Để làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, cả dân tộc Việt Nam đã trải qua 9 năm trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Cùng với cả nước, quân và dân Thanh Hóa đã có nhiều đóng góp to lớn, kịp thời về sức người, sức của cho chiến dịch toàn thắng.
Dốc Pha Đin chị gánh, anh thồ
Sau khi Bác Hồ và Bộ Chính trị, Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954 và Điện Biên Phủ được lựa chọn làm điểm quyết chiến chiến lược. Thanh Hóa khi đó là địa bàn xa trận địa nhưng lại được xác định là hậu phương chủ chốt cung cấp lương thực, thực phẩm phục vụ chiến trường.
Để hiểu rõ hơn về quá trình vận tải lên chiến trường Điện Biên Phủ gian nan vất vả nhưng cũng đầy niềm kiêu hãnh, chúng tôi đã tìm đến nhà cụ Phùng Sỹ Các (88 tuổi, phường Đông Thọ, TP. Thanh Hóa) – người tiếp lương, tải đạn trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Qua những mảng ký ức đã bắt đầu phai nhạt theo năm tháng, nhưng khoảnh khắc cùng với cả nước hướng về Điện Biên Phủ trong trái tim ông vẫn hiện rõ lên như vừa mới xảy ra.
Theo ký ức của cụ Các, trong những ngày mùa xuân năm 1954, con đường từ xứ Thanh lên miền Tây Bắc đêm ngày rộn tiếng bước chân. Trên các tuyến đường bộ, đường sông, bộ đội, dân công Thanh Hóa đội lá rừng ngụy trang, thẳng tiến về Điện Biên Phủ. Đó là hình ảnh của gái trai, già trẻ, đồng bào các dân tộc, với ngành nghề khác nhau ở tất cả các vùng đồng bằng, trung du, miền núi, miền biển... Ở đâu có dân, ở đó có người đi dân công.
“Phương tiện vận chuyển lương thực lúc đó vô cùng đa dạng, từ ô tô, thuyền ván, thuyền nan, ngựa, voi, xe đạp thồ, quang gánh… đi suốt đêm ngày, lúc mệt thì dừng chân cạnh con suối nào đấy để nấu cơm ăn và ngủ nghỉ. Sáng lại đi tiếp, đoàn người cứ thế trải dài khắp con đường nên dù mệt nhưng rất vui và tự hào. Khi máy bay địch tập kết, chúng tôi đưa xe và hàng hóa vào rừng để tránh ẩn, ngớt bom đạn lại đi tiếp, cứ thẳng hướng Điện Biên mà đi”.
Theo tài liệu lịch sử và lời kể của các nhân chứng, để vận chuyển hàng hóa, lương thực và vũ khí, khí tài lên phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, dân công và thanh niên xung phong Thanh Hóa đã phải đi nhiều hướng khác nhau để tránh sự phát hiện và đánh lạc hướng mật thám, máy bay địch.
Mặc dù những cung đường lên Tây Bắc phải trèo đèo, lội suối, có những đoạn phải vừa đi, vừa mở lối. Đặc biệt, khi thực dân Pháp phát hiện ra sự tiếp tế lương thực của nhân dân cho bộ đội tiền tuyến, chúng đã dùng hàng trăm tấn bom thả trên suốt tuyến, nhằm cắt đứt con đường tiếp viện của ta cho chiến trường Điện Biên Phủ. Biết bao nhiêu chàng trai, cô gái đã phải hi sinh trước trận bom của quân thù.
Những cực nhọc, hi sinh, mất mát nhưng cũng đầy vinh dự tự hào của quân và dân nơi hậu phương một lòng hướng về Điện Biên được thể hiện rõ qua bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của Nhà thơ Tố Hữu:
“Dốc Pha Đin chị gánh, anh thồ/ Đèo Lũng Lô anh hò, chị hát/ Dù bom đạn xương tan thịt nát/ Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh”.
Gan không núng, chí không mòn
Không chỉ đóng góp về lương thực thực phẩm. Tính riêng về lực lượng, Thanh Hóa đã động viên được 56.792 thanh niên tòng quân, bổ sung cho các chiến trường. Những tháng cuối năm 1953, hậu phương Thanh Hóa vừa phải ra sức đẩy mạnh mọi mặt công tác xây dựng và bảo vệ hậu phương, vừa tích cực động viên sức người, sức của cho tiền tuyến đánh thắng.
