Vào một buổi chiều tháng 7 khi cái nắng mùa hè đang còn oi bức, Phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh đã có buổi gặp gỡ để lắng nghe ông Hồ Xuân Hiếu – Chủ tịch HĐQT Công ty Thương mại Quảng Trị, Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ tỉnh Quảng Trị chia sẻ về các mô hình nông nghiệp hữu cơ mà đơn vị ông đã và đang triển khai.
Ở bài viết này chúng tôi không đề cấp quá sâu về kỹ thuật sãn xuất nông sản hữu cơ mà chỉ đề cập đến lợi ích mà nó mang lại và xu hướng kinh tế dựa trên mô hình nông sản sạch, nông sản hữu cơ.
Trò chuyện với Phóng viên, ông Hiếu hồ hởi chia sẻ về những thành công, lợi ích từ các mô hình nông nghiệp như phân bón hữu cơ, cây mỳ (sắn), dong riềng, cao su, ngô (bắp), tiêu và đặc biệt là mô hình khép kính lúa hữu cơ khi liên kết với người làm nông.
“Thế giới bước vào thế kỷ thứ 21, thời đại 4.0, trong khi các doanh nghiệp trên toàn cầu có xu hướng đầu tư phát triển vào các lĩnh vực công nghiệp và công nghệ cao mà chẳng mấy công ty quan tâm và đầu tư bài bản vào lĩnh vực nông nghiệp. Mà cụ thể ở đây là gạo sạch, hữu cơ. Đó chính là lương thực thiết yếu mà chúng ta sử dụng hàng ngày thì chẳng mấy ai quan tâm. Đặc biệt hiện nay, người làm nông đã quá lạm dụng vào thuốc cỏ, thuốc sâu và phân bón vô cơ. Nó tác động trực tiếp gây ô nhiễm môi trường và về lâu dài, các hoá chất độc hại ấy theo các dòng nước chảy ngấm vào lòng đất gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khoẻ con người. Tuy nhiên, khác với họ, chúng tôi liên tục nghiên cứu và triển khai các mô hình nông nghiệp hữu cơ, phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật từ các chế phẩm dược liệu sinh. Điều này, không chỉ mang lại thu nhập tốt hơn, ổn định hơn cho người làm nông nghiệp mà còn góp phần bảo vệ môi trường” ông Hiếu chia sẻ.
Nói qua thì có vẻ đơn giản, nhưng thực tế không vậy, bởi theo ông Hiếu, hiện nay Quảng Trị có 28.000 ha lúa. Thế nhưng, để triển khai được mô hình trồng lúa hưu cơ thì không phải đâu cũng làm được. Để sản xuất được lúa hữu cơ đòi hỏi một quy trình khép kín, phức tạp, đó là một vòng tuần hoàn. Đòi hỏi cả một quy trình kỳ công từ khâu chọn đất, cần phải chọn ruộng đất ở những nơi có đất tốt, lá lúa màu xanh đậm, nguồn nước sạch một chiều từ các hồ chứa lớn, khu vực trồng lúa hữu cơ phải cách biệt với các mô hình trồng lúa truyền thống bằng hàng rào vật lý, xa nguồn ôi nhiễm, xa đường, đo lường các chỉ số về PH, độ phèn… phải đạt chuẩn.
Đồng thời, phải tạo ra các vi sinh vật bản địa có lợi trong đất, chọn đúng giống, bón phân hữu cơ, phun thuốc bảo vệ thực vật từ các chế phẩm sinh học được tạo ra từ hỗn hợp gừng, tỏi, ớt, thuốc lào… và cho đến khâu thu hoạch, bảo quản lúa. Muốn đảm chất lượng hạt gạo theo tiêu chuẩn hữu cơ thì lúa sau khi thu hoạch xong không được để xuống đất mà phải đóng bao và chở về nhà máy sấy ngay ở nhiệt độ không quá 40 độ C trong 1 ngày 1 đêm. Sau đó, chuyển qua kho mát bảo quản ở nhiệt độ không quá 35 độ C để giữ được chất dinh dưỡng cho hạt gạo tốt nhất. Điểm thuận lợi là ở Quảng Trị có nhiều hồ nước sạch rất phù hợp cho sản xuất lúa hữu cơ.
Đặc biệt, đối với những sản phẩm xuất đi các thị trường “khó tính” như châu Âu đòi hỏi phải tuân thủ các quy trình kỹ thuật rất khắt khe. Bên cạnh đó, ông Hiếu còn chia sẻ thêm, để có thể xuất khẩu nông sản hữu cơ sang thị trường các nước châu Âu một cách an toàn, suôn sẽ, công ty của ông đã thuê một đơn vị có uy tín ở Mỹ có bề dày kinh nghiệm hơn 100 năm về kiểm tra, tư vấn để đảm bảo đạt tiêu chí khắt khe nhất về sản phẩm trước khi hàng hoá lên đường.
