Khi những ông chủ khởi nghiệp

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 kéo dài, hàng loạt lãnh đạo các công ty du lịch phải xoay chuyển mô hình kinh doanh, tìm đường để vượt qua khó khăn và chờ đợi ngành du lịch phục hồi. Các CEO đã phải chuyển nghề từ bán nông sản đến kinh doanh bia tươi để có thể “nuôi sống” công ty trong khi dịch bệnh vẫn chưa có hồi kết.

* Chuyển nghề để lấy ngắn nuôi dài!

Dịch COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp du lịch phá sản, nhiều người mất việc làm, nhưng đau đầu nhất có lẽ là các giám đốc công ty du lịch. Việc đột ngột bị “đóng băng” thị trường du lịch, mất doanh số, mất dòng tiền trong khi vẫn phải chi trả các chi phí khiến các chủ doanh nghiệp như ngồi trên đống lửa. CEO công ty du lịch đã phải đối mặt với nhiều câu hỏi lớn như: Làm sao cắt giảm chi phí khi đang không có nguồn thu? Bài toán cắt giảm nhân sự trong du lịch như thế nào? Có nên chuyển đổi tạm thời ngành nghề kinh doanh trong lúc chờ dịch qua? Các khó khăn của doanh nghiệp du lịch hiện nay và cách tháo gỡ? Giải quyết tồn tại với các đối tác của lữ hành: hàng không, khách sạn, khách hàng, vận chuyển, nhà hàng như thế nào? …

Trước bối cảnh đó, nhiều ông chủ công ty du lịch đã chuyển hướng khởi nghiệp tìm đường cứu công ty vượt khó. Lựa chọn nông sản Việt làm mặt hàng để khởi nghiệp, ông Nguyễn Hữu Cường, Giám đốc Công ty Du lịch quốc tế Tràng An đã chuyển sang kinh doanh gạo vì theo ông đây là mặt hàng thiết yếu. Quyết định giữ lại toàn bộ nhân viên điều hành du lịch để cùng khởi nghiệp, cả giám đốc và nhân viên đều nỗ lực tiếp thị, bán hàng hay giao hàng để tăng thêm thu nhập. Sau khi thử sức với nhiều mặt hàng, CEO Du lịch quốc tế Tràng An đã lựa chọn một sản phẩm tốt làm chủ lực, đó là gạo ST25 lúa nước tôm quy trình hữu cơ.

Ông Cường cho hay, dịch COVID-19 bùng phát khiến nguồn cầu truyền thống tạm dừng. Trong khi đó, gạo lại là mặt hàng thiết yếu, ít bị ảnh hưởng nếu dịch bệnh kéo dài. Doanh nghiệp đã đẩy mạnh bán online, ship đến tận nhà cho khách hàng. Nhờ đó, một số bộ phận nhân viên vẫn có việc làm và duy trì nguồn thu nhập.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc Công ty lữ hành AZA Travel, ông Nguyễn Tiến Đạt lại chọn hướng khởi nghiệp sản xuất kinh doanh dòng bia thủ công. Từ đầu năm 2020, khi COVID-19 bùng phát lần đầu tiên, vị doanh nhân này đã chuyển một phần nhân sự sang sản xuất và kinh doanh bia tươi organic cao cấp Euro Beer do ông làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc điều hành.

vai-tro-cua-ceo-la-gi-1643968083.jpeg
Ảnh minh hoạ

CEO AZA Travel nói: “Bia thủ công là xu hướng phát triển đồ uống trên thế giới nên chúng tôi lựa chọn để sản xuất và kinh doanh từ mùa dịch bệnh xảy ra năm ngoái. Trước đây, chúng tôi phân phối qua nhà hàng nhưng hiện nhà hàng cũng ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên chúng tôi đã phát triển kênh bán hàng online, ship đến tận tay khách hàng. Sản phẩm bia này không chỉ tận dụng các kênh riêng có sẵn mà còn xuất hiện trên các sàn thương mại điện tử khác. Khi dịch được kiểm soát, Euro Beer sẽ phân phối cho các nhà hàng, khách sạn”.

