Kết nối cung - cầu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn năm 2023

Kết nối cung - cầu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn nhằm phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn, góp phần mở rộng tiêu thụ, thúc đẩy xuất khẩu
z4863593492085-8b25bc6235238e89bccecfa572beaaac-1699512517.jpg
Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại hội nghị

Sáng 9/11, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức hội nghị kết nối cung - cầu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn tỉnh Thanh Hóa năm 2023. Đồng thời tổ chức 200 gian hàng giới thiệu, trưng bày sản phẩm.

Tham dự hội nghị có ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, và các đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản; các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; đại diện các doanh nghiệp, HTX, trang trại trong và ngoài tỉnh.

Kết nối cung – cầu các sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn, góp phần thúc đẩy kết nối các cơ sở sản xuất với các cơ sở tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Qua đó hình thành nhiều chuỗi cung ứng - tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn; quảng bá nông sản Thanh Hóa ra các tỉnh, thành. Góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, quy mô lớn, gắn với thị trường và theo chuỗi giá trị.

z4863593494487-ca96c24d359917c11da22f791136ac0f-1699512701.jpg
Các đại biểu tham dự hội nghị kết nối cung - cầu nông sản năm 2023

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, hiện nay các mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được hình thành và nhân rộng, tăng về cả tiêu chí và số chuỗi. Số sản phẩm được kiểm soát theo chuỗi và số cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn. Các phong trào, mô hình, điển hình tốt về sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn được phát huy và xuất hiện các mô hình mới có cách làm sáng tạo, được đông đảo người dân hưởng ứng tham gia.

Đến nay, các sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn, sản phẩm OCOP của tỉnh Thanh Hóa đã kết nối tiêu thụ tại 30 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tiêu biểu là các sản phẩm của Công ty CP mía đường Lam Sơn, Công ty TNHH Thực phẩm & TMDV Lê Gia, Công ty CP Phong cách mới, Công ty CP Nông sản Phú Gia, Công ty TNHH nước mắm Ba Làng, Công ty CP mắm Bạch Câu...

Trong hoạt động thương mại điện tử, toàn tỉnh có hơn 340 doanh nghiệp, HTX, cơ sở tham gia quảng bá, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử với trên 500 sản phẩm. Sản lượng tiêu thụ qua các sàn chiếm 25 – 30 % sản lượng tiêu thụ của các doanh nghiệp, cơ sở.

Tuy nhiên, các hình thức tổ chức và liên kết chuỗi cung ứng – tiêu thụ nông sản của tỉnh Thanh Hóa chưa thực sự ổn định, còn thiếu tính bền vững. Việc phát triển thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn còn nhiều hạn chế; tỷ lệ các sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn được tiêu thụ thông qua hợp đồng, qua các chuỗi và kênh phân phối hiện đại còn thấp. Thanh Hóa là tỉnh có nhiều sản phẩm OCOP (trong top 3 của cả nước), song trên 70% chủ thể OCOP là hộ gia đình, HTX hoặc doanh nghiệp gia đình nên năng lực tài chính có hạn, khả năng mở rộng quy mô sản suất, thị trường, tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm còn hạn chế.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, kết nối các cơ sản xuất với cơ sở tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục thực hiện tốt tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao, góp phần xây dựng nền nông nghiệp theo hướng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

Phát triển nông nghiệp bền vững gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình OCOP, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm OCOP. Sở Công Thương làm tốt vai trò cầu nối, đưa sản phẩm nông sản tỉnh Thanh Hóa đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh thông qua các hội chợ, triển lãm, các hội nghị, tọa đàm cũng như các hoạt động ký kết thỏa thuận, hợp tác, buôn bán,... kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp. Hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh xây dựng và phát triển thương hiệu; khai thác hiệu quả cơ hội của các Hiệp định tự do thương mại.

Các sở, ngành, đơn vị có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản thực phẩm; lồng ghép các hoạt động cung - cầu vào các chương trình, đề án, kế hoạch để thúc đẩy công tác xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ, quảng bá giới thiệu, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản thực phẩm của các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, đặc biệt là thương mại điện tử./.

Hà Khải