IMF dự báo kinh tế thế giới bước vào giai đoạn tăng trưởng chậm nhất kể từ năm 1990

Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nhận định, nền kinh tế thế giới đang bước vào giai đoạn tăng trưởng chậm nhất kể từ năm 1990. Dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023 ở mức dưới 3%, giảm so với năm 2022 (năm 2022 là 3,4%).

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây cảnh báo triển vọng tăng trưởng của kinh tế toàn cầu trong 5 năm tới hiện đang ở mức thấp nhất trong hơn 3 thập kỷ. IMF cũng hối thúc các quốc gia hãy tránh tình trạng kinh tế thế giới bị phân mảnh vì căng thẳng địa chính trị, đồng thời nên hành động để đẩy tăng sản lượng.

Phát biểu tại Washington, Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho biết, IMF dự báo, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng khoảng 3% trong 5 năm tới vì phải chịu những ảnh hưởng tiêu cực từ lãi suất tăng. Đây là mức dự báo tăng trưởng trong trung hạn thấp nhất kể từ 1990, đồng thời thấp hơn mức trung bình 3,8% mà thế giới đạt được trong 2 thập kỷ gần nhất.

90% các nền kinh tế phát triển trên thế giới, bao gồm cả Mỹ và châu Âu đều tăng trưởng ở mức dưới tiềm năng. Sự tăng trưởng thấp của các nền kinh tế này, kéo theo nhu cầu giảm, ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu của các nền kinh tế đang phát triển và hệ quả là tình trạng nghèo đói, thiếu lương thực tiếp tục gia tăng.

Tuy nhiên, một số thị trường mới nổi lại đang tỏ ra mạnh mẽ, đặc biệt là ở châu Á. Ấn Độ và Trung Quốc được dự báo sẽ đóng góp một nửa tăng trưởng của toàn thế giới. Trong khi đó các nước thu nhập thấp bị ảnh hưởng nặng nề khi nhu cầu đối với hàng hóa mà họ xuất đi sụt giảm. Tình trạng nghèo đói vốn đã tăng lên trong đại dịch có thể diễn biến tệ hơn.

9db16e56-8bf7-40ca-8935-9198baad4ae0-1680882288.jpg

Theo Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva, kinh tế thế giới năm 2023 sẽ đối mặt nhiều khó khăn. Ảnh minh họa

Theo Tổng giám đốc IMF, bất chấp triển vọng tăng trưởng yếu ớt, lạm phát cao khiến các Ngân hàng Trung ương (NHTW) bắt buộc phải tiếp tục tăng lãi suất chừng nào những áp lực lên sự ổn định của hệ thống tài chính vẫn nằm trong tầm kiểm soát sau những sự kiện ở Mỹ và Thụy Sĩ vừa qua.

Còn nếu như hệ thống ngân hàng trở nên mất ổn định, các nhà hoạch định chính sách sẽ phải đối mặt với sự đánh đổi phức tạp hơn giữa 1 bên là lạm phát và 1 bên là bảo vệ hệ thống tài chính.

IMF đưa ra 3 khuyến nghị gồm:

- Thứ nhất, tập trung mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định tài chính, không thể có tăng trưởng bền vững khi lạm phát cao và tác động tiêu cực đến hệ thống ngân hàng, người dân;

- Thứ hai, cải thiện năng lực tăng trưởng cho các nền kinh tế, như việc tái cơ cấu, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo các cơ hội mới cho sự phát triển;

- Thứ ba, tăng cường hợp tác giữa các nền kinh tế, giảm bớt chênh lệch giàu nghèo./.

Trước đó, IMF cũng vừa cảnh báo căng thẳng địa chính trị mà nổi cộm nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc đang đe dọa gây tổn hại cho kinh tế toàn cầu. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và nhiều dòng vốn khác đang ngày càng bó hẹp trong các nhóm nước.

Hồi tháng 1, Tổng Giám đốc IMF từng nhấn mạnh các biện pháp hạn chế nhập cư, hạn chế dòng chảy của vốn và hạn chế hợp tác quốc tế có thể khiến GDP toàn cầu giảm khoảng 7%, tương đương GDP của Đức và Nhật Bản cộng lại, tức khoảng 7.000 tỷ USD.

Thi Nguyên (t/h)