Bên cạnh đó, CEO của AZA Travel còn tay ngang sang mảng sản xuất sản phẩm mặt nạ phòng chống dịch COVID-19. Ông Đạt cho hay, ngoài mảng bia thủ công, công ty cũng đã chuyển đổi sang sản xuất mặt nạ phòng dịch nhờ đó công ty vẫn tận dụng được một phần nguồn nhân sự. Tuy sản xuất và kinh doanh Euro Beer online không đem lại doanh thu "khủng", nhưng vẫn tốt vì có thể tạo việc làm cho nhân viên và công ty sống sót qua đợt dịch.

Khi dịch bệnh xảy ra với tương lai khó đoán định, người lãnh đạo doanh nghiệp phải có tính thích ứng cao để vượt qua khó khăn hiện tại, duy trì hoạt động của doanh nghiệp. Những công ty du lịch không thể tự chuyển đổi trong thời gian qua thì đều phải đóng cửa khi dịch ập đến. Trái lại, với các công ty du lịch thích ứng được sẽ có thêm được 1 ngành kinh doanh mới, đem lại doanh thu lợi nhuận “lấy ngắn nuôi dài” giữ được mảng kinh doanh du lịch đã có từ nhiều năm. 

* Mục tiêu hồi phục và phát triển song song

Khi những khó khăn chồng chất, nhiều CEO đã tự tìm con đường khác trở thành cứu cánh cho doanh nghiệp tránh khỏi bờ vực phá sản. Và khi dịch bệnh dần được kiểm soát, họ lại quay về làm du lịch và song song với nghề tay trái này.

Dù chuyển sang ngành nghề mới nhưng ông Nguyễn Tiến Đạt vẫn ấp ủ quay lại với nghề du lịch khi dịch bệnh được khống chế. Hiện nay, Công ty AZA Travel vẫn duy trì bộ phận rà soát lại sản phẩm du lịch để theo kịp với xu hướng mới như du lịch homestay, thuê nguyên villa nghỉ dưỡng; dịch vụ cho chuyên gia, người Việt hồi hương và thực hiện quá trình chuyển đổi số từ maketing online, quản lý, quan hệ khách hàng.

“Quá trình chuyển đổi số là tất yếu bởi nhu cầu và xu hướng du lịch của khách hàng đang thay đổi rất nhiều kể từ dịch bệnh xuất hiện. Đơn cử như trước đây khách hàng hay đến công ty du lịch thì giờ họ mua tour ở nhà. Khách hàng có thể giao tiếp và mua sắm online, trực tiếp từ phía cung cấp dịch vụ mà không cần qua các trung gian hay đại lý du lịch nữa. Do đó, trong thời gian này, bên cạnh việc cơ cấu lại sản phẩm, chúng tôi cũng tập trung chuyển đổi số”, ông Đạt cho biết.

Dịch bệnh phức tạp góp phần khiến xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra nhanh hơn nhiều so với giai đoạn trước nên lãnh đạo doanh nghiệp cũng phải áp dụng chuyển đổi số vào hoạt động của doanh nghiệp để nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả hoạt động. Từ đó giảm bớt nhân sự trong các khâu, tăng tính hiệu quả, tiếp cận tốt hơn với khách hàng, chi phí rẻ hơn so với cách làm truyền thống.

Theo Giám đốc công ty Du lịch quốc tế Tràng An, việc ứng phó với đại dịch COVID-19 đã giúp công ty nhận ra bài học giảm thiểu rủi ro khi chỉ phụ thuộc vào ngành du lịch. Sản phẩm gạo của công ty sẽ tiếp tục phát triển tiếp kể cả du lịch phục hồi. Đây cũng là một phương thức để quảng bá truyền thông cho nông sản Việt ra thế giới. Sau này các tour tuyến nối lại, công ty sẽ mở rộng các mặt hàng thực phẩm chức năng với nguồn hàng từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Đây vốn là những hàng hóa người Việt có nhu cầu mua sắm rất cao từ trước tới nay.

Không chỉ có sản xuất khẩu trang, kinh doanh nông sản, thực phẩm… nhiều ông chủ công ty du lịch còn xoay chuyển sang rất nhiều ngành nghề khác như đồ uống, quà tặng, xây dựng, đặc sản vùng miền… Điều này cho thấy sự nhạy bén của những người làm du lịch, vừa góp phần bổ sung sản phẩm cho xã hội vừa tích lũy nguồn lực, chuẩn bị tốt cho thị trường du lịch khi hồi phục./.