Đình Trung Tự di tích lịch sử văn hóa và địa điểm lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến nằm trong cụm di tích nổi tiếng thuộc phường Phương Liên - Quận Đống Đa – Thành phố Hà Nội.
Hằng năm, cứ vào ngày rằm tháng 3 âm lịch, là dịp để nhân dân và quý khách thập phương xa gần về với di tích Đình Trung Tự cùng tỏ lòng thành kính Dâng hương Thượng Đẳng Tối Linh Thần Cao Sơn Đại Vương vị Thần linh thiêng đã phù trợ giúp giữ yên nhà nước Văn lang cổ đại, bảo vệ ngôi báu Vua Hùng và ngầm giúp Vua Lê Tương Dực dành lại ngai vàng.
Cách đây hơn 500 năm, vùng đất xưa có tên gọi Trung Tự thuộc phường Đông Tác, Huyện Vĩnh Xương – phủ Phụng Thiên (Theo bản đồ 1490) Đời vua Lê Thánh Tông đã dựng ngồi đình Trung Tự. Đến năm 1831 (Đời vua Minh Quang) do triều đình phân chia lại ranh giới các địa phận, thì làng Trung Tự thuộc phường Đông Tác, Tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương - Phủ Hoài Đức, Tỉnh Hà Nội.
Tiếp đến đời vua Duy Tân thứ 9 (1907-1915) làng Trung Tự thuộc phường Đông Tác, Tổng Kim Liên, Huyện Hoàn Long, Tỉnh Hà Đông. Từ năm 1942 đến năm 1955, qua nhiều lần đổi tên địa giới hành chính, làng Trung Tự là một thôn của xã Kim Liên thuộc quận 7 ngoại thành Hà Nội. Từ năm 1981 đến nay Đình Trung Tự thuộc phường Phương Liên - Quận Đống Đa - TP. Hà Nội.
Đình Trung Tự là di tích lịch sử văn hóa, một di tích vọng thờ Thần Cao Sơn, phối thờ công chúa Huệ Minh nằm trong cụm di tích đình – chùa ở phía nam kinh thành Thăng Long, trong một khu vực đậm đặc nhiều di tích cổ quan trọng trong sinh hoạt văn hóa, khoa học của kinh đô dưới các thời quân chủ phong kiến. Đó là Đàn Xã Tắc ở phía tây, là Đại Thiên Văn (nay thuộc phường Khâm Thiên) ở phía bắc, đặc biệt Đình Trung tự nằm ngay cạnh Đền Kim Liên Trấn Nam thuộc kinh thành Thăng Long xưa.
Đình Trung Tự được ra đời từ rất sớm, các tư liệu, thư tịch, văn bia, câu đối, sắc phong có trong di tích và liên quan tới di tích đều khẳng định như vậy. Tài liệu sớm nhất là tấm bia đá bốn mặt ở Đình có ghi rõ được khắc vào năm Tân Dậu – niên đại Cảnh Hưng năm thứ hai 1741. Như vậy có thể khẳng định rằng Đình Trung Tự được xây dựng từ trước năm 1741 (tức là khoảng cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18). Đình Trung Tự ngoài việc thờ phụng “Thần Cao Sơn Đại Vương”, một nhân vật quan trọng trong Điện thần Việt cổ, còn thờ phối hưởng Huệ Minh công chúa và các vị Tiêu Văn Hội, Tiêu hiền phục nghiệp.
Tự hào là vùng đất có nhiều nhà khoa bảng, danh nhân văn hóa, có bề dày lịch sử, văn hóa truyền thống cách mạng. Lễ hội truyền thống là để tưởng nhớ vị Thần Hoàng “Cao Sơn Đại Vương”, đây cũng là dịp để mọi người dân, các vị đại biểu – khách quý, quý phật tử, thập phương xa gần từ muôn nơi hội tụ về sân đình dâng nén hương thơm ngát tỏ lòng thành kính, tri ân, biết ơn vị thần linh thiêng đã luôn che chở, chinh phục thiên nhiên, mang lại cuộc sống bình yên, mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi nảy nở. Đây cũng là dịp để cán bộ, nhân dân phường Phương Liên, các cấp, các ngành bày tỏ niềm tri ân nhớ đến công lao của các đồng chí cán bộ tham gia hoạt động kháng chiến tại khu di tích Đình Trung Tự, đã anh dũng hy sinh ở giai đoạn từ năm 1920 đến tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Đình Trung Tự là nơi cất giấu truyền đơn, tập kết, nuôi giấu cán bộ hoạt động trong vùng nội thành Hà Nội. Cuối tháng 8/1945, Đình là địa điểm thành lập trung đội tự vệ chiến đấu, và ra đời ủy ban cách mạng lâm thời của làng Trung Tự, chính nơi đây từ những năm 1932 đã thành lập một chi bộ Đảng dự bị của tổ chức Đảng Cộng Sản Đông Dương.
Với những giá trị quý giá về lịch sử, nghệ thuật với nhiều đồ thờ quý hiếm có niên đại từ rất sớm và triều đại Lê – Nguyễn. Vì vậy, Đình được nhà nước công nhận, xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa năm 1992.
Đình Trung Tự xứng danh thơm được UBND TP.Hà Nội ra quyết định số 756/QĐ-UBND ngày 04/02/2013 về việc công nhận và tổ chức gắn biển địa điểm lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến. Ngày 30/03/2022 Chủ tịch Trung ương Hội bảo vệ thiên niên và môi trường Việt Nam đã ban hành Quyết định số 91/QĐ-HMTg về việc công nhận Cây Thị Đình Trung Tự là Cây di sản Việt Nam.
Cán bộ và nhân dân phường Phương Liên rất tự hào có 2 di tích tôn giáo, tín ngưỡng trong đó Đình Trung Tự là một trong những báu vật, là di sản văn hóa Quốc gia cần phải giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị cả về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật cả về lịch sử cách mạng. Qua đó giáo dục tình yêu quê hương, giáo dục truyền thống cách mạng, giữ gìn thuần phong, mỹ tục, nét đẹp văn hóa địa phương. Đình là không gian văn hóa, là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại và tương lai do thời gian và sự thăng trầm của lịch sử, đến nay ngôi đình đã được nhà nước quan tâm đầu tư, tu bổ, tôn tạo tổng thể khang trang, tôn nghiêm như ngày hôm nay./.