ISO là gì? Những bí mật thú vị nhất về ISO mà ít người biết

Mỗi chúng ta sinh ra đều được cha, mẹ hoặc một ai đó thân thiết đặt cho mình một cái tên, cái tên đó đem khai sinh với cơ quan quản lý và được thừa nhận là hành trang, là định danh của mỗi chúng ta.
1206-tieu-chuan-iso-1653437668.gif

Chẳng biết tự bao giờ, điều đó đã là hiện thực. Nhiều cá thể cùng làm một việc, hưởng chung một lợi ích thì tạo thành một tổ chức, ISO cũng thế, cũng có nguồn gốc của những người sáng lập. Vậy, câu hỏi ISO là gì, tên của nó bắt nguồn từ đâu? sứ mệnh để thực hiện những công việc gì?

ISO (viết tắt của: International Organization for Standardization) dịch qua tiếng Việt là: “Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế hoặc Tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn hóa”. Đây là một tổ chức phi chính phủ (NGO) chuyên phát triển các tiêu chuẩn quốc tế tự nguyện lớn nhất thế giới, được thành lập năm 1947 tại tại Geneva, Thụy sĩ.

ISO có các từ viết tắt khác nhau ở các ngôn ngữ khác nhau (IOS bằng tiếng Anh, OIN trong tiếng Pháp), những người sáng lập đã quyết định đặt cho nó ở dạng ngắn gọn là ISO. ISO có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp 'isos', có nghĩa là bình đẳng. Dù ở quốc gia nào, bất kể ngôn ngữ nào, nó được viết tắt là ISO.

Có nhiều tài liệu khác nhau, trong bài viết này, chúng tôi xin trích dẫn đoạn giới thiệu của ISO là thông qua các thành viên, ISO tập hợp các chuyên gia để chia sẻ kiến thức và phát triển các tiêu chuẩn tự nguyện, dựa trên nguyên tắc sự đồng thuận, phù hợp với thị trường nhằm hỗ trợ đổi mới và cung cấp giải pháp cho các thách thức toàn cầu.

Vì vậy, thông qua sứ mệnh ta có thể hiểu công việc chính của ISO là phát triển và ban hành tiêu chuẩn quốc tế làm cho các sản phẩm có tính tương thích, hoạt động tốt lẫn nhau, tiếp nữa là nhận biết các vấn đề an toàn của sản phẩm và dịch vụ cũng như chia sẻ những ý tưởng hay, các giải pháp, bí quyết công nghệ và thực hành quản lý tốt nhất.

ISO có 165 thành viên quốc gia (cập nhật mới nhất tháng 7 năm 2021). Các thành viên của ISO chia làm 3 loại: Hội viên: Đây là cơ quan tiêu chuẩn đại diện ở mỗi quốc gia. Có ảnh hưởng đến chiến lược và phát triển tiêu chuẩn ISO bằng cách tham gia và biểu quyết trong các cuộc họp kỹ thuật và chính sách của ISO. Các thành viên đầy đủ bán và áp dụng Tiêu chuẩn Quốc tế ISO trên toàn quốc.

Thành viên thường trực: Quan sát sự phát triển của các tiêu chuẩn và chiến lược ISO bằng cách tham dự các cuộc họp kỹ thuật và chính sách của ISO với tư cách là quan sát viên. Thành viên đăng ký: Luôn cập nhật về công việc của ISO nhưng không thể tham gia vào nó. Họ không bán hoặc áp dụng Tiêu chuẩn Quốc tế ISO trên toàn quốc.

Tiêu chuẩn quốc tế (ISO) mang lại lợi ích như thế nào

Thứ nhất, đối với ngành công nghiệp: Nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc cung cấp sản phẩm và dịch vụ được thừa nhận trên toàn cầu; dễ dàng gia nhập thị trường mới; tăng lợi nhuận bằng cách cung cấp các sản phẩm có chất lượng tốt, an toàn và tương thích; giảm thiểu chi phí do không phát sinh việc làm lại và sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn; hưởng lợi từ kiến thức và thực hành tốt của đội ngũ chuyên gia hàng đầu thế giới.