Ngoài ra, công ty cũng áp dụng mô hình nguyên lý cận biên của người Nhật (cây cách cây 18cm, hàng cách hàng 30cm) để đảm bảo cây lúa nhận được nhiều ánh sáng nhất. Đồng thời với tỉ lệ, khoảng cách này cũng giúp giảm số lượng, chi phí giống cho nông dân, nâng cao năng suất và giúp bộ rễ phát triển tốt hơn, hạn chế tình trạng ngã rạp khi có gió lớn.
Giảm chi phí – tăng thu nhập ổn định từ làm nông nghiệp hữu cơ
Theo ông Hiếu, hiện Công ty của ông đang đồng hành và hợp tác với khoảng 50.000 hộ dân trong việc triển các khai mô hình nông nghiệp hữu cơ. Công ty Thương mại Quảng Trị là doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo hình thức xã hội hoá. Trong đó, tận dụng lợi thế người nông dân am hiểu về đồng ruộng, có ruộng đất, và có công chăm sóc. Công ty hỗ trợ giống, phân bón, dùng máy cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật (từ chế phẩm dược liệu sinh học), hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật và làm thương mại, bao tiêu đầu ra. Ngoài ra, Công ty cũng thu gom và mua rơm rạ từ người nông dân để vừa giúp người dân có thêm thu nhập và bớt công làm đồng. Mặt khác, người nông dân thường có thôi quen đốt rơm rạ sau khi gặt lúa. Điều này, không chỉ gây lãng phí mà còn ảnh hưởng đến môi trường không khí, việc đốt rơm ra sẽ làm chết các sinh vậy có lợi trong đất, làm cho đất bị thái hoá, giảm dinh dưỡng đất.
“Sau khi trừ chi phí bà con nông dân làm lúa hữu cơ lãi hơn 30 triệu đồng/ha. Không những thế, để ổn định giá thành đầu ra đối với các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất, Công ty thương mại Quảng Trị phối hợp với huyện cam kết giá bảo hộ đầu ra, thu mua với giá 11.000đ/kg lúa tươi nếu năng suất đạt 5,6 tấn/ha. Trong trường hợp vượt 5,6 tấn thì công ty được một nửa, bà con được một nửa. Nếu dưới 5,6 tấn thì công ty bù một nửa và huyện bù một nửa”, ông Hiếu nói.
Trong bối cảnh mà rất ít doanh nghiệp quan tâm đầu tư, kinh doanh, sản xuất ngành lúa hữu cơ, lúa sạch. Thậm chí, ngay cả người nông dân từ bao đời vốn gắn bó mật thiết với làm lúa nước cũng không mấy mặn mà bởi chi phí đầu tư để làm lúa thông thường ngày một tăng thì mô hình nông nghiệp hữu cơ, trong đó có lúa hữu cơ được đầu tư bài bản rõ ràng là một lời giải hay cho bài toán an ninh lương thực thế giới vốn là chủ đề lo ngại toàn cầu trong những năm gần đây.
Bên cạnh đó, mô hình lúa hữu cơ cũng giúp giảm thiểu đáng kể những tác động xấu đến môi trường từ những chất độc có trong thuốc bảo vệ thực vật và góp phần bảo vệ sức khoẻ con người. Tăng thu nhập ổn định cho người nông dân, do đó nông nghiệp hữu cơ nói chung và mô hình làm lúa hữu cơ nói riêng cần được ưu tiên đầu tư phát triển, là một phần không thế thiếu, đóng góp quan trọng cho nền kinh tế nông nghiệp phát triển bền bền vững, đó cũng chính là nền Kinh tế xanh vốn để cân bằng cho sự phát triển công nghiệp và nông nghiệp cần được phát huy và nhân rộng mô hình này để đáp ứng nhu cầu không chỉ ở trong nước mà cho phạm vi toàn cầu. Đó là tính ưu việt của nền Kinh tế xanh hay là kinh tế tuần hoàn theo cách nói của ông Hồ Xuân Hiếu – Chủ tịch HĐQT Công ty Thương mại Quảng Trị.
Công ty Cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị được thành lập từ năm 1973, là một doanh nghiệp hoạt động đa ngành: thương mại tổng hợp, dịch vụ, du lịch, chế biến nông sản...
Vào các năm 2020 và 2021, thiên tai và dịch bệnh COVID-19 hoành hành, nhiều doanh nghiệp và người lao động điêu đứng. Với Quảng Trị năm 2020, chỉ riêng lũ lụt lịch sử cũng đã khiến địa phương lao đao, hao người tốn của không ít. Dù vậy, các doanh nghiệp không ngừng vượt khó và tìm lối đi, tiêu biểu như Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị.
* Bài dự thi Cuộc thi viết Vì Việt Nam Xanh