“Miền Đất Hứa” (tựa gốc “A Promised Land”) là cuốn hồi ký đặc biệt hấp dẫn của vị tổng thống thứ 44 Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Với óc quan sát tỉ mỉ, những chiêm nghiệm sâu sắc và văn phong lôi cuốn, Barack Obama đã đưa độc giả vào hành trình từ lúc ông còn là một cậu bé thừa hưởng một di sản pha trộn (mẹ là người Mỹ da trắng, còn cha là người Kenya Da đen) cho đến khi ông đứng ở vị trí quyền lực nhất nước Mỹ.
“Miền Đất Hứa” và những tiết lộ sửng sốt
Trong hồi ký của mình, Barack Obama đã cung cấp cái nhìn cận cảnh vào chính trường nước Mỹ và những thách thức trong công việc của một vị tổng thống. Ông không ngần ngại phơi bày những mặt trái của nước Mỹ, của xã hội Mỹ và của nền chính trị Mỹ. Đó có thể là quá khứ phân biệt chủng tộc, có thể là những sai lầm của Mỹ khi can thiệp vào nước khác, và cũng có thể là không khí thù địch đảng phái khiến nhiều “chính sách tốt” không thể được triển khai.
Bên cạnh đó, là một người đứng đầu cường quốc số 1 thế giới, hằng ngày đều tiếp cận các báo cáo tình báo tối mật cũng như đưa ra các quyết định trọng đại, có ảnh hưởng không chỉ nước Mỹ mà cả thế giới, Barack Obama đã tiết lộ nhiều chi tiết sửng sốt trong cuốn sách của mình.
Chẳng hạn như trong chuyến công du ở Brazil vào lúc Mỹ đang sắp sửa tấn công Libya, khi hệ thống liên lạc tối mật bị trục trặc, ông đã gọi Mike Mullen – cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ - để khởi động cuộc can thiệp quân sự đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của mình chỉ bằng chiếc điện thoại di động không dùng một kết nối bảo mật nào.
Hay trong một phần khác, ông tiết lộ câu chuyện về “một người hoàn toàn trái ngược với tất cả những gì chúng tôi đại diện”, chính là tỉ phú Donald Trump – vị Tổng thống thứ 45 của Mỹ. Trước khi trở thành một người chỉ trích kịch liệt đối với chính quyền Obama, ông Trump lại từng có hảo cảm với chính quyền này ít nhất là trong hai năm đầu Barack Obama làm Tổng thống. Donald Trump cũng đã có hơn một lần đề nghị hợp tác với chính quyền của Barack Obama.
Hàng loạt những tiết lộ về các sự kiện chính trị chưa từng được nhắc đến như vậy đã làm cho “Miền Đất Hứa” trở thành một cuốn sách ngồn ngộn chi tiết sinh động, thoát khỏi vẻ khô cứng mà chúng ta vẫn luôn hình dung về cuốn hồi ký của một chính trị gia.
Hành trình khơi dậy cảm hứng cho trẻ em khắp thế giới
Thừa hưởng một di sản pha trộn, Barack Obama nhìn nước Mỹ, xã hội Mỹ từ vị thế của một người thuộc cộng đồng thiểu số. Ông hiểu rõ gánh nặng của nạn phân biệt chủng tộc, ông hiểu những thách thức mà trẻ em thuộc các sắc dân thiểu số phải đối mặt khi lớn lên trong lòng nước Mỹ.
Từ khi còn nhỏ, Obama cũng đã sống trong nhiều môi trường, vùng đất và hoàn cảnh xã hội khác nhau, trong đó có thời gian ông theo mẹ tới sống ở Indonesia. Trải nghiệm thơ ấu cùng với các trải nghiệm trong giai đoạn trưởng thành, bao gồm những chuyến đi tới nhiều nơi trên thế giới trong vai trò là một nhà lập pháp, ông đã có điều kiện để nhìn rõ hơn thế giới bên ngoài nước Mỹ, hiểu hơn về cuộc đấu tranh của người trẻ tuổi tại nhiều nước. Từ trải nghiệm đó, ông luôn muốn câu chuyện của mình, hành trình mà một người Da đen mang tên Barack Hussein Obama đã thực hiện có thể khơi lên cảm hứng cho trẻ em từ khắp nơi trên thế giới.
Đó cũng chính là một trong những điều đã đưa Barack Obama đến với con đường chính trị, và hơn cả là một phần lý lẽ của việc ông tranh cử. Bởi Obama tin rằng sự lãnh đạo của một vị Tổng thống Da đen sẽ mang tới những đổi thay trong cách mà trẻ em và thanh niên khắp nơi tự nhìn nhận về giá trị của chính mình.
Tóm lại, dù rất nhiều lần trong “Miền Đất Hứa”, Barack Obama đã bày tỏ sự nghi hoặc, thậm chí bi quan về tình trạng của nền dân chủ Mỹ. Tuy nhiên, trên hết, ông vẫn duy trì niềm tin vào người dân Mỹ, những người luôn nỗ lực không ngừng để phụng sự, và dĩ nhiên, là không thôi hy vọng vào tương lai nước Mỹ sẽ ngày một tốt đẹp hơn.