Thứ hai, đối với cơ quan quản lý: Hài hòa các quy định giữa các quốc gia để thúc đẩy thương mại toàn cầu; gia tăng uy tín và tin cậy trong chuỗi cung ứng toàn cầu; giúp các quốc gia chuyên môn hóa và sử dụng nguồn lực bên ngoài.

Thứ ba, đối với xã hội: Nhiều lựa chọn hơn về các sản phẩm an toàn, đáng tin cậy và dịch vụ với giá cả cạnh tranh; Thực hành tốt nhất và phối hợp các hành động tại cấp độ tổ chức để giải quyết một cách tốt nhất những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Trên thế giới có mấy tổ chức ISO, tại sao ISO lại là duy nhất?

Câu trả lời nằm sẵn trong câu hỏi đã đặt ra, ISO là tổ chức duy nhất mang tên ‘ISO’ bởi vì: Thứ nhất, mạng lưới toàn cầu của họ là các thành viên đến từ gần hết mọi quốc gia trên thế giới, theo số liệu được đăng tải trên trang iso.org thì hiện nay có 165 thành viên, trong đó Việt Nam thì Tổng cục Tiêu chuẩn Chất lượng là đại diện tham gia thành viên của ISO;

Thứ hai, là nhãn hiệu của ISO được nhận biết và công nhận trên toàn cầu;

Thứ ba, họ đã xuất bản các tiêu chuẩn phục vụ các nhu cầu khác nhau của thế giới, theo thống kê hiện nay đã ban hành 23897 tiêu chuẩn được thực hiện bởi 795 ủy ban kỹ thuật và các tiểu ban phụ trách;

Thứ 4, nguyên tắc là việc dựa trên sự đồng thuận, họ làm việc với hơn 700 tổ chức và hàng 100.000 chuyên gia trên mọi lĩnh vực.

Đồng thời, ISO cũng là đối tác của các tổ chức tiêu chuẩn hóa khác như Ủy ban kỹ thuật điện quốc tế (IEC- International Electrotechnical Commission), Liên minh viễn thông quốc tế (ITU- International Telecommunication Union) và là đối tác chiến lược của Tổ chức thương mại quốc tế (WTO - World Trade Organization) để thúc đẩy thương mại tự do và công bằng.

Các tiêu chuẩn ISO phổ biến?

Tiêu chuẩn ISO là các quy tắc được chuẩn hóa quốc tế. Nó được công nhận và có giá trị toàn cầu. Các tiêu chuẩn ISO giúp cho các tổ chức hoạt động phát triển bền vững. Giúp các doanh nghiệp có thể sản xuất ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu khách hàng với chất lượng đồng đều. Hay nói cách khác: Tiêu chuẩn ISO như một thước đo đồng đều cho các Doanh nghiệp toàn thế giới cùng hướng tới.

Tiêu chuẩn ISO là các quy tắc được chuẩn hóa quốc tế để giúp cho các tổ chức hoạt động phát triển bền vững, tạo ra các năng lực nâng cao giá trị của doanh nghiệp tổ chức trong mọi lĩnh vực thuộc sản xuất, thương mại, dịch vụ. Khi áp dụng các tiêu chuẩn ISO, chất lượng sản phẩm được làm ra đáp ứng được yêu cầu chất lượng của người dùng. Tiêu chuẩn ISO được coi như là 1 chuẩn mực của thế giới mà doanh nghiệp cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn trong đó nếu muốn đạt được chứng nhận ISO.

Các tiêu chuẩn ISO đều được thực hiện tự nguyện mà không bắt buộc. Các Doanh Nghiệp và tổ chức áp dụng nhằm giúp năng suất được tăng và quản lý hệ thống chất lượng được cải thiện hơn. Tuy nhiên, nếu khách hàng hoặc đối tác của bạn yêu cầu phải áp dụng, thì bạn cũng “buộc” phải thực hiện đúng các tiêu chuẩn ISO vì nếu không đáp ứng được các yêu cầu này, khách hàng/ đối tác sẽ không tin tưởng và không mua hàng. Vì bộ tiêu chuẩn ISO này cũng là bộ tiêu chuẩn chung được rất nhiều quốc gia chấp nhận nên chúng là một trong những biện pháp hữu hiệu tốt nhất để Doanh Nghiệp có thể kết nối và hợp tác với các đơn vị nước ngoài./.

Nguyễn Đỗ TH