Hòa Bình: Phát triển kinh tế nông nghiệp xanh thân thiện môi trường

Hướng tới nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, một số hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã sử dụng các chế phẩm sinh học trong phòng trừ sâu bệnh hại và ủ phân hữu cơ để bón cho cây trồng. Những mô hình nông nghiệp xanh giúp giảm chi phí sản xuất, tạo nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng, đồng thời tạo môi trường sống trong lành.

Hiện nay, một số hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã sử dụng các chế phẩm sinh học trong phòng trừ sâu bệnh hại và ủ phân hữu cơ để bón cho cây trồng. Đồng thời, giúp giảm chi phí sản xuất, tạo nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng.

Cụ thể, sản phẩm nông nghiệp sạch, đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) là nhu cầu tất yếu trong giai đoạn hiện nay. Với vai trò, chức năng bảo vệ, đại diện, hỗ trợ cho các tổ chức kinh tế tập thể (KTTT), thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ các HTX có nhiều cơ hội tiếp cận với sản xuất nông nghiệp sạch, ATTP. Tạo cơ hội để HTX với doanh nghiệp, HTX với HTX thực hiện liên kết trong sản xuất, kết nối tiêu thụ, tạo thành chuỗi cung ứng theo hợp đồng.

Năm 2021, Liên minh HTX tỉnh tổ chức 11 hội nghị ngành hàng, 30 cuộc kết nối giữa doanh nghiệp với HTX. Từ đầu năm đến nay tổ chức 9 hội thảo tại 9 huyện cho doanh nghiệp tiêu thụ, chuỗi cung ứng gặp mặt trao đổi với HTX, chính quyền địa phương để lựa chọn sản phẩm, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho các HTX.

Ông Trần An Định, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hòa Bình cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi còn triển khai hội thảo chia sẻ kết quả thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường để lan tỏa sâu rộng trong bà con nhân dân. Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh sẽ tổ chức tuyên truyền lưu động về Luật Bảo vệ môi trường và sản xuất thân thiện với môi trường...”.

Theo đó, Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ các HTX có nhiều cơ hội tiếp cận với sản xuất nông nghiệp sạch, ATTP. Tạo cơ hội để HTX với doanh nghiệp, HTX với HTX thực hiện liên kết trong sản xuất, kết nối tiêu thụ, tạo thành chuỗi cung ứng theo hợp đồng.

Để bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, Liên minh HTX tỉnh Hòa Bình còn kêu gọi được tổ chức OXFAM tài trợ thực hiện sáng kiến "Nâng cao nhận thức về Luật Bảo vệ môi trường hướng tới thay đổi hành vi sử dụng phân bón và thuốc BVTV trong sản xuất cho các thành viên HTX nông nghiệp huyện Cao Phong.

hoa-binh-tao-chuyen-bien-manh-me-toan-dien-trong-linh-vuc-nong-nghie-p-1660632562.jpg
Ảnh minh họa.

Đến nay, Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức tập huấn cho thành viên HTX nông nghiệp, hộ nông dân liên kết với HTX trên địa bàn huyện Cao Phong. Đã có 800 lượt người được tham gia tập huấn cách pha chế phẩm để sử dụng ủ phân, cải tạo đất, chế biến thức ăn gia súc, gia cầm. Qua đó, giảm dư lượng chất vô cơ như đạm, lân, kali còn tồn trong đất, hướng dẫn các hộ cách pha chế, chiết dịch thảo dược để trừ sâu bệnh.

Qua đánh giá, bà con đã biết tạo ra phân vi sinh bón cho cây trồng, giá thành chỉ 600 - 700 đồng/kg, rẻ hơn rất nhiều phân vô cơ. Trong khuôn khổ sáng kiến, Liên minh HTX tỉnh triển khai 5 mô hình kết hợp trồng cây chủ lực như bưởi, cam, mía, chuối, keo, bên dưới trồng cây thảo dược để tăng thêm nguồn thu, kết hợp hệ thống tưới tiết kiệm tạo mô hình sản xuất tuần hoàn.

Với hơn 6.000 m2 đất canh tác, gia đình anh Bùi Văn Cương, thành viên HTX dịch vụ nông nghiệp Đông Phong, xã Hợp Phong (Cao Phong) được tham gia mô hình "Sản xuất xanh - sống an lành” thuộc sáng kiến. Anh Cương chia sẻ: "Trong khi gia đình đang loay hoay không biết trồng cây gì vào diện tích đất sau khi hết chu kỳ trồng cam, tôi được tham gia lớp tập huấn quy trình sản xuất thân thiện với môi trường cho nông dân là các thành viên HTX, nông dân sản xuất nông nghiệp của các xã trên địa bàn huyện Cao Phong do Liên minh HTX tỉnh tổ chức"

Tham gia mô hình "Sản xuất xanh - sống an lành”, gia đình tôi được hỗ trợ cây giống, kỹ thuật, lắp đặt hệ thống tưới tự động để trồng chuối tiêu hồng kết hợp trồng cây dược liệu; thực hiện ủ trộn phân bón, pha chế chế phẩm sinh học để xử lý sâu bệnh. Sau một thời gian canh tác, tôi nhận thấy cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh, môi trường sống trong lành. Tôi sẽ tích cực tuyên truyền tới các thành viên trong HTX và nông dân trên địa bàn để sản xuất nông nghiệp sạch, theo hướng an toàn, anh Cường cho hay.

Ngoài ra, Liên minh HTX tỉnh Hòa Bình còn đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản; xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng sản phẩm; thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, phát triển các mô hình nông nghiệp thông minh ứng dụng công nghệ số, quản lý chuỗi cung ứng nông sản ứng dụng công nghệ, mã hóa tất cả dữ liệu…

Phương Ly (t/h)