Thực hiện nhiệm vụ quân sự Đông Xuân 1953 - 1954, ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã Chỉ thị: “Chiến dịch này là chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”.
Sau khi Bộ Chính trị, Trung ương Đảng thông qua quyết tâm mở chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa đã bổ sung nhiều lực lượng ra chiến trường. Họ là những người tuổi đời từ 18, đôi mươi. Trước vận mệnh của đất nước họ đã tình nguyện viết đơn lên đường nhập ngũ. Tinh thần hăng hái của quân dân Thanh Hóa được thể hiện rõ trong việc khám tuyển chọn, có người do thiếu cân nặng phải buộc chì vào chân… Thậm chí có những người do sức khỏe không đảm bảo phải gửi đơn nhiều lần.
Ông Nguyễn Bá Viết (90 tuổi, phường Đông Hải, TP. Thanh Hóa), nguyên phụ trách thông tin, liên lạc của Đại đội 388, Tiểu đoàn 89 chia sẻ: “Năm 18 tuổi (năm 1953) theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ, tôi cùng hơn 10 thanh niên xã Đông Hải (huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá lúc bấy giờ) tình nguyện xung phong lên đường nhập ngũ ra chiến trường chống giặc.
Sau khi lên Điện Biên Phủ, tôi được phân công vào Đại đội 388, Tiểu đoàn 89, Trung đoàn 36, Sư đoàn 308 phụ trách thông tin. Khi chuẩn bị bắt đầu chiến dịch Điện Biện Phủ, ngày 13/3/1954, khi nhận được lệnh của đồng chí Lê Chí Thọ (Tiểu đoàn phó) về mở cuộc tiến công mở màn chiến dịch là cuộc tiến công vào cụm cứ điểm Him Lam.
Sau một đêm giành giật, đến gần sáng thì quân ta tiêu diệt toàn bộ quân địch ở đồi Him Lam. Cũng sáng hôm đó, khi nghe tin chiến thắng cũng là khi tôi nghe tin đồng chí Lê Chí Thọ đã anh dũng hy sinh cùng nhiều anh em khác trong Tiểu đoàn 89. Sự hy sinh của đồng chí Thọ đã làm cho tôi cảm thấy đau lòng. Mãi đến sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi mới biết anh Thọ cùng quê với mình.
Tinh thần xả thân chiến đấu ngoan cường của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Thanh Hóa trên mặt trận là biểu tượng tốt đẹp rực sáng chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Trong đó phải kể đến 5 chiến sĩ được Đảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân đó là: Anh hùng liệt sĩ Trần Đức (xã Hải Yến, huyện Tĩnh Gia); Anh hùng liệt sĩ Lê Công Khai (xã Hoằng Phú, huyện Hoằng Hóa); Anh hùng liệt sĩ Trương Công Man (xã Cẩm Phong, huyện Cẩm Thủy); Anh hùng Lò Văn Bường (xã Xuân Lẹ, huyện Thường Xuân); tiêu biểu là Anh hùng liệt sĩ Tô Vĩnh Diện, Tiểu đội trưởng Đại đội 827, Tiểu đoàn 394, Trung đoàn pháo cao xạ 367, đã lấy thân mình cứu pháo không để rơi xuống vực thẳm.
Tô Vĩnh Diện (1924 - 1954), ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 8 anh chị em ở thôn Dược Khê, xã Nông Trường, huyện Nông Cống (nay thuộc huyện Triệu Sơn), tỉnh Thanh Hóa.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, gia đình 8 anh chị em của Tô Vĩnh Diện thì có 3 người tham gia chiến đấu tại chiến trường đó là Tô Vĩnh Mạo, Tô Vĩnh Diện và Tô Vĩnh Kiện. Riêng Cụ Tô Vĩnh Nghi, thân sinh ra Tô Vĩnh Diện và người anh cả là Tô Vĩnh Mạo tham gia lực lượng dân công hỏa tuyến.
Âm vang Điện Biên Phủ đã lan tỏa trên các mạch sống của nhân dân Thanh Hóa, tạo nên nguồn lực tiếp sức cho lực lượng vũ trang Thanh Hóa cùng quân và dân cả nước tiếp tục chiến thắng đế quốc Mỹ xâm lược, vững bước đi lên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Xứng đáng với lời biểu dương khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”./.