tôm xuất khẩu, đặc biệt là tôm chân trắng, đang có dấu hiệu tăng, cải thiện biên lợi nhuận cho doanh nghiệp. Đồng thời, sản phẩm tôm chế biến có sự phát triển mạnh mẽ, cho thấy doanh nghiệp đang chuyển hướng sang các sản phẩm giá trị gia tăng. Giá nguyên liệu tôm trong nước cũng ở mức tích cực, hỗ trợ tốt cho sản xuất và xuất khẩu.

Dù đạt nhiều kết quả khả quan, nhưng VASEP cho rằng, ngành tôm Việt Nam vẫn đối mặt với những thách thức cần khắc phục để bảo đảm tăng trưởng bền vững. Việc nâng cao chất lượng con giống, quản lý dịch bệnh, giảm giá thành sản xuất và tăng cường dự báo thị trường là những vấn đề cấp thiết.

Ngoài ra, cần chú trọng sản xuất bền vững thay vì chạy theo sản lượng. Xu hướng nuôi tôm công nghệ cao, thân thiện với môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu và liên kết sản xuất theo chuỗi gắn với tiêu chuẩn quốc tế sẽ là hướng đi chiến lược, giúp ngành tôm Việt Nam gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Sau 11 tháng, xuất khẩu cá tra đạt 1,8 tỷ USD

So với cùng kỳ năm 2023, xuất khẩu cá tra Việt Nam trong 11 tháng đầu năm nay ghi nhận kết quả tích cực hơn. Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu cá tra tháng 11/2024 đạt 179 triệu USD, tăng 16% so với tháng 11/2023. Lũy kế xuất khẩu cá tra tính đến hết tháng 11/2024 đạt 1,8 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

images-9-1734564854.jpg
Xuất khẩu cá tra đạt 1,8 tỷ USD trong 11 tháng năm 2024. Ảnh minh họa

Tại Trung Quốc & Hongkong vẫn là điểm đến lớn nhất của xuất khẩu cá tra. Kim ngạch XK cá tra sang thị trường này trong tháng 11/2024 đạt 50 triệu USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng giá trị cá tra Việt Nam xuất khẩu sang riêng Trung Quốc đạt hơn 500 triệu USD trong 11 tháng đầu năm nay, tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tháng 11/2024, xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt hơn 26 triệu USD, tăng 14% so với tháng 11/2023. Tính đến hết tháng 11 năm nay, xuất khẩu các sản phẩm cá tra sang siêu cường này đạt hơn 317 triệu USD, tăng 26% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu cá tra sang thị trường CPTPP đạt gần 24 triệu USD trong tháng 11/2024, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Mười một tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra sang CPTPP đạt 248 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Mexico tiếp tục là nhà NK nhiều nhất cá tra Việt Nam trong khối thị trường này. Chỉ riêng tháng 11 năm nay, người tiêu dùng tại quốc gia này đã tiêu thụ gần 6 triệu USD cá tra, giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù giá trị XK giảm trong tháng 11, tuy nhiên giá trị XK cá tra sang Mexico tính đến hết tháng 11/2024 vẫn ghi nhận tăng 5% và đạt 69 triệu USD.

EU là thị trường nhập khẩu cá tra nhiều thứ 4 của Việt Nam. Giá trị xuất khẩu cá tra sang khối thị trường này trong 11 tháng đầu năm nay đạt gần 161 triệu USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tháng 11 năm nay, EU tiêu thụ gần 17 triệu USD, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2023. Hà Lan vẫn là quốc gia nhập khẩu nhiều nhất cá tra Việt Nam trong khối này trong 11 tháng đầu năm nay với hơn 43 triệu USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023.

Ngoài ra, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang một số thị trường khác cũng ghi nhận tăng trưởng dương trong tháng 11/2024 bao gồm: Thái Lan tăng 29%, Anh tăng 20%, Colombia tăng 2%,...

Xuất khẩu cá tra Việt Nam đang trên đường về đích 2 tỷ USD như dự báo hồi đầu năm, cho thấy sức hút, sức cạnh tranh và tiềm năng của thị trường vẫn mạnh mẽ.

Xuất khẩu cá ngừ tháng 11 không đạt mức kỳ vọng

Ngược lại với thị trường tôm và cá tra, tháng 11/2024, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đã không duy trì được đà tăng trưởng nhanh trước đó. Giá trị xuất khẩu trong tháng này chỉ cao hơn gần 4% so với cùng kỳ, đạt gần 82 triệu USD. Tính lũy kế 11 tháng của năm 2024, giá trị xuất khẩu đạt 903 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023.

Cụ thể, xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường chính như EU, Israel, Nga, Nhật Bản hay Hàn Quốc đã giảm so với cùng kỳ. xuất khẩu sang Mỹ mặc dù vẫn tăng so với cùng kỳ nhưng tốc độ tăng trưởng đã chậm lại.

Tại thị trường EU, xuất khẩu cá ngừ sang Italy và Đức đã giảm sâu trong tháng 11, với mức giảm 95% và 39% so với cùng kỳ. Trái lại, xuất khẩu sang Hà Lan lại tăng, tuy nhiên mức tăng không nhiều chỉ ở mức 3%.

Cùng xu hướng với EU, xuất khẩu cá ngừ sang Israel và Nga sau một thời gian tăng trưởng cao, đã giảm mạnh trong tháng 11. Nhưng bất ổn về địa chính trị tại 2 thị trường này đang ảnh hưởng tới hoạt động giao thương cá ngừ của Việt Nam.

20220916171356338xuat-khau-ca-ngu-tiep-tuc-tang-cao-hon-muc-truoc-d-1598-1-1734564854.jpg
11 tháng đầu năm 2024, giá trị xuất khẩu cá ngừ đạt 903 triệu USD. Ảnh minh họa

Còn tại khối thị trường các nước tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), xuất khẩu cá ngừ sang Nhật Bản sau khi tăng trưởng cao liên tục trong tháng 9 và 10 đã đảo chiều giảm trong tháng 11, giảm 6%. Tuy nhiên nhờ sự tăng trưởng của những tháng trước đó nên tính luỹ kế 11 tháng đầu năm xuất khẩu sang thị trường này vẫn tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, xuất khẩu cá ngừ sang Canada sụt giảm đã tăng trở lại trong tháng 11, với mức tăng 11% so với cùng kỳ, Cùng với Canada, xuất khẩu sang Mexico và Chile vẫn đang duy trì mức tăng trưởng cao trong tháng này.

Theo các doanh nghiệp, hiện tại nhu cầu tại các thị trường vẫn đang cao, tuy nhiên những khó khăn về nguyên liệu và thủ tục xuất khẩu đang kìm hãm hoạt động xuất khẩu.

Theo VASEP đánh giá, với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023. Trong đó, tôm và cá tra sẽ tiếp tục là hai trụ cột chính đóng góp vào thành công này./.

Hương Lan