Những buổi học thú vị trên vùng đất Di sản

Không chỉ là nơi tham quan du lịch nổi tiếng của xứ Thanh, Thành Nhà Hồ còn biết đến là “trung tâm” nghiên cứu học tập, trải nghiệm những điều thú vị của các em học sinh trong những dịp nghỉ hè.
thanh-nha-ho-1714439171.jpg
Thông qua các buổi học ngoại khóa, giúp các em có những trải nghiệm thú vị.

Thành Nhà Hồ thuộc địa phận 2 xã Vĩnh Long và Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, là một trong những công trình kiến trúc bằng đá độc đáo bậc nhất của Việt Nam và thế giới được xây dựng vào năm 1397 cuối thời nhà Trần, với tên gọi Tây Đô. Đến năm 1400, Hồ Quý Ly lên ngôi vua, lấy quốc hiệu là Đại Ngu. Từ đó, thành nhà Hồ chính thức trở thành kinh đô của triều đại mới.

Trải qua hơn 600 năm tồn tại với bao biến cố của lịch sử, hầu hết hoàng thành đã thành phế tích, nhưng thành quách vẫn còn nguyên vẹn. Ngày 27/6/2011, Thành Nhà Hồ chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Ngày nay, Thành Nhà Hồ không chỉ biết đến là nơi du lịch nổi tiếng của Thanh Hóa mà đây còn là nơi học tập, nghiên cứu, trải nghiệm của các em học sinh trong những dịp nghỉ hè hay những kỳ nghỉ lễ.

thanh-nha-ho-4-1714439264.jpg
Qua những hiện vật cùng với thuyết trình viên, giúp học sinh tiếp thu kiến thức nhanh hơn.

Với sứ mệnh kết nối giữa quá khứ và hiện tại, những năm qua, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã phối hợp một số trường học trên địa bàn tổ chức các lớp học ngoại khóa tại Thành Nhà Hồ. Qua tham quan, trải nghiệm, giúp các em hiểu rõ hơn về một triều đại phong kiến tồn tại ngắn nhất trong lịch sử. Đồng thời, thông qua những tương tác thực tiễn, trải nghiêm thú vị, góp phần định hướng lối sống đẹp cho các em. Từ đó nâng cao ý thức tôn trọng, giữ gìn, phát huy những giá trị bản sắc văn hóa địa phương, quê hương, đất nước.

Ông Nguyễn Bá Linh, Giám đốc Trung tâm bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ cho biết: “Bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát huy giá trị di sản văn hóa nhằm đem di sản văn hóa đến gần hơn với công chúng là một trong những chiến lược của trung tâm bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ trong công cuộc đưa di sản văn hóa vào chương trình học đường.

Với hàng loạt chương trình, tổ chức để các em học sinh trong cũng như ngoài tỉnh đến với di sản. Qua đó tìm hiểu những thông tin, kiến thức về di sản… những chương trình di sản như “Cùng khám phá Thành Nhà Hồ được xây dựng như thế nào và lễ thượng nêu tết xưa”; “E làm nhà Khảo cổ học”; “Di sản Thế giới Thành Nhà Hồ và tôi” đã tái hiện những hoạt động văn hóa, mang đậm bản sắc cổ truyền của dân tộc, bồi đắp thêm ý thức, tình thân yêu nước, lòng tự hảo dân tộc, yêu di sản văn hóa, hướng đến cội nguồn cho thế hệ học sinh mai sau, trong hành trình di sản hướng tới cội nguồn của dân tộc”.

thanh-nha-ho-3-1714439381.jpg
Chương trình Âm vang cố Đô được tổ chức vào dịp cuối năm để học sinh hiểu rõ hơn về các phong tục lễ Tết trong cung đình.

Hàng năm, tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã diễn ra nhiều buổi học thiết thực như: Cùng khám phá Thành Nhà Hồ được xây dựng như thế nào và lễ thượng nêu tết xưa; E làm nhà Khảo cổ học; Cuộc thi ảnh, video đẹp; Di sản Thế giới Thành Nhà Hồ và tôi; Rung chuông vàng: Âm vang cố đô…

Đến với chương trình, các học sinh lứa tuổi Tiểu học, Trung học cơ sở được học tập và trải nghiệm một số kỹ năng khai quật khảo cổ như cách thức mở hố khai quật, cách đào khảo cổ, làm quen với các dụng cụ khai quật như cuốc, xẻng, thước, chổi lông, máy ảnh, sổ nhật ký, chỉnh lý đánh số và phân loại hiện vật…

Ngoài ra, những trò chơi thú vị với chủ đề “Em là nhà khảo cổ học” giúp các em hiểu được phần nào công việc tìm tòi và bảo quản những giá trị lịch sử – văn hóa của dân tộc. Đây là hoạt động “vừa chơi vừa học”, góp phần định hướng lối sống đẹp, ý thức tôn trọng, giữ gìn và phát huy những giá trị bản sắc văn hóa của địa phương, quê hương, đất nước, biết trân trọng và gìn giữ di sản cho mai sau.

thanh-nha-ho-2-1714439498.jpg
Trung tâm Bảo tồn Di sản cùng với giáo viên tặng quà cho học sinh có thành tích xuất sắc trong buổi ngoại khóa.

Thông qua các buổi học ngoại khóa, các em học sinh đã phát huy tính tích cực, năng động, sáng tạo giữa học và chơi. Qua đó, kiến thức về lịch sử, văn hóa được truyền tải một các phong phú và đang dạng, giúp các em tiếp thu nhanh hơn.

Cô giáo Bùi Anh Đào Giáo viên trường THCS Vĩnh Phúc cho biết: “Lịch sử vốn là môn khó học đối với các em học sinh. Tuy nhiên thông qua các buổi học ngoại khóa, trải nghiệm thực tế, bằng việc gợi mở vấn đề, đặt câu hỏi, tạo cho các em cơ hội tự khám phá, tự trải nghiệm, giúp kiến thức được truyền tải một cách dễ dành hơn, học sinh dễ tiếp thu hơn”.

Giáo dục di sản là một cách hữu hiệu để dạy về lịch sử và văn hóa. Trong những năm gần đây, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã tích cực đổi mới và mở rộng vùng tham quan khám phá. Bên cạnh việc phát triển du lịch, Trung tâm còn phối hợp với các trường học tổ chức nhiều Chương trình giáo dục Di sản. Qua đó thúc đẩy vai trò của các em trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Thế giới./.

Hà Khải