Hưng Yên: Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong phát triển cây ăn quả ở Khoái Châu

Đến nay, tổng diện tích cây ăn quả của huyện Khoái Châu có 3.959ha, tập trung ở các xã Hàm Tử, An Vĩ, Tân Dân, Bình Minh, Đại Tập... trong đó có khoảng 930ha cây ăn quả chủ lực được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP; 4 vùng sản xuất cây ăn quả đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu trái cây ứng dụng hệ thống tiêu chuẩn OTAS.

Thời gian qua, ý thức được vai trò của tiến bộ khoa học kỹ thuật đối với phát triển sản xuất nông nghiệp, huyện Khoái Châu đã thường xuyên triển khai tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân về kỹ thuật canh tác và phòng, trừ sâu bệnh. Qua đó có nhiều kỹ thuật mới được nghiên cứu, áp dụng thành công để thúc đẩy phát triển sản xuất cây ăn quả như: Phương pháp sử dụng nuôi cấy mô trong trồng chuối; sử dụng chế phẩm nano bạc, đồng để phòng, trừ sâu bệnh trên cây nhãn, cây có múi nhằm tăng tỷ lệ ra hoa, đậu quả; công nghệ chiết, ghép mắt và ghép đoạn cành nhằm tăng hệ số nhân giống và cải tạo giống trên một số loại cây ăn quả; biện pháp khoanh cành, xử lý bằng hóa chất cho cây nhãn ra hoa theo ý muốn…

Bên cạnh đó, tiến bộ kỹ thuật trong canh tác đã được huyện chú trọng đầu tư như tưới và bón phân thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt; sử dụng phân vi sinh; kỹ thuật xử lý ra hoa trái vụ, sử dụng túi bao quả, bẫy, thuốc sinh học trong phòng trừ ruồi hại quả, hạn chế quả bị cháy, rám nắng; quản lý dịch hại theo phương pháp IPM; sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, ứng dụng hệ thống tiêu chuẩn OTAS trong quản lý vùng trồng… Qua theo dõi, đánh giá, các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đã mang lại hiệu quả thiết thực.

hy-1668387154.jpg
Vùng trồng cây ăn quả ở xã Tân Dân (Khoái Châu)

Anh Hoàng Quang Tuấn ở xã Tân Dân cho biết: Gia đình tôi trồng gần 3 mẫu nhãn và bưởi đã cho thu hoạch nhiều năm. Trước đây, gia đình tôi hoàn toàn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng, trừ sâu bệnh trên cây ăn quả. Cách làm này chi phí nhiều nhưng hiệu quả không cao, lại ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường xung quanh. Những năm gần đây, khi áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP, tôi được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ tem mác, bao bì… nên chất lượng sản phẩm được nâng lên, đầu ra thuận lợi hơn.

Ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nhãn Miền Thiết (Khoái Châu) cho biết: HTX hiện nay đang có gần 10ha trồng nhãn được áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời, sử dụng chế phẩm nano bạc để phòng, trừ sâu bệnh trên cây nhãn, hệ thống tưới nhỏ giọt… Qua theo dõi, so với phương pháp phòng, trừ sâu bệnh truyền thống thì việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp mang lại ưu điểm vượt trội, hiệu quả cao trong phòng, trừ sâu bệnh và sản phẩm được khách hàng tin dùng. Bên cạnh đó, nhờ tuân thủ đúng các quy định từ việc ghi chép quy trình chăm sóc cây trồng thông qua nhật ký điện tử đến việc sử dụng các loại phân bón nên lợi nhuận sau vụ đầu tiên HTX thu hoạch cao hơn từ 20 đến 30% so với trồng theo phương pháp truyền thống.

Qua những mô hình, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, các loại cây trồng, phương pháp thâm canh mới đã được người dân huyện Khoái Châu tiếp nhận và ứng dụng ngày càng nhiều, tạo bước đột phá mới trong sản xuất. Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn tại địa phương, công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật còn gặp nhiều khó khăn như: Sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ; chất lượng nông sản chưa đồng đều, sản phẩm theo hướng an toàn còn ít, chưa có nhiều thương hiệu nên còn bị tư thương ép giá; ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao vào sản xuất, bảo quản, chế biến để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm còn hạn chế; chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư; còn nhiều hạn chế trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao…

Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, thực hiện tốt sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP; đồng thời, khuyến khích người dân tích tụ ruộng đất, cho thuê đất để sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn; đẩy mạnh cơ giới hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp và bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch; tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tăng cường liên kết sản xuất; nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp của huyện; thực hiện tốt đề án bảo tồn và phát triển vùng sản xuất nhãn, vải đặc sản tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025…/.