Gần đây nhất, vào đầu tháng 4, ngành du lịch Đắk Lắk đã tham gia Ngày hội Du lịch TP. HCM lần thứ 20 với nhiều hoạt động thiết thực, hấp dẫn. Tỉnh đã tổ chức các hoạt động như giới thiệu tiềm năng du lịch, quảng bá ẩm thực, sản phẩm OCOP và đồ lưu niệm đặc trưng của Đắk Lắk…
Trước đó, trong năm 2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) cùng Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk cũng đã triển khai ký kết hợp tác với Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh. Nội dung hợp tác là xây dựng và thực thi kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch mang tính đặc thù của Đắk Lắk. Sau lễ ký kết, hai bên đã đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch, tour du lịch đặc trưng của Đắk Lắk nhằm thu hút khách từ khu vực này đến với địa phương.
Trong giai đoạn cuối năm 2023, Đắk Lắk đã tổ chức tiếp đón đoàn famtrip đến khảo sát, trải nghiệm các dịch vụ du lịch địa phương. Thành viên đoàn famtrip này gồm lãnh đạo các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP. HCM. Sau chuyến đị, ông Đào Xuân Đức, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Chương trình khảo sát diễn ra chỉ trong 3 ngày 2 đêm, nhưng đoàn đã đến nhiều nơi, tiếp xúc được rất nhiều điều mới mẻ. Qua đó, chúng tôi đánh giá cao về tiềm năng du lịch của Đắk Lắk”.
Ông Đức cho biết thêm: “Với những sản phẩm đã được trải nghiệm như chèo thuyền kayak trên sông Sêrêpốk, thăm vườn sầu riêng hay tham quan tìm hiểu các di tích lịch sử… tất cả đều rất độc đáo và hấp dẫn. Nếu có sự đầu tư, liên kết tốt thì tôi tin chắc chắn ngành du lịch Đắk Lắk sẽ ngày càng phát triển”.
Nhiều tuyến du lịch trọng điểm trong chương trình liên kết giữa TP.HCM và các tỉnh Tây Nguyên mở ra cơ hội phát triển du lịch vùng, trong đó có Đắk Lắk. Là thị trường du lịch gần của TP.HCM, Đắk Lắk được chính quyền tỉnh và các cơ quan chức năng, ban ngành quan tâm, tìm cách thúc đẩy liên kết và tạo ra các sản phẩm du lịch bổ trợ để cả hai địa phương cùng nhau phát triển.
Bà Lê Thị Chung - Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Đắk Lắk nhận định: “Việc tham gia Ngày hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh là cơ hội để các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ của tỉnh tìm kiếm thông tin thị trường và khách hàng. Ngoài ra, đây còn là điều kiện để các đơn vị tiếp cận và giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ du lịch. Hiện tại, Đắk Lắk đang nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu thu hút 1,2 triệu lượt khách đến tham quan, du lịch trong năm 2024 này”.
Đắk Lắk sở hữu nền văn hóa đa dạng, đặc trưng với 41 di tích được xếp hạng. Thế mạnh của tỉnh là các thắng cảnh hùng vĩ, mang đậm dấu ấn đại ngàn, kết hợp giữa lịch sử và văn hóa truyền thống lâu đời. Về mặt giao thông, Đắk Lắk kết nối dễ dàng với TP.HCM qua Quốc lộ 14, có sân bay Buôn Ma Thuột - cửa ngõ hàng không nối Tây Nguyên với các trung tâm kinh tế và du lịch lớn của cả nước. Du khách trong và ngoài nước đa phần đều nhận định Đắk Lắk là điểm đến an toàn, mang lại sự trải nghiệm mới lạ.
Ông Đặng Xuân Vũ - Giám đốc một công ty du lịch tại TP. Buôn Ma Thuột chia sẻ: “Khi chúng tôi giới thiệu với du khách những tour du lịch gắn với văn hóa truyền thống các dân tộc, hầu hết mọi người đều rất thích thú. Ai cũng muốn tìm hiểu để chọn một tour phù hợp dành cho bản thân và gia đình trong những kỳ nghỉ”.
Trong năm 2024, Đắk Lắk sẽ tổ chức nhiều chương trình kỷ niệm trong các ngày lễ lớn và các sự kiện lịch sử quan trọng của tỉnh như: Kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk, Lễ hội Sầu riêng huyện Krông Pắc lần thứ hai cùng nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật mang đậm bản sắc các dân tộc ở vùng đất Tây Nguyên…
Từ những kết quả đạt được của các chương trình liên kết hợp tác du lịch giữa Đắk Lắk và TP. HCM, hi vọng rằng trong thời gian tới hai địa phương sẽ tiếp tục phát huy, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển du lịch của Đắk Lắk nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung./.