Phát triển kinh tế xanh vùng Đông Nam Bộ còn khó khăn và thách thức

Chiều 29/7/2022, tại TP. Hồ Chí Minh, Thời báo Tài chính Việt Nam phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn “Phát triển kinh tế xanh vùng Đông Nam Bộ: Kết nối đầu tư - Hỗ trợ phục hồi và phát triển”.

Diễn đàn có sự tham gia của đại diện các tỉnh, thành phố thuộc vùng Đông Nam Bộ, trường Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đại học Tài chính - Marketing… Ngoài ra còn có đại diện một số bộ, ngành liên quan, gần 200 doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh…

010afcd5a29a90fcfc98994b0572ce98-1659141717.jpg
Diễn đàn thu hút lãnh đạo các tỉnh, thành và doanh nghiệp.

Tại Diễn đàn, các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, tài chính đã cùng nhau thảo luận về hướng phát triển kinh tế xanh để đưa vùng Đông Nam bộ trở thành vùng dẫn dắt đổi mới mô hình tăng trưởng của cả nước, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn...

Phát biểu ý kiến, TS. Phạm Thu Phong - Tổng Biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam cho biết, Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050 được Chính phủ ban hành là Chiến lược Quốc gia đầu tiên, toàn diện về phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam. Đồng thời, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong thực hiện phát triển bền vững, với nhiều hành động thiết thực và cụ thể.

Với Việt Nam, việc chuyển hướng sang kinh tế xanh và tăng trưởng xanh không chỉ là lựa chọn tất yếu mà còn là cơ hội để trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới. Vùng Đông Nam bộ được đề xuất định hướng trở thành vùng dẫn dắt đổi mới mô hình tăng trưởng của cả nước, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn phù hợp với vai trò, vị trí đầu tàu về kinh tế của cả nước…

Trong khi đó, theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế cho biết, ngày 7/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH) ở Việt Nam, với mục tiêu góp phần cụ thể hóa mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP ít nhất 15% vào năm 2030 so với năm 2014, hướng tới mục tiêu phát thải ròng về “0” vào năm 2050;

Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng mô hình KTTH thúc đẩy xanh hóa các ngành kinh tế. Trong đó, đề ra chỉ tiêu, đến năm 2025, các dự án KTTH bước đầu đi vào thực hiện và phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội, công nghệ và môi trường; góp phần phục hồi tài nguyên tái tạo được, giảm tiêu hao năng lượng, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trên tổng cung cấp năng lượng sơ cấp, tỷ lệ che phủ rừng, tỷ lệ tái chế rác thải, tỷ lệ nội địa hóa của nông sản và công nghiệp xuất khẩu.

Tại Diễn đàn các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học đã chia sẻ về xu hướng kinh tế xanh trong thời điểm hiện tại; giải pháp để phát triển kinh tế xanh vùng Đông Nam Bộ; chính sách hỗ trợ sự phục hồi của doanh nghiệp và phát triển theo hướng “xanh hóa” hoạt động sản xuất kinh doanh…

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức, trong đó có khó khăn về nguồn tài chính xanh. Tài chính xanh dù đã được triển khai tại Việt Nam được gần 10 năm, nhưng quy mô vẫn còn nhỏ (tín dụng xanh chỉ chiếm 4,2% tổng dư nợ, phát hành trái phiếu xanh còn rất ít…)

1852-img-8079-1659141717.jpg
Các chuyên gia kinh tế chia sẻ về phát triển kinh tế xanh.

Triển khai tín dụng xanh còn nhiều vướng mắc, Chia sẻ khó khăn về nguồn tín dụng xanh, GS, TS Phạm Tiến Đạt, Trường Đại học Tài chính – Marketing nhận định, đặc điểm của thị trường tài chính Việt Nam tạo một số áp lực lên phát triển tín dụng xanh. Cơ cấu thị trường tài chính với nguồn vốn cung cấp cho nền kinh tế chủ yếu đến từ nguồn vốn tín dụng ngân hàng khiến cho áp lực cho tín dụng xanh nặng hơn. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy trái phiếu xanh là công cụ chủ lực trong việc huy động vốn cho tăng trưởng xanh và biến đổi khí hậu. Vậy nhưng, tại Việt Nam, do thị trường trái phiếu còn nhiều hạn chế, việc phát triển ngay kênh huy động trái phiếu xanh khó có thể thực hiện, khiến phải thực hiện lộ trình thí điểm trái phiếu xanh trong nhiều năm…

Ngoài ra, khu vực này cũng cần xây dựng và thực thi “văn hóa xanh” như TP Huế đang làm khá tốt. Đồng thời, khu vực Đông Nam bộ cần đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng và xử lý rác thải, vấn đề cấp - thoát nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường…là rất thiết thực; có phương án huy động nguồn lực, tài chính xanh khả thi, phù hợp.

Việc nghiên cứu, phân tích, làm rõ những cơ hội, thách thức về tăng trưởng xanh trong bối cảnh hậu Covid-19 tại Việt Nam và từ đó đưa ra giải pháp, khuyến nghị nhằm thúc đẩy khôi phục và phát triển nền kinh tế bền vững song song với bảo vệ môi trường là yêu cầu quan trọng, cấp thiết trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt đối với vùng Đông Nam Bộ.

Ngọc Thiên Kim